Số người mắc bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Nhiều người dân tự ý mua thuốc tự điều trị tại nhà dẫn đến tình trạng bệnh kéo dài, thuốc điều trị tăng giá.
Bệnh nhân khám mắt tại Bệnh viện Mắt Hưng Yên
Bác sĩ Phạm Thị Thúy Hằng, Bệnh viện Mắt Hưng Yên cho biết, từ nhiều năm trở lại đây, chưa khi nào tình trạng bệnh nhân đau mắt đỏ vào khám tại bệnh viện đông như thế. Qua khám lâm sàng cho thấy, tình trạng bệnh lai rai, kéo dài. Nhiều người sống cùng nhà đều mắc mà nguồn lây xuất phát từ trường học, con bị rồi lây cho bố, mẹ. Nhiều bệnh nhân vào bệnh viện trong tình trạng đã sử dụng thuốc tự mua một thời gian nhưng bệnh không giảm. Đặc biệt là người bệnh không biết đã uống thuốc gì.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Tuyết ở phường Lê Lợi (thành phố Hưng Yên) cho biết, ban đầu tôi có hiện tượng đỏ mắt, nhức mắt nên mua thuốc tự điều trị tại nhà. Tôi không biết được nhân viên bán thuốc bán cho thuốc gì, chỉ uống theo lời dặn. Tuy nhiên, sau khi uống, bệnh không giảm nên phải vào bệnh viện điều trị 2 tuần.
Khảo sát tại nhiều nhà thuốc ở thành phố Hưng Yên cho thấy, thuốc điều trị đau mắt đỏ được nhiều người dân hỏi mua. Không chỉ được bán cho thuốc tra, người dân còn được nhân viên quầy thuốc bán cho nhiều loại thuốc uống có chứa nhóm corticoid. Thuốc có dấu hiệu tăng giá trong thời gian gần đây. Ví dụ như: Thuốc Oflovid nếu trước kia có giá khoảng 58-60 nghìn đồng/lọ thì nay tăng lên 70-80 nghìn đồng/lọ; thuốc Tobrex được bán với giá 45- 50 nghìn đồng/lọ, nay tăng lên 60 nghìn đồng/lọ.
“Do nhiều người mắc bệnh tự mua thuốc về điều trị nên không có đơn thuốc, thuốc trở nên khan hiếm hơn. Nhiều trường hợp tôi khuyên vào cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, kê đơn điều trị cho an toàn rồi hãy mua thuốc về sử dụng theo lời dặn của bác sĩ” - Chủ một hiệu thuốc ở đường Nguyễn Văn Linh, phường An Tảo chia sẻ.
Theo bác sĩ Phạm Thị Thúy Hằng, bệnh đau mắt đỏ là bệnh tại chỗ do vi rút Adeno, người bệnh không nên uống thuốc, đặc biệt các thuốc kháng sinh, thuốc chứa hợp chất Corticoid. Giai đoạn đầu bệnh, bệnh nhân cần tăng cường miễn dịch để chống trả vi rút thì lại dùng corticoid liều cao để ức chế miễn dịch dẫn đến bệnh lai rai. Người bệnh thấy giảm triệu chứng đỏ mắt nên tưởng khỏi nhanh nhưng thực tế vi rút đang tăng nồng độ. Ngoài ra, nhiều loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh hoặc hợp chất Corticoid có thể gây nên tình trạng khô, rát, tổn thương cho mắt, kéo dài thời gian điều trị. Vì vậy, người dân không nên tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt mà cần đến cơ sở y tế để được khám, điều trị. Nếu phát hiện chậm hoặc chữa trị không hợp lý có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như loét giác mạc, viêm giác mạc, làm ảnh hưởng tới thị lực lâu dài.
Trước tình hình dịch đau mắt đỏ đang lan rộng ở nhiều địa phương trên cả nước, ngày 25/9, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có công văn về việc bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ. Theo đó, Cục yêu cầu Sở Y tế các địa phương chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn khẩn trương, chủ động thực hiện mua sắm các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ theo các hình thức phù hợp. Các địa phương bảo đảm sẵn sàng cung ứng kịp thời thuốc phục vụ điều trị, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc. Đối với các cơ sở kinh doanh dược, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giá thuốc, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ và tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi. Bên cạnh đó, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở bán lẻ thuốc trong tỉnh bán thuốc theo đơn và chịu trách nhiệm hướng dẫn người dân khi mua thuốc, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng của thuốc để bảo đảm an toàn, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu phát hiện), đặc biệt là những trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.
Đau mắt đỏ lây truyền qua những hạt tiết tố nhỏ li ti khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi; qua đồ dùng cá nhân, khăn tay; qua nước bị nhiễm khuẩn. Các bác sĩ khuyến cáo, để tránh bị đau mắt đỏ, cần tránh đưa tay bẩn lên mắt, nên đeo kính râm khi ra đường. Có ý thức giữ vệ sinh cá nhân tốt (dùng riêng khăn mặt, vật dụng cá nhân); khi mắc bệnh cần được nghỉ ngơi, hạn chế giao tiếp để tránh lây lan cho người khác. Tuyệt đối không dùng lại thuốc cũ hoặc dùng chung thuốc nhỏ mắt với người khác. Trước và sau khi nhỏ thuốc phải rửa tay bằng xà phòng. Trong điều kiện không kịp rửa tay thì cần dùng sát khuẩn tay nhanh…
Nguồn: https://baohungyen.vn