Thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết nhằm thúc đẩy “cỗ xe tam mã” là đầu tư công, xuất khẩu và tiêu dùng sau đại dịch Covid-19. Các chuyên gia kinh tế dự báo, năm 2024, thương mại, tiêu dùng nội địa tiếp tục là một trong những động lực đóng góp tăng trưởng kinh tế của cả nước nói chung và các địa phương nói riêng.
Do đó, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy thương mại, dịch vụ hướng tới tiêu dùng nội địa để lan tỏa cho các ngành sản xuất, đặc biệt là sản xuất trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.
Gian trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh tại siêu thị The City Yên Mỹ
Nhằm khuyến khích tiêu dùng nội địa, những năm qua, ngoài thực hiện chính sách kích cầu tiêu dùng hàng Việt Nam của Chính phủ, UBND tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh duy trì, ổn định và tiếp tục phát triển sản xuất, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, đặc sản địa phương, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP… Chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai hỗ trợ các đề án với các nội dung: Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nhằm khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất sản phẩm mới. Năm 2023, Sở Công Thương tổ chức nhiều hội nghị quảng bá, kết nối sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh như: Nhãn, vải, cam, nghệ, gà Đông Tảo; phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tổ chức gian hàng của tỉnh tại Hội chợ VietnamExpo; triển khai Đề án thương mại điện tử quốc gia. Nhằm bảo vệ thương hiệu của nhà sản xuất, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa, Sở Công Thương đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trong tỉnh hàng nghìn tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ xây dựng tổng số 12 điểm giới thiệu và bán giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh tại một số huyện, thị xã, thành phố. Từ ngày 26 đến 30/1, UBND tỉnh tổ chức Hội chợ Xuân Giáp Thìn 2024 đã thu hút 87 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia với tổng số 200 gian hàng, thu hút trên 10 nghìn lượt khách hàng tham quan, mua sắm....
Với việc triển khai nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, tháng 2/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt trên 7,3 nghìn tỷ đồng, nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 2 tháng đầu năm đạt trên 17,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4,68% so với cùng kỳ năm trước... Mức tăng trưởng này cho thấy tiềm năng của thị trường nội địa trong tỉnh rất lớn. Việc khai thác tốt thị trường nội địa sẽ tạo động lực giúp duy trì đà tăng của tổng mức bán lẻ hàng hóa. Các hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai thời gian qua đã khẳng định vai trò định hướng của Nhà nước trong việc tập hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa khai thác tốt thị trường trong nước giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Hoạt động mua bán tại các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh
Để tiếp tục tạo đà tăng trưởng cho tiêu thụ hàng hoá tại thị trường nội địa, hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, xây dựng hệ thống bán lẻ hiện đại phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Gia tăng các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ hàng hoá; thúc đẩy hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ngày 3/11/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản tỉnh năm 2024 với các hoạt động được tổ chức cụ thể như: Phiên chợ vải Hưng Yên; Hội nghị xúc tiến tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên; tổ chức livestream quảng bá nhãn lồng và các nông sản tiêu biểu của tỉnh trên nền tảng mạng xã hội và sàn giao dịch thương mại điện tử; Tuần lễ nhãn lồng – nông sản tiêu biểu tỉnh Hưng Yên tại Hà Nội; Phiên chợ cam Hưng Yên năm 2024…
Đồng chí Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Năm 2024, tỉnh phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 95 nghìn tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới, Sở tiếp tục theo dõi, thực hiện công tác kết nối cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng hóa bình ổn thị trường trong nước. Triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp kích cầu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong nước thông qua chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tiếp tục đầu tư, mở rộng mạng lưới cơ sở hạ tầng thương mại và cải tạo, nâng cấp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân, góp phần mở rộng giao lưu hàng hóa, văn minh thương mại. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín trong nước và quốc tế, tham gia chương trình “Phát triển các giải pháp xây dựng nội dung và tiếp thị trực tuyến” nhằm giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh giới thiệu, quảng bá và xây dựng thương hiệu trong môi trường trực tuyến, tạo cơ chế thuận lợi trong việc thu thập, cung cấp, khai thác, xử lý, tiếp cận, tiến tới thương mại hóa thông tin công nghiệp, thương mại...
Nguồn: https://baohungyen.vn