KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 26/05/2023 - Lượt xem: 863
Kiểm soát sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi

Kháng sinh được sử dụng trong chăn nuôi với mục đích phòng ngừa bệnh cho vật nuôi. Tuy nhiên, việc sử dụng tùy tiện kháng sinh có thể dẫn tới việc tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Lực lượng Thú y kiểm tra việc kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn thị xã Mỹ Hào
Tìm hiểu tại một số hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cho thấy, vẫn còn tình trạng người dân tùy tiện sử dụng kháng sinh cho vật nuôi. Anh Nguyễn Văn B., xã Hoàng Hanh (thành phố Hưng Yên) cho biết: “Do chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng thức ăn thừa và phụ phẩm nông nghiệp nên gia đình tôi chăn nuôi theo kinh nghiệm. Khi đàn vật nuôi bị nhiễm bệnh, tôi tự mua kháng sinh về tiêm cho lợn. Khi không khỏi, tôi tăng liều lượng. Nếu không chữa trị được, tôi bán “tháo” để được đồng nào hay đồng ấy”.
Theo đánh giá của Chi cục Thú y việc lạm dụng kháng sinh chủ yếu là ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện chuồng trại không bảo đảm, dịch bệnh dễ xâm nhập đàn vật nuôi. Đối với các trang trại chăn nuôi lớn, việc sử dụng kháng sinh tuân thủ theo sự hướng dẫn, giám sát của đơn vị liên kết. Bà Nguyễn Thị May, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở xã Đại Đồng (Văn Lâm) chia sẻ: Gia đình tôi nuôi gần 1 nghìn con lợn các loại. Thức ăn chăn nuôi, kháng sinh được ký kết với doanh nghiệp để đặt mua nên có kỹ sư chăn nuôi hướng dẫn bảo đảm đúng liều lượng, thành phần dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của vật nuôi. Do liên kết khâu tiêu thụ để đưa thực phẩm vào bếp ăn doanh nghiệp, siêu thị nên gia đình tôi phải bảo đảm thời gian đào thải trữ kháng sinh trước khi xuất bán lợn, bảo đảm chất lượng sản phẩm. 
Sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi là việc làm cần thiết trong phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là một số hộ chăn nuôi vẫn lạm dụng kháng sinh, sử dụng tùy tiện dẫn đến hiện tượng vật nuôi kháng thuốc. Khi đó, người chăn nuôi phải sử dụng với liều cao hơn hoặc thay thế loại kháng sinh khác, tạo ra những chủng vi khuẩn có khả năng chống lại nhiều loại kháng sinh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi mà còn gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho động vật.
Để hạn chế, tiến tới loại bỏ kháng sinh trong chăn nuôi, hàng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra việc bảo đảm điều kiện kinh doanh của các cơ sở chăn nuôi, sản xuất giống, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra chuyên ngành lĩnh vực chăn nuôi, thú y trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2022 đến nay, Chi cục Thú y đã kiểm tra và lấy mẫu tại các cơ sở giết mổ, sơ chế, bảo quản, kinh doanh sản phẩm động vật để giám sát một số chỉ tiêu vi sinh vật, chất cấm trên địa bàn tỉnh. Kết quả, 100% mẫu test thử nhanh không phát hiện chất cấm trong nước tiểu gia súc; 3/50 mẫu xét nghiệm vi sinh vật không đạt yêu cầu và bị xử phạt với số tiền trên 13 triệu đồng. Lấy 89 mẫu thuốc thú y tại 34 cửa hàng buôn bán thuốc thú y trong tỉnh để gửi kiểm nghiệm chất lượng, kết quả có 8 mẫu thuốc của 7 cửa hàng không đạt chất lượng. Chi cục Thú y đã  thông báo về việc tạm dừng lưu thông hàng hóa đối với các mẫu thuốc vi phạm và tiến hành xử phạt  vi phạm hành chính với số tiền 28 triệu đồng. Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thú y định kỳ tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền để người chăn nuôi khi sử dụng thuốc phòng, trị bệnh cho vật nuôi tuân thủ theo đúng chỉ định ghi trên nhãn thuốc và hướng dẫn của nhà sản xuất, tuyên truyền tác hại của việc dùng thuốc sai quy định; khuyến khích người chăn nuôi phát triển chăn nuôi theo quy hoạch, xa khu dân cư, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để hạn chế sự xâm nhập của mầm bệnh gây hại... Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi cần thay đổi nhận thức sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh cho vật nuôi; ưu tiên sử dụng chế phẩm sinh học, thảo dược chăm sóc vật nuôi để hướng đến phát triển chăn nuôi sạch, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan