KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 24/10/2023 - Lượt xem: 350
Kiến nghị nhiều giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội

Tại phiên thảo luận ở Tổ về kinh tế-xã hội sáng 24/10, các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp để hỗ trợ phục hồi kinh tế-xã hội trong thời gian tới.

Quang cảnh buổi họp tại tổ, sáng 24/10 của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Điện Biên, Bình Định, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Tránh lãng phí nguồn lực tài chính công
Liên quan kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) đánh giá cao những chính sách được áp dụng kịp thời trong thời gian qua đã được cộng đồng doanh nghiệp và người dân đón nhận như những giải pháp tích cực cho việc hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế.
Một loạt chính sách như cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, nhất là thuế giá trị gia tăng (VAT) được đồng loạt triển khai thực hiện đã góp phần cổ vũ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từng bước đưa nền kinh tế phục hồi và khởi sắc.
Các chính sách này vẫn đang tiếp tục được áp dụng và kéo dài đến hết ngày 31/12/2023 theo Nghị quyết số 101/2023/QH15. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số chính sách chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng như chính sách hỗ trợ lãi suất, vốn đầu tư phát triển của Chương trình, cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, cho vay phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo báo cáo tính đến ngày 30/9/2023, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình ước đạt 50.739 tỷ đồng, tương đương 28,9% kế hoạch vốn được giao, trong khi thời gian còn lại để thực hiện Chương trình chỉ còn chưa đến 3 tháng.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên ) phát biểu tại buổi họp tổ. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Đối với những chính sách mà việc triển khai chưa hiệu quả, kết quả chưa đạt so với kế hoạch đặt ra, giải ngân chậm trễ, đại biểu cho rằng cần phải có sự phân tích, đánh giá, làm rõ nguyên nhân để rút kinh nghiệm từ khâu nắm bắt tình hình; cho đến khâu nghiên cứu đề xuất xây dựng chính sách; tổ chức thực hiện ở tất cả các cấp ra quyết định và thực thi chính sách; đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Nếu cần thiết, phải làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng đơn vị, cá nhân để bảo đảm nguồn lực tài chính công được sử dụng một cách kịp thời, tiết kiệm, đúng mục tiêu và đạt hiệu quả tốt nhất, tránh lãng phí, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực tài chính công đang rất hạn chế, lại càng eo hẹp hơn do suy giảm kinh tế, suy giảm nguồn thu do đại dịch.
Việc để nguồn vốn không thể giải ngân và cũng chậm đề xuất, kiến nghị với Quốc hội để chuyển sang thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu khác là vấn đề cần phải được rút kinh nghiệm sâu sắc.
Đại biểu cũng đồng tình việc sử dụng 2.920,7 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 còn dư sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động để phân bổ cho 5 dự án của ngành y tế, vì đây thực sự là các dự án đầu tư lĩnh vực y tế cấp bách, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến...
Cần giải pháp nhanh, triệt để xử lý nợ xấu
Cơ bản đồng tình với những kết quả nổi bật trong các báo cáo về phát triển kinh tế-xã hội, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nêu vấn đề cần lưu ý là nợ xấu ngân hàng đang cao và sẽ tiếp tục gia tăng, phản ánh sức khỏe nền kinh tế.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội, tính đến cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 3,56%, cao hơn mức 2,0% cuối năm 2022 và mức 1,69% cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng cộng với nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 6,16% so với tổng dư nợ tín dụng.
Nếu loại trừ các ngân hàng đang trong diện kiểm soát đặc biệt và thêm Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân, tỷ lệ này là 2,86%. Đáng quan ngại, nếu cập nhật tới ngày 31/8, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tiếp tục tăng lên mức gần 8%, mà nguyên nhân chính là do nợ xấu của ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt tăng vọt.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng chỉ rõ con số này sẽ tiếp tục tăng nữa, đặc biệt khi các khoản nợ xấu tiềm ẩn theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) và Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hạn khoanh, giãn, hoãn. Điều này lý giải một phần tại sao tín dụng ngân hàng 9 tháng đầu năm nay tăng chậm.
Đại biểu Nguyễn Hải Nam (Thừa Thiên Huế) phát biểu tại buổi họp tổ. (Ảnh: DUY LINH)
Cũng bày tỏ lo ngại về tỷ lệ nợ xấu ngân hàng, đại biểu Nguyễn Hải Nam (Thừa Thiên Huế) cho biết, vừa qua, nhiều doanh nghiệp gặp tình trạng thua lỗ, kéo dài và nguồn vốn rất khó khăn, trong khi tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng khoảng 3,6%, trong những tháng gần đây tăng đột biến.
Ngoài ra, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém theo như báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là rất chậm. Do vậy, đại biểu cho rằng cần phải có giải pháp nhanh, triệt để và kịp thời vì để nợ xấu càng lâu thì lãi dự thu càng nhiều, tạo gánh nặng cho nền kinh tế, gây lãng phí nguồn lực.
Đánh giá tình hình sát hơn, cụ thể hơn để quyết tâm thực hiện
Phát biểu thảo luận tại Tổ 13, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, qua 9 tháng năm 2023 đã đạt được 10/15 chỉ tiêu về kinh tế-xã hội. Đại biểu cho rằng, trong số này có những chỉ tiêu rất quan trọng liên quan đến an sinh xã hội đã đạt và vượt, nhận được sự đồng tình của cử tri, nhân dân.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã tháo gỡ được nhiều chính sách nhằm tạo cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ được những bất cập, khó khăn đối với người dân. Nữ đại biểu Đoàn Đắk Lắk lấy thí dụ việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế đã được Chính phủ ban hành nhiều nghị định, quy định, thông tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Từ đó giúp các địa phương bảo đảm nguồn thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân.
“Điều này phần nào phản ánh việc Chính phủ đã kịp thời nắm tình hình mà cử tri phản ánh”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt nhấn mạnh.
Đại biểu phân tích thêm, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách khác như việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho người dân, góp phần giúp doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy việc làm cho người lao động.
Từ những phân tích trên, đại biểu Thu Nguyệt bày tỏ mong muốn những tháng còn lại của năm 2023, Chính phủ có nghiên cứu, xem xét, dự báo, đánh giá tình hình sát hơn, cụ thể hơn để quyết tâm thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) phát biểu tại buổi họp tổ. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) nêu rõ,cử tri và nhân dân cả nước đánh giá rất cao sự đổi mới sáng tạo và những quyết sách kịp thời hiệu quả mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bám sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến phản ánh, góp ý của các địa phương, nhân dân, các tổ chức, chuyên gia tư vấn, nhà khoa học, doanh nghiệp, các cử tri để tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực.
Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật là có thể hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội.
Bên cạnh kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm…, điểm sáng nền tảng nhất là về đầu tư công khi đã triển khai, hoàn thành một số công trình hạ tầng trọng điểm quan trọng, như các cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn, Mai Sơn-Quốc lộ 45, Cam Lộ-La Sơn, Trung Lương-Mỹ Thuận, Vân Đồn-Móng Cái…, qua đó giúp năng lực vận chuyển được cải thiện, giảm chi phí logistics vốn là trở ngại lớn đã tồn tại trong nhiều năm.
Một điểm sáng quan trọng nữa là về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Chín tháng qua, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Số dự án đầu tư mới tăng mạnh, phản ánh các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Đại biểu nhấn mạnh đây là động lực rất lớn đóng góp cho tăng trưởng không chỉ năm nay mà cả những năm tiếp theo.
Đáng chú ý, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023, đạt nhiều thành tựu quan trọng có tính lịch sử, tạo thời cơ, vận hội mới, để phát triển đất nước và nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Do đó, đại biểu đề nghị, Chính phủ và Bộ Ngoại giao cần quan tâm và hỗ trợ nâng cao vai trò, nhiệm vụ của đối ngoại địa phương trong giai đoạn phát triển mới, nhất là vị trí tiên phong của đối ngoại địa phương trong tăng cường và làm sâu sắc quan hệ hữu nghị, hợp tác với các đối tác; huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao vị thế, uy tín của các địa phương trong hội nhập quốc tế.
Nguồn: https://nhandan.vn
Tin liên quan