KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 29/10/2024 - Lượt xem: 50
Kim Động: Hỗ trợ Nhân dân khôi phục sản xuất sau bão số 3

Bão số 3 và trận lũ lịch sử hồi đầu tháng 9 gây thiệt hại lớn cho huyện Kim Động, ước tính con số thiệt hại khoảng 434 tỷ đồng. Ngay sau bão, huyện đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất nông nghiệp.

Nông dân xã Mai Động (Kim Động) khôi phục sản xuất sau bão số 3

Dù bão số 3 đã đi qua gần 2 tháng, nhưng việc khôi phục sản xuất của người dân khu vực ngoài đê sông Hồng thuộc xã Hùng An vẫn gặp nhiều khó khăn bởi gần như 100% diện tích cây ăn quả như: Chuối, cam, bưởi... bị gãy hoặc long gốc; toàn bộ diện tích cỏ voi bị gãy, ngập chưa thể phục hồi nên không đủ sản lượng, chất lượng cỏ tươi phục vụ chăn nuôi gần 1 nghìn con bò sữa và trên 300 con bò thịt; gần 140 héc-ta lúa giảm năng suất đến hơn một nửa. Bà Nguyễn Thị Hậu, thôn Tả Hà (xã Hùng An) xót xa: Nhà tôi cấy 6 sào lúa nhưng chỉ thu về khoảng 4 tạ thóc; có ruộng, lượng thóc thu về không bù nổi chi phí thuê gặt và các loại vật tư. Nhưng ngay sau bão, gia đình tôi vẫn nhanh chóng thu hoạch lúa, cải tạo đồng ruộng, gieo trồng những loại cây rau màu mới để bù thu nhập. 

Bão số 3 gây thiệt hại nặng cho huyện Kim Động, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp với khoảng 2.000 héc-ta lúa; 580 héc-ta ngô, rau màu, cây hằng năm; trên 1,5 nghìn héc-ta cây ăn quả như: chuối, cam, cùng với đó là trên 86 nghìn con gia súc, gia cầm và nhiều thức ăn chăn nuôi bị ngập nước... Thiệt hại nặng nhất là các xã nằm ven đê sông Hồng như: Hùng An, Đức Hợp, Ngọc Thanh…

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, ngay sau khi nước rút, huyện Kim Động đã tích cực hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả bão, lũ, khôi phục sản xuất, dần ổn định cuộc sống. Đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cho biết: Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện cùng với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tham mưu với Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện phát động ủng hộ Quỹ Cứu trợ, tiếp nhận trên 3,8 tỷ đồng. Thông qua Quỹ Cứu trợ, huyện đã hỗ trợ trên 1,2 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ 3 HTX tổng số tiền 100 triệu đồng; hỗ trợ nông dân, các chủ trang trại di chuyển 200 nghìn đồng/1con trâu, bò; 50 nghìn đồng/1con lợn; hỗ trợ mỗi xã, thị trấn 20 triệu đồng phun thuốc khử trùng để phòng, chống dịch bệnh... 

Trước thiệt hại do bão số 3, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cùng với các địa phương tập trung hướng dẫn nông dân khẩn trương thực hiện các biện pháp khôi phục sản xuất như: Xây dựng lại chuồng trại, tái đàn đối với những hộ chăn nuôi gà, lợn; gia cố lồng, bè, cải tạo ao nuôi và xuống giống các loại thuỷ sản phù hợp; gieo trồng mới các loại cây rau màu ngắn ngày, cây vụ đông như bí, ngô, khoai tây và trồng một số loại rau ăn lá để kịp thời cung ứng cho thị trường. Đồng thời, thống kê thiệt hại và đề xuất nhu cầu hỗ trợ. Hiện nay, các địa phương đã hoàn tất việc kê khai, kiểm tra, rà soát lại danh sách, mức độ thiệt hại của các hộ dân nhằm bảo đảm việc kê khai trung thực, chính xác để Nhân dân được thụ hưởng chính sách hỗ trợ thuận lợi. 

Đồng chí Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh cho biết: Ngay sau bão, UBND xã đã yêu cầu các thôn thống kê thiệt hại; xã thành lập 3 tổ kiểm tra, thẩm định báo cáo của các thôn. Nhìn chung, các thôn thống kê, lập danh sách và đánh giá đúng mức độ thiệt hại của các hộ dân. Chúng tôi rất mong huyện, tỉnh kịp thời hỗ trợ Nhân dân, nhất là những hộ sản xuất quy mô lớn để họ sớm tái sản xuất. Xã cũng huy động mọi nguồn lực để giúp Nhân dân tái sản xuất, góp phần giúp địa phương bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của cả nhiệm kỳ 2020 - 2025. 

Thực tế, khôi phục sản xuất nông nghiệp mất nhiều thời gian hơn nhiều ngành, lĩnh vực khác do phụ thuộc yếu tố mùa vụ, vật tư nông nghiệp, cây, con giống. Trước mắt, người dân rất cần sự hỗ trợ kịp thời về giống, vốn, khoa học, kỹ thuật và chính sách phù hợp để khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất. Tin rằng, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, sự chủ động của nông dân, sản xuất nông nghiệp nói riêng, nền kinh tế của huyện Kim Động nói chung sớm được phục hồi và phát triển mạnh mẽ. 

Nguồn: https://baohungyen.vn

Tin liên quan