Những năm qua, cùng với tuyên truyền, vận động thành lập các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), huyện Kim Động chú trọng tuyên truyền, hỗ trợ HTX, THT tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại các địa phương.
Để các HTX, THT tích cực tham gia Chương trình OCOP, thời gian qua, huyện tập trung tuyên truyền các tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP tới HTX, THT; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, thành viên HTX, THT về Chương trình OCOP; hướng dẫn các HTX,THT thực hiện các bước theo Chương trình OCOP; hỗ trợ các HTX thiết kế nhãn hiệu, chuyển đổi số, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử… Đến nay, toàn huyện có 37 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của 18 chủ thể tham gia; trong đó, 12 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 25 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Có 13 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP là sản phẩm của HTX, THT; 10 HTX, THT tham gia đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP, chiếm trên 55% số chủ thể tham gia.
Sản phẩm OCOP của HTX đầu tư sản xuất và thương mại phát triển nấm sạch Việt Tú
Ông Đào Công Thành, Giám đốc HTX rượu Thành Nhàn, xã Nghĩa Dân cho biết: HTX thành lập năm 2013, với 10 thành viên. Với mong muốn xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đồ uống để sản phẩm được liên kết bày bán tại các cửa hàng, siêu thị trong cả nước, HTX đã tham gia Chương trình OCOP. Đến nay, HTX có 2 sản phẩm là: Rượu nếp cái hoa vàng và rượu dừa rucota Đào Công Thành được công nhận sản phẩm OCOP, đạt hạng 3 sao. Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm dễ tiêu thụ trên thị trường. Doanh thu trung bình của HTX đạt trên 1 tỷ đồng/năm. Năm 2024, HTX phấn đấu có thêm 4-5 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP.
Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cam Vinh của địa phương, hướng đến xây dựng sản phẩm cam Vinh đạt sản phẩm OCOP năm 2024, HTX rau, củ, quả sạch Trang Hân, xã Đồng Thanh đã tìm hiểu và đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Ông Ngô Văn Thông, Giám đốc HTX cho biết: Sau khi được ngành chức năng tuyên truyền, HTX đã làm hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Để bảo đảm các tiêu chí, HTX tuyên truyền thành viên áp dụng sản xuất cam theo quy trình VietGAP, hữu cơ. Đến nay, HTX cơ bản bảo đảm các điều kiện của chương trình, tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn thực hiện các bước.
Phát triển sản phẩm OCOP giúp các HTX, THT trên địa bàn huyện tạo ra sản phẩm chủ lực, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Năm 2023, lợi nhuận bình quân của 1 HTX trên địa bàn huyện đạt trên 200 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân của 1 THT đạt trên 100 triệu đồng/năm. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của các HTX, THT đã và đang được liên kết sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Liên kết tiêu thụ sản phẩm trứng gà tại HTX chăn nuôi Nguyễn Gia, liên kết tiêu thụ sản phẩm nấm tại HTX đầu tư sản xuất và thương mại phát triển nấm sạch Việt Tú….
Năm 2024, huyện Kim Động phấn đấu có 2 đến 3 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP. Để đạt mục tiêu này, huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP, lựa chọn sản phẩm tiêu biểu của các HTX, THT để tham gia chương trình; tuyên truyền, hỗ trợ tập huấn cho các HTX, THT… Nhờ đó, trên địa bàn huyện có 4 chủ thể là HTX, THT đăng ký tham gia chương trình OCOP với các sản phẩm là cây ăn quả và chế biến đặc thù.
Đồng chí Nguyễn Thế Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Động cho biết: Hiện nay, phòng đang tập trung hỗ trợ, hướng dẫn các HTX, THT hoàn thiện hồ sơ đăng ký. Bên cạnh đó, tuyên truyền các HTX, THT chủ động đầu tư trang thiết bị, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… bảo đảm đáp ứng các tiêu chí, điều kiện để được công nhận sản phẩm OCOP. Song song với phát triển sản phẩm OCOP mới, huyện tiếp tục hỗ trợ các HTX, THT gia hạn các sản phẩm đã hết hạn nhằm bảo đảm đáp ứng tiêu chí Chương trình OCOP cũng như chất lượng sản phẩm.
Nguồn: https://baohungyen.vn