KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Kinh tế
Đăng ngày: 01/04/2025 - Lượt xem: 58
Kinh tế Việt Nam qua góc nhìn quốc tế: Cơ hội bứt phá

Việt Nam đang trên hành trình trở thành nền kinh tế có thu nhập cao với tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm nhanh nhất Đông Nam Á.

Phân loại, chế biến sản phẩm cá ngừ đại dương xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Việt Nam đang trên hành trình trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao, với tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm nhanh nhất Đông Nam Á.

Những cải cách kinh tế mạnh mẽ cùng chiến lược phát triển bài bản đã giúp Việt Nam duy trì đà tăng trưởng ấn tượng trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đối diện với một số thách thức từ môi trường quốc tế, đòi hỏi sự thích ứng linh hoạt để đảm bảo sự phát triển bền vững trong dài hạn.

Cải cách để duy trì tăng trưởng

Báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhắc lại những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong hai thập kỷ qua. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng hơn 11 lần so với năm 2000, cho thấy tốc độ tăng trưởng ấn tượng.

Các cải cách toàn diện về quy định, quản trị và giáo dục có thể giúp nền kinh tế nâng cao năng lực chống chịu trước các cú sốc trong bối cảnh bất ổn và giúp khu vực tư nhân trở thành động cơ tăng trưởng.

IMF dự báo rằng nếu tiếp tục theo đuổi các gói cải cách toàn diện và đồng bộ, các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam có thể gia tăng sản lượng kinh tế dài hạn, trung bình từ 1,5-3% trong vòng 2-4 năm.

Tuy nhiên, việc đẩy mạnh cải cách đòi hỏi quốc gia phải đối mặt với những thách thức về kinh tế chính trị và sự đồng thuận của các bên liên quan.

Tương tự, báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra triển vọng tích cực về kinh tế Việt Nam, với dự báo tăng trưởng đạt 6,8% vào năm 2025 và 6,5% vào năm 2026. Điều này phần nào phản ánh động lực tăng trưởng từ đầu tư công, xuất khẩu và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Tuy nhiên, WB cho rằng nền kinh tế cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khi phụ thuộc lớn vào xuất khẩu và các yếu tố bên ngoài như tăng trưởng toàn cầu chậm lại và căng thẳng thương mại.

Báo cáo mới nhất được công bố vào tháng 3/2025 của WB khuyến nghị rằng, để ứng phó với những bất ổn gia tăng, Việt Nam cần triển khai các chiến lược duy trì tăng trưởng, bao gồm đẩy mạnh đầu tư công, khắc phục những điểm yếu trong lĩnh vực tài chính, nâng cao khả năng chống chịu của ngành năng lượng và thúc đẩy cải cách cơ cấu.

Nhà thầu thi công một đoạn tuyến của Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Một trong những chiến lược quan trọng giúp Việt Nam đối phó với các thách thức kinh tế toàn cầu là đẩy mạnh đầu tư công.

WB khuyến nghị rằng Việt Nam nên tận dụng dư địa tài khóa để mở rộng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giao thông và năng lượng, nhằm tạo động lực tăng trưởng dài hạn và giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu.

Ngoài ra, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế. WB dự báo FDI vào Việt Nam sẽ duy trì ở mức khoảng 25 tỷ USD mỗi năm, cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Cùng với WB và IMF, nhiều tổ chức quốc tế cũng đưa ra nhận định tích cực về kinh tế Việt Nam.

Theo Fibre2Fashion (Ấn Độ), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Việt Nam dự kiến tăng gần 8% trong quý 1/2025, tạo nền tảng để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm.

Trong khi đó, ngân hàng Standard Chartered dự báo GDP Việt Nam tăng 6,7% trong năm 2025 và 7,5% trong nửa đầu năm, nhờ dòng vốn FDI dồi dào, đặc biệt vào sản xuất và bất động sản, cùng với sự phục hồi của du lịch, tăng trưởng xuất khẩu và sản xuất công nghiệp.

Đối tác thương mại đáng tin cậy

Cùng với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ thương mại thế giới. Trang tin rnz.co.nz của New Zealand (Niu Di-lân) gần đây nhận định Việt Nam hiện là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á.

Đặc biệt, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và New Zealand đã đạt 1,54 tỷ USD, cho thấy sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà xuất khẩu.

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. (Ảnh: Tuấn Anh/ TTXVN)

Việc gia tăng thu nhập và thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân Việt Nam đang tạo ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư New Zealand Nicola Griggs khẳng định rằng người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưa chuộng các sản phẩm thực phẩm và đồ uống cao cấp, mở ra tiềm năng lớn các doanh nghiệp của New Zealand. Đây là một ví dụ điển hình về việc nền kinh tế mở cửa của Việt Nam đang mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Triển vọng trở thành thị trường mới nổi

Một trong những yếu tố có thể tạo ra sự thay đổi lớn cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới là khả năng được nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong năm 2025 theo đánh giá của FTSE Russell.

Nếu đạt được điều này, Việt Nam có thể thu hút dòng vốn đầu tư lớn hơn từ các quỹ đầu tư toàn cầu, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước tiếp cận nguồn vốn và mở rộng quy mô.

Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE). (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Theo ông Gary Harron, Giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán, HSBC Việt Nam, trong một thập kỷ qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Chỉ số VN-Index tăng 2,3 lần, vốn hóa thị trường tăng 6,4 lần và thanh khoản tăng 3,8 lần.

Riêng năm 2024, VN-Index tăng 12,9%, vốn hóa đạt gần 70% GDP và số lượng tài khoản giao dịch vượt 9 triệu. Thanh khoản cũng đạt mức cao.

Những con số này cho thấy tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam không phải là rào cản đối với việc nâng hạng. Tuy nhiên, bên cạnh các chỉ tiêu định lượng, các tiêu chí định tính của FTSE Russell như khả năng tiếp cận thị trường và mức độ minh bạch cũng đóng vai trò quan trọng.

Theo ông Gary Harron, Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách nhằm cải thiện chất lượng thị trường và đáp ứng tiêu chí của FTSE Russell. Những cải cách này giúp tăng cường sự minh bạch, giảm rủi ro và tạo niềm tin cho cả nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế.

Dù vẫn còn một số rào cản, tốc độ cải cách hiện nay cho thấy Việt Nam đang nỗ lực để đạt được tiêu chuẩn của thị trường mới nổi./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/

Tin liên quan