Tốt nghiệp Khoa Cơ điện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, được nhận vào làm việc tại Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, nhưng Lý Bá Thể (sinh năm 1990) ở xã Phụng Công (Văn Giang) lại quyết định về quê hiện thực hóa ước mơ làm nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao.
Anh Thể cho biết: Sinh ra và lớn lên ở vùng quê có nghề truyền thống trồng hoa, cây cảnh nên từ nhỏ tôi đã sớm làm quen và tìm hiểu đặc tính, phương pháp chăm sóc các loại hoa. Sau này trưởng thành, tôi nhận thấy phương pháp sản xuất của người dân địa phương vẫn chủ yếu theo truyền thống và kinh nghiệm, phụ thuộc nhiều vào thời tiết và các yếu tố khách quan nên hiệu quả kinh tế mang lại không như mong muốn. Năm 2022, sau gần 10 năm làm kỹ sư tại Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, tôi quyết định nghỉ việc về quê hiện thực hóa ước mơ làm nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao mà mình ấp ủ bấy lâu.
Anh Lý Bá Thể chăm sóc vườn lan hồ điệp
Thời gian đầu đưa ra quyết định “táo bạo” này, anh Thể nhận nhiều ý kiến phản đối của người thân trong gia đình. “Mọi người đều mong muốn tôi có công việc ổn định, không bỏ phí thời gian “đèn sách” 4 năm đại học. Trong khi đó, mô hình trồng hoa lan hồ điệp tôi xây dựng lại đòi hỏi vốn đầu tư và kỹ thuật canh tác cao. Nhưng khi đã quyết tâm theo đuổi đam mê, tôi luôn tự nhủ càng phải cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn và học hỏi để chứng minh quyết định của bản thân là đúng đắn”, anh Thể tâm sự.
Những ngày đầu bắt tay trồng hoa lan, anh Thể gặp không ít khó khăn do chưa nắm vững kỹ thuật, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế khiến nhiều giò hoa bị hỏng. “Ngã ở đâu đứng lên ở đó”, anh đến các mô hình trồng lan thành công ở trong và ngoài tỉnh, thậm chí sang Đài Loan học hỏi kinh nghiệm chăm sóc và nhân giống nhiều loại lan hồ điệp. Nhờ đó, anh sản xuất thành công và có thể điều khiển lan ra hoa đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Anh Thể cho biết: Lan hồ điệp là giống hoa rất “khó tính”, để cây cho hoa đẹp và đúng thời điểm mong muốn thì người trồng phải hiểu được đặc tính của loại cây này, đồng thời áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật để can thiệp. Toàn bộ vườn lan được canh tác trong nhà kính, sử dụng hệ thống tưới tự động và máy lạnh để bảo đảm độ ẩm và nhiệt độ cần thiết giúp lan sinh trưởng, phát triển và phân hóa mầm hoa đúng thời điểm.
Kết hợp kinh nghiệm và công nghệ, anh Thể không chỉ xử lý để hoa lan nở đúng dịp Tết, mà còn giúp bông to, cánh dày, sắc thắm và tươi lâu hơn. Từ vườn lan ban đầu với diện tích 1.600m2, đến nay anh Thể có 4 khu trồng lan với tổng diện tích 14.000m2. Hàng năm, anh xuất bán trên 30 vạn giò lan các loại, tổng doanh thu đạt khoảng 36 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với thu nhập bình quân 8-9 triệu đồng/người/tháng. Anh thành lập Công ty phát triển nông nghiệp công nghệ cao Văn Giang với mục đích ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp.
Không chỉ thành công trong phát triển kinh tế gia đình, anh Thể tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động tại địa phương; hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với những thanh niên có cùng niềm đam mê khởi nghiệp từ hoa lan.
Nguồn: https://baohungyen.vn