Những năm gần đây, mặc dù tình trạng lạm thu trong trường học nhìn chung đã được chấn chỉnh, song vẫn còn những bất cập trong chuyện thu, chi khiến phụ huynh học sinh băn khoăn, bức xúc. Tại một số trường học trong tỉnh, tình trạng thu, chi sai quy định đã xảy ra, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xác minh sai phạm và người đứng đầu cơ sở giáo dục đã phải nhận hình thức kỷ luật.
Trường tiểu học Đông Kết (Khoái Châu)
Cuối năm 2023, Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu đã ký quyết định kỷ luật bằng hình thức Cách chức đối với bà Phạm Thị Mai, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đông Kết vì vi phạm quy định của pháp luật về tài chính kế toán quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định 112 của Chính phủ năm 2020 về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Trước đó, dựa trên đơn thư tố cáo của công dân, tháng 8/2023, Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu đã ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra xác minh nội dung đề nghị, phản ánh của công dân đối với bà Mai, liên quan đến tố cáo lạm thu và nhiều nội dung khác. Sau đó, đến cuối tháng 11/2023, UBND huyện đã ban hành kết luận về vụ việc. Theo đó, cơ quan chức năng xác định, trong các năm học từ năm 2021 - 2023, bà Mai đã tổ chức họp, thống nhất tự đặt mức thu và triển khai thực hiện thu, chi, không hạch toán qua sổ sách. Tổng số các khoản thu không đúng quy định là 60.867.000 đồng và số tiền đã chi là 58.743.900 đồng. Bà Mai đã tổ chức họp với bà Đỗ Thị Tuyết, Phó Hiệu trưởng, Ban đại diện cha mẹ học sinh và giáo viên chủ nhiệm các lớp thống nhất thu tiền của học sinh và phụ huynh, trích nộp về cho bà Đặng Thị Tú, thủ quỹ nhà trường 20%, số tiền 64.320.000 đồng. Từ tháng 4 đến tháng 6/2022, bà Mai đã họp, thống nhất để tăng thời lượng dạy lên 9 buổi/tuần, đã thu của 989 học sinh, phụ huynh học sinh, trích nộp về cho bà Đặng Thị Tú, thủ quỹ nhà trường 20%, số tiền 39.560.000 đồng. Ngoài ra, năm học 2022 - 2023, trong 30 ngày, bà Mai đã tổ chức cho học sinh trải nghiệm 2 lần, số lượng học sinh tham gia đông, nhưng báo cáo về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Khoái Châu con số ít hơn. Chưa kể đến việc nhà trường xây dựng kế hoạch và tổ chức hội thi giáo viên giỏi cấp trường. Bà Mai được phân công dự giờ 18 tiết tại hội thi. Tuy nhiên, bà Mai có tham gia dự giờ 9 tiết, còn lại 9 tiết không dự, nhờ giáo viên khác ghi hộ phiếu dự giờ hội thi. Trong 4 năm học từ 2016-2019, nhà trường thu của học sinh, trả cho công ty đối tác về giáo dục tiếng Anh tổng số tiền hơn 611 triệu đồng. Giáo viên có trích ủng hộ về nhà trường 26 triệu đồng. Sau khi nhận tiền ủng hộ, bà Mai không chỉ đạo hạch toán qua sổ sách kế toán, không công khai số tiền ủng hộ…
Cũng tại huyện Khoái Châu, vào khoảng tháng 3/2023, câu chuyện lạm thu tại Trường tiểu học Tân Dân, xã Tân Dân trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều phụ huynh học sinh có con theo học tại trường, đồng thời thu hút sự theo dõi của dư luận. Thời điểm đó, nhiều phụ huynh học sinh bức xúc chia sẻ trên mạng xã hội facebook về việc nhà trường thu những khoản thu bất hợp lý, không rõ ràng: Từ đầu năm học 2023 - 2024, trường thông báo tới phụ huynh học sinh 4 đợt thu tiền với tổng số 5,6 triệu đồng đến trên 6 triệu đồng với gần 20 khoản thu. Lý giải về những khoản thu này, khi đó bà Bùi Thị Hường là Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Dân cho biết: 4 khoản tiền (tiền thông tin liên lạc, hoạt động hỗ trợ phát triển nhà trường, hỗ trợ hoạt động ngoại khóa, quỹ phụ huynh học sinh) đều là những khoản tiền thu theo thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh. Ngay sau khi nhận được phản ánh của phụ huynh học sinh về việc thu góp tại trường tiểu học Tân Dân, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Khoái Châu đã yêu cầu Trường tiểu học Tân Dân báo cáo trực tiếp lãnh đạo phòng về sự việc trên và kết luận một số khoản thu phụ huynh học sinh phản ánh như: Hoạt động hỗ trợ phát triển nhà trường, sổ liên lạc điện tử, hoạt động hỗ trợ ngoại khóa không phù hợp, không đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện Khoái Châu…
Trên đây chỉ là 2 vụ việc gây bức xúc trong phụ huynh học sinh, ảnh hưởng xấu đến dư luận và uy tín của ngành giáo dục tỉnh.
Mặc dù ngành giáo dục và đào tạo, UBND tỉnh và các địa phương trong tỉnh đã có những quy định rõ về các khoản thu trong nhà trường, thế nhưng tình trạng lạm thu như căn bệnh mãn tính, có giảm, nhưng chưa thể khỏi hoàn toàn.
Thực tế, khi ngân sách nhà nước hạn chế, việc huy động các nguồn lực xã hội một cách tự nguyện để đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục là chính đáng và cần thiết. Bởi giáo dục là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nhiều phụ huynh học sinh tự nguyện chung tay với nhà trường để góp phần tạo ra một môi trường giáo dục tốt nhất cho con em mình.
Tuy nhiên, nhiều người chưa hiểu đúng và thực hiện đúng về xã hội hóa trong giáo dục dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp. Nhiều vụ việc lạm thu dưới danh nghĩa xã hội hóa, ép phụ huynh tự nguyện qua ban đại diện cha mẹ học sinh, nhà trường chỉ tiếp nhận tài trợ. Nhiều trường hợp ban đại diện cha mẹ học sinh cũng không thực hiện đúng vai trò, trở thành “cánh tay nối dài” giúp nhà trường thu thêm nhiều khoản không hợp lý, ngoài quy định.
Dù thế nào, lạm thu tạo thêm áp lực, gánh nặng cho gia đình học sinh, nhất là gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn. Vì vậy, để chấm dứt tình trạng lạm thu, bên cạnh việc ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn hằng năm, thiết nghĩ cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu với các khoản thu, kể cả những khoản thu liên quan hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, tránh tình trạng đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh trở thành “cánh tay nối dài” của nhà trường để thực hiện các khoản lạm thu. Ngành giáo dục và chính quyền các địa phương cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc người đứng đầu cơ sở giáo dục và công bố công khai những trường học để xảy ra tình trạng lộn xộn trong thu, chi...
Nguồn: https://baohungyen.vn