KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 03/01/2024 - Lượt xem: 397
Làng hương thôn Cao rộn ràng vào vụ Tết

Ở thôn Cao (xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên) những ngày này, hàng chục cửa hàng, xưởng sản xuất hương rộn ràng vào vụ sản xuất, kinh doanh, mùi thơm ngào ngạt đặc trưng của hương thuốc bắc thôn Cao bay khắp vùng, mang không khí Tết đến sớm hơn.

Sản xuất hương ở thôn Cao
Nhanh tay trưng bày những sản phẩm hương với đủ loại mẫu mã, kích thước và màu sắc lên kệ bán hàng, bà Nguyễn Thị Ngọc, hộ kinh doanh hương vui vẻ cho biết: Làng nghề hoạt động quanh năm nhưng những tháng cuối năm là thời điểm bận rộn nhất ở làng nghề, chúng tôi vừa tăng lượng hàng sản xuất để phục vụ dịp Tết và đầu năm mới, vừa tranh thủ thời tiết thuận lợi để các mẻ hương được nắng, bảo đảm chất lượng tốt nhất cả về mùi thơm, hình thức.
Khắp nơi trong thôn, âm thanh từ những cơ sở sản xuất hương rộn ràng từ sáng sớm đến tối muộn. Từng chuyến xe chở nguyên liệu, vận chuyển hàng hóa ra vào tấp nập, mọi khoảng đất trống đều được tận dụng phơi hương, làm cho vùng quê nơi đây trở lên rực rỡ hơn, sôi động hơn.
Cơ sở sản xuất của anh Mai Xuân Mạnh là một trong những cơ sở làm hương lớn của thôn. Anh Mạnh chia sẻ: Tiếp nối nghề làm hương truyền thống của ông cha đến nay đã được 4 đời, hiện nay cơ sở của gia đình tôi sản xuất hầu hết các loại hương, từ hương nén, hương vòng, đến hương sào phục vụ nhu cầu tâm linh và các loại hương trầm tạo mùi thơm dễ chịu cho không gian sống, làm việc… Để sản xuất sản phẩm hương thơm chất lượng phải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, công phu, từ chọn nguyên liệu, nghiền, phối trộn, đến xe hương, phơi hoặc sấy hương... Quan trọng nhất là phải lựa chọn và sử dụng nguyên liệu an toàn, biết phối hợp các vị thuốc bắc và hương liệu tự nhiên, tạo mùi thơm đặc biệt, thư thái, mà không ảnh hưởng tới sức khỏe.
Trải qua nhiều đời, người dân làng hương thôn Cao lưu giữ được những bí quyết truyền thống của nghề hương thuốc bắc độc đáo, chất lượng hương ngày càng tốt, tạo nên hương thơm đặc trưng. Mỗi dòng họ hay mỗi gia đình làm hương ở đây lại có một "bài thuốc bắc", "thang thuốc" thảo mộc riêng, sự phối trộn riêng để chỉ cần ngửi mùi hương là biết của hộ nào sản xuất. Các vị thuốc quý như: Quế chi, hoàng đàn, hồi, hương bài, đinh hương, cam thảo... làm nên mùi hương đặc trưng riêng, tạo nên “hồn cốt” từng nén hương, góp phần giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Ông Nguyễn Như Khanh, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề hương xạ thôn Cao cho biết:  Các sản phẩm hương thôn Cao đều được sản xuất từ các loại thảo mộc, trong đó có khoảng từ 36 - 40 vị thuốc bắc. Để làm nên sản phẩm hương chất lượng phải xuất phát từ tâm của người làm nghề. Một sản phẩm hương được làm ra là sự kết hợp của rất nhiều vị thuốc giống như một thang thuốc bắc, hoà quyện, tạo mùi hương đặc trưng của làng nghề hương thôn Cao. Khách hàng khi đã dùng sản phẩm hương thôn Cao mới biết được giá trị, cảm nhận được chất lượng sản phẩm.
Lật lại lịch sử của làng nghề, theo các bậc cao niên thôn Cao, vào khoảng thế kỷ 18, bà Đào Thị Khương, người con gái tài sắc của làng lấy chồng xa xứ đã học được nghề làm hương xạ. Sau này về quê hương, bà truyền nghề lại cho dân làng. Các thế hệ người dân thôn Cao tiếp nối nghề cổ truyền, đến nay đã ngót 300 năm. Để tưởng nhớ tới công ơn của bà, người dân thôn Cao lấy ngày 22/8 âm lịch hằng năm làm ngày giỗ Tổ nghề, dân làng tề tựu cùng thắp nén hương tưởng nhớ đến bậc tiền nhân đã có công lao mang lại ấm no cho dân làng.
Để sản phẩm đứng vững trên thị trường, người dân nơi đây không ngừng cải tiến mẫu mã, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá sản phẩm rộng rãi. Vì thế, hương ở đây luôn giữ được hình thức đẹp, có mùi thơm thanh tao, nhẹ nhàng, cháy rất đều lại đậu tàn nên được ưa chuộng, xuất đi khắp các tỉnh gần xa.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Hoan, Chủ tịch UBND xã Bảo Khê cho biết: Thôn Cao hiện có gần 100 hộ làm nghề sản xuất hương và nhiều cửa hàng kinh doanh sản phẩm, thu hút thường xuyên khoảng 300 lao động  tham gia, trong đó có hàng chục cơ sở sản xuất với quy mô lớn. Thu nhập của người lao động từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng, góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn. Thời gian tới, địa phương có kế hoạch phát triển làng nghề theo hướng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gắn với du lịch, đây là cơ sở để làng nghề phát triển sản xuất với quy mô tập trung, bền vững, góp phần phát huy nghề truyền thống, đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan