Thôn Đa Quang, xã Dị Chế (Tiên Lữ) từ lâu vốn nổi tiếng với nghề làm mành. Năm 2016, thôn đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Trải qua nhiều năm, tuy có nhiều biến động, thăng trầm song tới nay nghề vẫn được duy trì, không chỉ tạo việc làm cho nhiều lao động lúc nông nhàn mà còn đem lại thu nhập cho người dân nơi đây.
Về thôn Đa Quang, dạo quanh một vòng trong thôn, chúng tôi bắt gặp hình ảnh các bà, các mẹ đang miệt mài đan mành; tiếng máy chẻ nan vang vọng khắp thôn, xóm; ngoài sân, ngoài ngõ là những chiếc mành đã hoàn thiện đang được hong phơi... Toàn thôn hiện nay có trên 100 hộ duy trì nghề làm mành. Theo các hộ làm nghề, để có một chiếc mành bền, đẹp phải trải qua rất nhiều công đoạn, trong đó công đoạn chọn nguyên liệu là quan trọng và quyết định. Bởi cây nứa được chọn để đan mành nếu không bảo đảm sẽ dẫn đến hao hụt trong quá trình chẻ nan, sản phẩm mành sau khi đan xong dễ bị cong, vênh. Ông Lương Văn Mùa, chủ một cơ sở sản xuất mành tại làng nghề cho biết: Tùy theo kích thước làm mành mà người thợ sẽ chọn mua những cây nứa già, có chiều dài phù hợp. Sau khi cưa thành các đoạn dài khoảng 2m hoặc 3m theo khổ rộng của những chiếc mành, người thợ sẽ pha từng mảnh rồi chẻ thành những chiếc nan nhỏ. Mành muốn đẹp thì nan phải được chẻ và vót thật đều.
Sản xuất mành ở thôn Đa Quang, xã Dị Chế
Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, các hộ làm nghề trong thôn đã tìm hiểu mẫu mã, làm theo nhu cầu của khách hàng. Nếu như trước đây các hộ làm nghề chủ yếu sản xuất mành nan nhỏ treo trước cửa nhà thì nay chuyển sang sản xuất mành nan to dùng treo dưới hiên nhà để chắn nắng. Bên cạnh đó, từ làm thủ công, đến nay, đa số các hộ làm nghề đã đầu tư máy trong sản xuất. Hiện nay, 100% khâu chẻ nan được áp dụng bằng máy; 20% số hộ làm nghề đầu tư máy đan mành… Nhờ đó, năng suất lao động tăng lên từ 3 đến 4 lần so với trước, chất lượng sản phẩm tăng. Các loại mành làm ra có nhiều cải tiến về kiểu dáng và kích thước, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Ông An Thế Sơn, chủ một cơ sở làm mành lớn trong thôn cho biết: Tùy theo yêu cầu của khách hàng mà tôi sản xuất mành có phun sơn PU hoặc mành mộc. Hiện nay, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư máy vào làm mành tại tất cả các khâu. Việc áp dụng máy trong sản xuất cho năng suất, chất lượng cao hơn hẳn so với phương pháp thủ công. Trung bình mỗi năm tôi xuất bán hơn 2 vạn m2 mành.
Nghề làm mành đã giúp nhiều hộ dân trong thôn vươn lên làm giàu, có thu nhập khá. Một số hộ dân trong thôn đã liên kết, đứng ra thu mua bao tiêu 100% sản phẩm cho người dân. Ông Vũ Văn Mỉnh cho biết: Ngoài sản xuất, để bảo đảm phục vụ những đơn hàng lớn, mỗi tháng tôi còn đứng ra thu mua 2000-3000 m2 mành cho 5 hộ làm mành trong xã. Trung bình mỗi tháng tôi xuất bán trên 2 vạn m2 mành, thị trường chủ yếu là các tỉnh miền Trung, miền Nam. Hiện nay, cơ sở sản xuất của gia đình tôi tạo việc làm cho 15 lao động, lợi nhuận trung bình 1 năm từ nghề làm mành đạt trên 200 triệu đồng.
Hiện nay, làng nghề làm mành thôn Đa Quang đang tạo việc làm thường xuyên cho 300- 400 lao động với thu nhập bình quân 2-4 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, làng nghề đang đứng trước nhiều khó khăn về tiêu thụ sản phẩm. Để duy trì nghề làm mành, thời gian tới, xã phối hợp với các cấp, ngành chuyên môn mở lớp đào đạo nâng cao tay nghề cho người dân nhằm tạo ra các sản phẩm có trang trí thêm nhiều họa tiết, hoa văn sinh động, giúp tăng tính thẩm mỹ và giá trị kinh tế cho các loại mành; tiếp tục hỗ trợ các hộ làm nghề tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Bên cạnh đó, xã, thôn tập trung tuyên truyền các hộ làm nghề chú trọng công tác bảo đảm vệ sinh môi trường trong quá trình sản xuất…
Nguồn: https://baohungyen.vn