Nhà viết kịch Lê Duy Hạnh vừa từ biệt chúng ta để về cõi vĩnh hằng vào trưa 6/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng chắc chắn nhiều vở kịch của anh sẽ còn ở lại mãi với nhân dân, với đất nước, bất chấp sự thách thức của thời gian.
Nhà viết kịch Lê Duy Hạnh (thứ hai từ trái qua) trong một buổi giao lưu, gặp gỡ các nghệ sĩ sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THANH HIỆP)
Xem lại ba kịch bản của Lê Duy Hạnh được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001: Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc, Mặt trời đêm thế kỷ, Trời Nam, tôi biết đây là các tác phẩm hay, đều có huy chương vàng tại các liên hoan sân khấu quốc gia.
Tuy vậy, so với nhiều kịch bản trong khối di sản khổng lồ kịch bản đã được dàn dựng của anh (ngang với nhà viết kịch Lưu Quang Vũ), những “kịch bản đã góp phần tạo nên thời hoàng kim của sân khấu Việt Nam” như đánh giá của nhà lý luận phê bình Ngô Thảo, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, những vở như:
Tâm sự Ngọc Hân, Diễn kịch một mình, Hoàng hậu hai vua, Vua thánh triều Lê, Chiếc áo thiên nga, Hoa độc trong vườn, Dời đô, Độc thoại đêm, Trở về miền nhớ, Nỗi đau nhân loại… thì tôi thấy Lê Duy Hạnh xứng đáng được trao thêm giải thưởng cao hơn.
Sinh ra tại quê hương Tây Sơn, Bình Định, nơi phát tích các chiến công hiển hách của ba anh em nhà Tây Sơn, của Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ, Lê Duy Hạnh thời sinh viên ở Sài Gòn đã tích cực tham gia phong trào yêu nước. Học rất giỏi ở khoa toán Đại học Sài Gòn, Lê Duy Hạnh đã được chọn đi Mỹ học để lấy bằng tiến sĩ.
Nhưng năm 1972, thay vì xuất ngoại, Lê Duy Hạnh đã vào chiến khu rồi được đưa ra miền bắc học viết văn ở trường viết văn. Sau năm 1975, anh xin về lại miền nam công tác và cho in một tập truyện ký, nhưng rất nhanh anh đã rẽ ngang qua sân khấu rồi gắn bó thủy chung với bộ môn nghệ thuật này.
Năm 1980, kịch bản đầu tiên của Lê Duy Hạnh Tâm sự Ngọc Hân, được Đoàn Văn công Thành phố Hồ Chí Minh dàn dựng, bất ngờ trở thành một hiện tượng sân khấu chấn động. Chỉ trong vài năm vở diễn đã đạt tới 700 suất diễn, một con số mà ngay ở thời hoàng kim của sân khấu lúc đó, cũng ít ai dám mơ ước. Tâm sự Ngọc Hân đã khẳng định tài năng biên kịch của Lê Duy Hạnh và đưa tên tuổi hai nghệ sĩ Mỹ Châu (vai Ngọc Hân), Tuấn Thanh (vai Quang Trung) lên đỉnh cao.
Thành công ban đầu của một kịch bản lịch sử đã làm Lê Duy Hạnh theo đuổi đề tài lịch sử là chủ yếu trong cuộc đời tác giả sân khấu của mình. Trong hơn 50 kịch bản đã sáng tác, Lê Duy Hạnh chỉ có hai vở theo đề tài hiện đại là Dốc sương mù và Dòng sông đầm lầy cũng khá sắc sảo khi phê phán mạnh mẽ lối tư duy cũ trì trệ và sự tha hóa đạo đức của một bộ phận cán bộ. Mặc dù vậy, Lê Duy Hạnh vẫn thấy đề tài lịch sử mới là nơi thỏa mãn đam mê khám phá thiên hình vạn trạng cuộc sống con người, ý thức tìm được những bài học nhân văn cần thiết cho ngày hôm nay mà anh hằng ôm ấp.
Bởi vậy, tiếp theo vở Tâm sự Ngọc Hân, Lê Duy Hạnh tiếp tục viết hai kịch bản cùng liên quan lịch sử quê hương Bình Định và vua Quang Trung là Mặt trời đêm thế kỷ và Trời Nam do Nhà hát Tuồng Đào Tấn Bình Định dàn dựng. Hai vở diễn này cùng đoạt Huy chương vàng tại các liên hoan sân khấu quốc gia. Cho đến nay, bên cạnh việc dàn dựng cho sân khấu tuồng, hai vở kịch nêu trên còn được nhiều đoàn cải lương, chèo cả hai miền nam, bắc dựng diễn.
Một trong những điểm ngời sáng trong sự nghiệp sáng tạo của tác giả Lê Duy Hạnh là chùm kịch viết cho các diễn viên độc diễn: Diễn kịch một mình, Hoàng hậu hai vua, Độc thoại đêm… Đây là một bứt phá, sáng tạo rất mạo hiểm của nhà viết kịch, đòi hỏi rất cao ở người nghệ sĩ biểu diễn cũng như bút pháp biến hóa, hấp dẫn của tác giả.
Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết là người đặt hàng cho tác giả và cũng là nghệ sĩ đầu tiên biểu diễn rất thành công Diễn kịch một mình (kịch nói) và Hoàng hậu hai vua (cải lương) trên sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh và ở Liên hoan sân khấu nhỏ đầu tiên do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức. Độc thoại đêm cũng được nhiều nghệ sĩ cải lương phía nam thử thách và đã có mặt trong Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm năm 2022. Diễn kịch một mình sau này cũng được biến tấu chút ít và được các nghệ sĩ sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh mang tham dự Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm năm 2018 và được bạn bè thế giới đánh giá rất cao.
Nếu cho phép tôi chọn kịch bản thành công nhất của tác giả Lê Duy Hạnh thì tôi sẽ chọn kịch bản Vua thánh triều Lê. Không ít kịch bản sân khấu đã đề cập đến sự kiện lịch sử Vua Lê Thánh Tông lật ngược án oan giết vua của vợ chồng Nguyễn Trãi, nhưng phải đến Vua thánh triều Lê, giới sân khấu nước nhà mới an tâm là đã thật sự chiêu tuyết cho hai danh nhân Nguyễn Trãi-Thị Lộ. Lê Duy Hạnh cho biết từ khi còn rất trẻ, anh đã ôm ấp một kịch bản về nỗi oan của Nguyễn Trãi nhưng cho đến ngưỡng cửa tuổi “nhân sinh thất thập”, ông mới hoàn thành được kịch bản này.
Từ đó, Lê Duy Hạnh cho thấy cách tiếp cận rất riêng, rất mới của ông: Hành trình giải oan cho Nguyễn Trãi của Lê Thánh Tông thực chất là hành trình vượt qua những quyền lợi và tình cảm ích kỷ của cá nhân và dòng tộc, tìm được “trị quốc sách”, nhận thức được những nguy cơ của đất nước, quyết tâm loại trừ “bá đạo”, tuân theo “vương đạo” với sự phân biệt minh bạch: “Vương đạo lo nghĩ an nguy toàn dân tộc/Bá đạo toan tính được mất cho bản thân/Vương đạo lấy chúng dân làm gốc/Bá đạo xây quyền chức làm nền”. Đây cũng là hành trình giúp Lê Thánh Tông từng bước trưởng thành cả về nhận thức và hành động, thật sự trở thành một minh quân, một “vua thánh triều Lê” như lịch sử tôn vinh.
Khi vừa hoàn thành, kịch bản Vua thánh triều Lê đã được đạo diễn Vũ Minh dựng cho Sân khấu kịch nói IDECAF của Thành phố Hồ Chí Minh và ít lâu sau đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai dựng cho Nhà hát Cải lương Việt Nam. Cả hai vở đều được coi ra đời rất đúng lúc, được dư luận đồng nghiệp đặc biệt khen ngợi.
Các kịch bản của Lê Duy Hạnh thường đầy chất sống, chứa đựng nhiều thông điệp nhân văn sâu sắc, kết cấu chặt chẽ, nhân vật có tính cách và đặc biệt là chất văn học rất hay. Bởi vậy, nhiều người tin chúng sẽ có sức sống lâu dài trong lòng dân tộc.
Vừa qua, trong việc phục hồi của sân khấu cải lương ở Thành phố Hồ Chí Minh có việc nhiều đơn vị xã hội hóa phải cho phục dựng những vở cải lương diễn tích truyện Trung Quốc. Thực trạng này phần nào có lẽ do thiếu kịch bản, cho nên mới như vậy. Việc ra đi của Lê Duy Hạnh nhắc nhở chúng ta thấy, chỉ riêng ông đã có tới hơn 50 vở cải lương đề tài lịch sử rất đáng được dàn dựng lại phục vụ khán giả.
Rồi còn bao kịch bản hay nữa của Hà Triều, Hoa Phượng, Năm Châu, Loan Thảo, Yên Lang… Tất cả họ đều đã không còn, nhưng kịch bản họ để lại đều cho chúng ta thấy cần biết nâng niu trân trọng, biết sử dụng nó một cách thông minh cho mục tiêu văn chương kịch nghệ Việt phục vụ người Việt.
Nguồn: https://nhandan.vn