KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 07/06/2023 - Lượt xem: 203
Liên kết để phát triển chăn nuôi bền vững

Hiện nay, nhiều hộ dân ở huyện Tiên Lữ đã đổi mới tư duy, chú trọng phát triển chăn nuôi tập trung theo chuỗi liên kết, đầu tư con giống chất lượng, chuồng trại khép kín, thành lập các HTX, tổ hợp tác chăn nuôi…

Đến hết tháng 5/2023, toàn huyện duy trì hoạt động của 6 HTX và 4 tổ hợp tác chăn nuôi. Anh Vũ Minh Chiến, Giám đốc HTX dịch vụ chăn nuôi nông nghiệp xã Đức Thắng (Tiên Lữ) cho biết: Hiện nay, HTX thường xuyên duy trì trên 2 nghìn con lợn với hệ thống chuồng nuôi khép kín, hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Với sản lượng lợn hơi lớn và ổn định, HTX ký kết với Công ty TNHH thực phẩm Phương Thủy, xã Đức Thắng (Tiên Lữ) để tiêu thụ sản phẩm. Quy trình sản xuất của HTX phối hợp với công ty được tổ chức theo hình thức khép kín từ sản xuất con giống đến nuôi lợn thịt, giết mổ và sơ chế rồi vận chuyển cung ứng đến bếp ăn doanh nghiệp, nhà hàng, bán lẻ cho người dân. Nhờ đó, kiểm soát nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo đảm truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, lợi nhuận kinh tế tăng khoảng 20%.
Chăn nuôi quy mô lớn của nông dân xã Xuân Trúc (Ân Thi),
tạo điều kiện hình thành liên kết chăn nuôi
Hết tháng 5/2023, tổng đàn bò sữa của huyện Kim Động đạt trên 1,5 nghìn con, tăng 3 lần so với năm 2012. Để nghề nuôi bò sữa phát triển bền vững, nông dân trong huyện đã liên kết với Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) tiêu thụ sữa bò. Hiện nay, công ty có 2 điểm thu mua sữa bò trong huyện tại xã Hùng An và xã Phú Thịnh với sản lượng sữa thu mua trung bình 5 tấn/điểm/ngày. Anh Hoàng Văn Thêm, xã Hùng An cho biết: Liên kết với công ty, chúng tôi có hợp đồng tiêu thụ sữa, được bảo đảm về giá và nâng cao ý thức trong chăn nuôi. Theo đó, sữa mang đến điểm thu mua sẽ được công ty kiểm tra chất lượng trước khi đổ vào bồn chứa. Nếu sữa không đáp ứng tiêu chuẩn theo hợp đồng ký kết sẽ được thu mua với giá rẻ hơn hoặc không thu mua. Do đó, người dân không còn tâm lý chăn nuôi ẩu, chạy theo số lượng mà tập trung sản xuất theo chất lượng.
Đồng chí Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Động cho biết: Hiện nay, phòng đã tham mưu với UBND huyện quy hoạch 23 vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư với diện tích khoảng 300 héc – ta để hỗ trợ các đơn vị, hộ chăn nuôi phát triển chăn nuôi quy mô lớn, hình thành các chuỗi liên kết trong chăn nuôi. Ngoài ra, phòng đang tập trung xây dựng Đề án chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư trên địa bàn để hướng dẫn các hộ chăn nuôi quy trình thực hiện, chuyển đổi mô hình… Đến nay, huyện hình thành và duy trì chuỗi liên kết sữa bò, trứng gà và gia cầm ở các xã: Hùng An, Phú Thịnh, Phạm Ngũ Lão.
Hiện nay, chuỗi liên kết chăn nuôi của tỉnh duy trì ở 2 hình thức đặc trưng là: Liên kết theo đường đi của sản phẩm từ người sản xuất đến người tiêu dùng (liên kết dọc) và liên kết các đối tượng cùng tham gia trong quá trình sản xuất - kinh doanh (liên kết ngang). Ngày 12/11/2020, UBND tỉnh có Quyết định số 2631/QĐ – UBND về việc tiếp tục thực hiện Đề án xây dựng và khuyến khích phát triển mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025 (Đề án chuỗi). Năm 2022, toàn tỉnh có 80 tổ chức, cá nhân tham gia Đề án chuỗi; trong đó, chuỗi chăn nuôi và chế biến thịt có 15 đơn vị tham gia gồm: 10 đơn vị chăn nuôi, chế biến các sản phẩm từ thịt lợn; 4 đơn vị chăn nuôi gia cầm và 1 đơn vị chăn nuôi bò. Tại các chuỗi chăn nuôi, quy trình chăn nuôi, giết mổ, chế biến sản phẩm được thực hiện theo chu trình khép kín, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm… tạo chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển sản xuất bền vững và có những sản phẩm chăn nuôi đặc trưng như: Trứng gà, giò xào gà Đông Tảo, giò lụa gà Đông Tảo…
Tuy nhiên, việc xây dựng chuỗi chăn nuôi ở tỉnh còn gặp một số khó khăn do tốc độ đô thị hóa nhanh, ảnh hưởng đến các vùng, trang trại chăn nuôi khiến một số chuỗi liên kết bị đứt gãy. Các sản phẩm chăn nuôi an toàn vẫn phải cạnh tranh không bình đẳng với các sản phẩm chăn nuôi truyền thống nên sản lượng tiêu thụ còn thấp, chưa thúc đẩy người chăn nuôi mở rộng sản xuất và nhân rộng các mô hình liên kết từ sản xuất đến thị trường…
Đồng chí Lê Trung Cần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Hiện nay, sở đang phối hợp với các địa phương thực hiện quy hoạch phát triển chăn nuôi xa khu dân cư; tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại và phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ thành lập các HTX, doanh nghiệp, tổ hợp tác chăn nuôi để phổ biến kinh nghiệm, thông tin thị trường, tiến bộ kỹ thuật mới, tạo cơ sở ký kết hợp đồng xây dựng chuỗi liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tập trung đầu tư các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi liên kết khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Xây dựng cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, trang trại của tỉnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm đối tác liên kết.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan