Hiện nay, toàn tỉnh có 4,8 nghìn héc-ta trồng nhãn. Để các vùng trồng nhãn phát triển bền vững, mang lại thu nhập cao, ổn định, những năm qua, tỉnh luôn quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ để người trồng nhãn yên tâm sản xuất như: Đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; mở rộng vùng trồng nhãn an toàn theo quy trình VietGAP, OTAS; phát triển, nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT)… Đến nay, toàn tỉnh có 1,5 nghìn héc-ta trồng nhãn được chứng nhận VietGAP, 19 vùng trồng được cấp mã vùng xuất khẩu OTAS.
Thành viên Hợp tác xã cây ăn quả xã Nhật Tân (Tiên Lữ) chia sẻ kinh nghiệm liên kết trong trồng,
tiêu thụ nhãn
Cùng với áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật thâm canh làm tăng năng suất, chất lượng nhãn quả, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thành lập các HTX, THT. Thông qua các HTX, THT, góp phần liên kết người trồng nhãn, xây dựng vùng trồng nhãn tập trung, thuận lợi cho quá trình chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật. Nhiều HTX, THT đã phát huy hiệu quả liên kết sản xuất, tiêu thụ nhãn như: HTX nhãn Miền Thiết (Khoái Châu); HTX nhãn lồng Nễ Châu (thành phố Hưng Yên); HTX nhãn lồng Tiên Châu (thành phố Hưng Yên)…
Xã Hồng Nam là địa phương có diện tích trồng nhãn lớn của thành phố Hưng Yên, với diện tích trên 200 héc-ta. Trước đây, sản xuất nhãn của người dân địa phương mang tính tự phát, nhỏ lẻ nên chất lượng sản phẩm không cao, thu nhập không ổn định. Với mục tiêu thay đổi tư duy, hỗ trợ người dân áp dụng khoa học, kỹ thuật trong trồng nhãn, HTX nhãn lồng Tiên Châu đã được thành lập. Sau khi thành lập, HTX tập trung phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết, hỗ trợ thành viên, người dân địa phương trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Quang Điện, Giám đốc HTX cho biết: HTX xác định, áp dụng khoa học kỹ thuật sẽ tạo ra sản phẩm chất lượng, cạnh tranh đáp ứng nhu cầu khách hàng. Mặt khác, khi có sản phẩm chất lượng tốt sẽ tiêu thụ ổn định. Vì vậy, sau khi thành lập, HTX đã áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP. Để điều hành và quản lý quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên tất cả diện tích sản xuất, HTX thường xuyên phối hợp với các tổ chức đoàn thể xã tuyên truyền, vận động người dân tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn về quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ khâu làm đất, chọn giống, chăm sóc, quá trình thu hoạch… Đến nay, diện tích sản xuất của HTX đạt 24 héc-ta, 100% diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP, OTAS. Nhờ áp dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, liên kết trong sản xuất nên việc sản xuất của HTX đã chủ động hơn, năng suất tăng gấp 2 lần so với sản xuất truyền thống. Năm 2022, ngoài liên kết với các thương lái, HTX liên kết với Bưu điện tỉnh, tổ hợp tác nhãn ở thôn Lê Như Hổ tiêu thụ trên 400 tấn nhãn cho thành viên, người dân. Năm nay, để nhãn được tiêu thụ thuận lợi, HTX đã liên hệ với các đơn vị thu mua, sẵn sàng nhân lực, phương tiện bảo đảm thu hoạch đúng thời vụ, đủ sản lượng.
Ngoài các kênh tiêu thụ nhãn quả tươi, các HTX, THT trên địa bàn tỉnh tiến hành thu mua và chế biến làm long nhãn. Tại xã Bình Kiều, với kinh nghiệm nhiều năm trồng nhãn, tiêu thụ nhãn, vụ nhãn năm nay, các hộ trồng nhãn đã chủ động liên kết với nhau để tiêu thụ nhãn đạt hiệu quả. Ngoài tiêu thụ qua chợ truyền thống, chủ động quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử, chủ động liên hệ, tìm kiếm mối liên kết mới để tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và người dân, thời điểm này, các HTX, THT trên địa bàn xã chuẩn bị các điều kiện để vận hành các lò sấy long nhãn khi vào mùa thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Phát, Giám đốc HTX nông sản Toàn Phát cho biết: Hằng năm, ngoài liên kết với các thành viên, HTX còn liên kết với khoảng 100 hộ dân trồng nhãn trong xã. Ngoài bao tiêu nhãn quả tươi, trung bình 1 năm, HTX thu mua khoảng 60 tấn nhãn quả để sấy làm long nhãn. Năm nay, HTX dự kiến liên kết, xuất bán 150 tấn cho thành viên và hộ liên kết, trong đó có gần 100 tấn sấy long.
Từ khi liên kết với HTX, sản phẩm nhãn của người dân tại các vùng trồng nhãn tiêu thụ ổn định, giá bán cao hơn so với thị trường. Bà Trần Thị Minh, một hộ dân trồng nhãn ở xã Minh Tiến (Phù Cừ) cho biết: Trước đây, tôi phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm nhãn của gia đình. Sau khi liên kết với HTX, tôi được HTX hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn và bao tiêu 100% sản phẩm nhãn của gia đình với mức giá cao hơn, ổn định nên tôi yên tâm sản xuất. Hiện nay, với 1 mẫu trồng nhãn, sau khi liên kết với HTX, gia đình tôi có thu nhập gần 100 triệu đồng.
Để việc sản xuất, tiêu thụ nhãn bền vững, thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thành lập các HTX, THT; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường liên doanh, liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ; đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ bảo quản, chế biến các sản phẩm từ nhãn sau thu hoạch. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nhãn lồng trên các trang mạng xã hội, trang thương mại điện tử…
Nguồn: https://baohungyen.vn