Vượt qua những khó khăn do thị trường có nhiều biến động, sức mua của người dân bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế khó khăn, 6 tháng đầu năm nay, lĩnh vực thương mại – dịch vụ vẫn tăng 3,06%, đóng góp 0,73 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.
Hoạt động mua, bán tại chợ Phủ, thị trấn Khoái Châu (Khoái Châu)
Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để hoạt động thương mại – dịch vụ phát triển đồng bộ cả về số lượng và chất lượng theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tổ chức một số hoạt động kích cầu tiêu dùng, quảng bá nông sản địa phương như: Hội chợ xuân Giáp Thìn 2024, phiên chợ vải Hưng Yên năm 2024… thu hút trên 30 nghìn lượt khách hàng tham quan, mua sắm. Sở Công Thương ban hành nhiều văn bản yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh bảo đảm ổn định giá hàng hóa phục vụ Nhân dân; tăng cường theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa để cơ cấu hợp lý danh mục hàng hóa, xác định nhóm mặt hàng chủ lực phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh. Ngoài ra, Sở Công Thương triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại địa phương như: Tham gia hội chợ, triển lãm tại một số địa phương trên cả nước; tham gia triển lãm, hội chợ phát triển thị trường trong nước; hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, triển lãm ở một số tỉnh, thành phố lân cận… với tổng kinh phí thực hiện khoảng 900 triệu đồng. Hỗ trợ 46 cơ sở sản xuất, chủ thể OCOP trên 332 nghìn tem truy xuất nguồn gốc… Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng chuyên doanh trong tỉnh cũng chủ động đổi mới phương thức quản lý, cách thức bán hàng theo hướng hiện đại, tích hợp nhiều hoạt động để người dân không chỉ dừng lại ở việc mua sắm mà còn vui chơi, giải trí, thụ hưởng các chính sách ưu đãi, nhất là các chính sách ưu đãi về giá. Do đó, hàng hóa trong tỉnh luôn đa dạng, sức mua của người dân tăng, tập trung ở một số nhóm hàng: Lương thực, thực phẩm, đồ dùng gia dụng...
6 tháng đầu năm, quá trình chuyển đổi số trong hoạt động thương mại – dịch vụ diễn ra mạnh mẽ đối với tất cả các ngành: Du lịch lữ hành; lưu trú, ăn uống; bán lẻ hàng hóa... Theo đó, khách hàng có thể sử dụng hàng hóa, dịch vụ thông qua thiết bị công nghệ và mạng internet. Một số đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số lĩnh vực thương mại – dịch vụ của tỉnh như: Hệ thống siêu thị Vinmart+, siêu thị Điện máy xanh, Thế giới di động, FPT Shop, Tokyo Life, Yody, Nem, Ivy, Canifa... Với việc xây dựng, duy trì hiệu quả các ứng dụng, tiện ích trên thiết bị điện thoại thông minh, các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cập nhật thường xuyên tình hình giá, cách thức đặt hàng, chi tiết sản phẩm, chương trình khuyến mại, giảm giá, mức ưu đãi dành riêng cho từng khách hàng… Từ đó hình thành thói quen cho người tiêu dùng trong việc xem hàng online và mua sắm trực tuyến đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ.Với việc triển khai thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động thương mại – dịch vụ phát triển, 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh được trên 51,7 nghìn tỷ đồng, đạt 54,4% kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu đạt 3.250 triệu USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm trước.
Để hoạt động thương mại – dịch vụ tiếp đà tăng trưởng, là “cầu nối” vững chắc giữa sản xuất với tiêu dùng, phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, 6 tháng cuối năm, tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư phát triển trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ; tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư về thủ tục pháp lý, bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, điện, nước... Khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và quốc tế xây dựng các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ, mở rộng quy mô vốn kinh doanh bằng các chính sách ưu đãi như: Thuế, tín dụng, mặt bằng... Sở Công Thương tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động thương mại – dịch vụ trong tỉnh triển khai lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh; dự trữ các mặt hàng thiết yếu, sắp xếp mạng lưới cung ứng hàng hóa phù hợp bảo đảm cung - cầu trong mùa mưa bão và các dịp lễ, tết. Đặc biệt, sở đề ra nhiều giải pháp nhằm bình ổn thị trường hàng hóa; tăng cường theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, tránh tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến ở một số thời điểm. Đồng thời, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý trong hoạt động kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, hướng đến phát triển thị trường ổn định, bền vững…
Đồng chí Vũ Quang Thắng, Giám đốc Sở Công Thương khẳng định: Để đạt mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 95 nghìn tỷ đồng trong năm nay, thời gian tới, sở đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của địa phương; tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa vi phạm vệ sinh, an toàn thực phẩm, gian lận thương mại, góp phần bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, cung - cầu hàng hóa ổn định, chất lượng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất và người tiêu dùng…
Nguồn: https://baohungyen.vn