KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 15/02/2024 - Lượt xem: 585
Lợi ích thiết thực của Tết trồng cây

Mùa xuân năm 1960, Bác Hồ phát động phong trào Tết trồng cây đầu tiên trong cả nước. Từ đó đến nay, tết trồng cây đã trở thành một tập quán, nét đẹp văn hóa của Nhân dân. Tết trồng cây đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực về kinh tế, quốc phòng, môi trường và góp phần làm đẹp cho quê hương, đất nước.

Tuyến đường cây xanh tạo cảnh quan cho khu đô thị mới của thành phố Hưng Yên
Hưởng ứng Tết trồng cây do Bác Hồ phát động, hằng năm, tỉnh đều trọng thể tổ chức lễ phát động Tết trồng cây đầu xuân. Phong trào trồng cây được phát triển đã mang lại nhiều lợi ích cho gia đình và xã hội, gắn liền phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Phong trào trồng cây xanh, cây bóng mát nơi công sở, nhà máy, xí nghiệp, khu đô thị, trường học cũng đang ngày càng quan tâm thực hiện.
Qua phong trào trồng cây mùa xuân, hằng năm, trong tỉnh đã có hàng nghìn cây phân tán, cây ăn quả các loại được trồng, màu xanh của quê hương liên tục được cải thiện, hệ thống cây xanh, khuôn viên công sở nhất là trung tâm thành phố Hưng Yên, các điểm du lịch, các thị trấn, thị tứ ngày càng được hoàn thiện, nhiều đường cây, hàng cây đã được trồng, chăm sóc, bảo vệ, phát triển tốt. Năm 2023, toàn tỉnh trồng được 72.000 cây xanh các loại (kế hoạch 33.800 cây), đạt trên 213% kế hoạch tỉnh giao, gồm những cây chính như: ban Tây Bắc, bàng Đài Loan, Osaka, kèn hồng, bằng lăng… tại 164 tuyến đường và các khu đô thị, khu dân cư mới. Tổng kinh phí trồng cây năm 2023 khoảng 50,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 11,92 tỷ đồng, còn lại là nguồn xã hội hóa. Ngoài ra, ở các địa phương, nông dân đã trồng được hàng chục nghìn cây ăn quả nhằm thay thế những cây già cỗi và trồng một số giống cây ăn quả mới nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Tuyến đường trồng cây hoa ban do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tiên Lữ trồng và chăm sóc
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh, toàn bộ số cây đã trồng năm 2023 tại các địa phương đều sinh trưởng, phát triển tốt. Trồng cây nhân dân được tỉnh chỉ đạo cả hệ thống chính trị tham gia hưởng ứng; sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, sự tham gia có hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở và Nhân dân trong tỉnh đã tạo thành nét đẹp thúc đẩy phong trào trồng cây nhân dân trên địa bàn tỉnh. Cây nhân dân chủ yếu được trồng trên các tuyến đường ở các khu, cụm dân cư mới; khu, cụm công nghiệp; các tuyến đường liên thôn, liên xã... trong toàn tỉnh, qua đó đã hình thành các đường cây, hàng cây trồng một loại cây, đồng bộ về kích cỡ và chiều cao, tạo cảnh quan, môi trường “xanh - sạch - đẹp” góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Cây sau khi trồng được bàn giao cụ thể cho các chủ thể quản lý, chăm sóc, bảo vệ, gắn với chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn của địa phương. Cây trồng mới đã khắc phục tình trạng trồng cây không theo định hướng, quy hoạch, không rõ chủ thể quản lý, chăm sóc; đồng thời, từng bước huy động nguồn lực từ Nhân dân cùng tham gia, quản lý, chăm sóc, bảo vệ cây sau khi trồng. Cùng với việc trồng cây nhân dân, diện tích trồng mới và cải tạo cây ăn quả trên đất chuyển đổi được duy trì ổn định ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Việc cải tạo, thay thế cây ăn quả già cỗi, kém hiệu quả bằng các giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao được chú trọng, đã hình thành các vùng trồng cây ăn quả chuyên canh, tập trung.
Đồng chí Bùi Quang Nam, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phù Cừ cho biết: Thực hiện kế hoạch trồng cây mùa xuân, hằng năm, huyện có nhiều biện pháp, hình thức tổ chức Tết trồng cây phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Năm 2023, toàn huyện trồng được gần 2,3 nghìn cây xanh các loại. Cây trồng mới đều được chăm sóc, bảo vệ, tạo cảnh quan môi trường, mang lại nhiều lợi ích kinh tế thiết thực cho Nhân dân. Do đó, trên địa bàn huyện đã có nhiều vườn cây ăn quả, tuyến đường trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường “xanh – sạch – đẹp”. Năm 2024, toàn huyện phấn đấu trồng 4.350 cây xanh các loại. Để Tết trồng cây đạt kết quả cao, huyện chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc trồng cây và ý thức bảo vệ cây xanh, tạo cảnh quan môi trường cho các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là lực lượng đoàn viên thanh niên. Đối với những cây trồng ở nơi công cộng, các đơn vị đã ký hợp đồng, phân công nhiệm vụ cho từng bộ phận, đồng thời quy định rõ trách nhiệm, quyền lợi của cá nhân, tổ chức nhận chăm sóc, bảo vệ, nếu cây trồng bị chết hoặc đổ gãy phải trồng bổ sung ngay.
Đồng chí Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Năm nay, toàn tỉnh phấn đấu trồng 24 nghìn cây xanh các loại tại 100 tuyến đường. Để trồng cây đạt hiệu quả, các huyện, thị xã, thành phố căn cứ đặc điểm, lợi thế của địa phương tập trung chỉ đạo trồng các loài cây phù hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường sinh thái. Cùng với số lượng trồng cây xanh, việc trồng cây ăn quả nhằm mục đích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các địa phương cần căn cứ vào đặc điểm, lợi thế về khí hậu, đất đai, tập quán canh tác, thị trường… Các địa phương cần quy hoạch, xây dựng các vùng trồng cây ăn quả có chất lượng, giá trị và hiệu quả kinh tế cao như: Nhãn, vải, cây có múi… trồng tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Bên cạnh việc chuyển đổi trồng mới, cần chú trọng cải tạo, thay thế những cây già cỗi, năng suất thấp, chất lượng kém, cây bị sâu bệnh bằng những cây có năng suất cao, chất lượng tốt; chú trọng bố trí trồng theo cơ cấu trà vụ, giống cây trồng và hướng tập trung thành vùng lớn để tạo vùng sản xuất hàng hóa nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị canh tác.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan