Nhiều chính sách quan trọng trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa thiết kế được phương án tối ưu. Nguyên nhân là do luật này có phạm vi quá rộng và liên quan với nhiều luật khác.
Khu vực đường Vành đai 1 đã hoàn tất giải phóng mặt bằng. (Ảnh: TTXVN)
Liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu do phạm vi của dự án luật này rất rộng và liên quan chặt chẽ với các luật khác.
Đó là nhận định của ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 3/11.
Khuyến khích dân tự nguyện bàn giao đất
Trình bày tóm tắt báo cáo giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết một số nội dung của Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ còn 1 phương án trình Quốc hội xem xét, trong đó có các nội dung về thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Bên cạnh đó, dự án luật cũng có nội dung mà cử tri rất quan tâm như điều kiện về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng liên quan; các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần và hàng năm; đối tượng được sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
Ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Về nội dung thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 78 và Điều 79), ông Vũ Hồng Thanh cho biết dự thảo luật bổ sung trường hợp thu hồi đất để “thực hiện các dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật.”
Quy định này bao gồm cả các dự án của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nếu được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư thì sẽ thực hiện thu hồi đất.
Về điều kiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (khoản 3 Điều 80 và khoản 5 Điều 87), dự thảo luật đã bổ sung quy định: “Người có đất bị thu hồi tự nguyện bàn giao đất cho Nhà nước và đã được bố trí tạm cư hoặc được chi trả kinh phí tạm cư” (khoản 5 Điều 87).
Đây là quy định nhằm khuyến khích người dân tự nguyện bàn giao diện tích đất bị thu hồi, góp phần đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cũng là góp phần giúp dự án đầu tư sớm được triển khai trên thực tế mà vẫn bảo đảm yêu cầu hạn chế ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Còn nhiều chính sách không thống nhất
Bên cạnh những nội dung trên, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn khá nhiều chính sách phải đưa ra 2 phương án để lựa chọn.
Một trong những vấn đề còn ý kiến khác nhau là quy định thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có để thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 3/11. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Phương án 1 là giữ quy định về các loại đất được làm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất như Luật Nhà ở hiện hành: Chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với trường hợp đang có quyền sử dụng đất nếu đó là (1) đất ở hoặc (2) đất ở và đất khác (không phải đất ở, bao gồm cả đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp); chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở.
Phương án 2 là đề nghị mở rộng về các loại đất được làm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất điều kiện được nhận chuyển nhượng không giới hạn về các loại đất.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 quy định 2 loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, đó là: Đất ở; đất ở và đất khác (không phải đất ở, bao gồm cả đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp).
Trong khi đó, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 quy định 3 loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất: (1) đất ở; (2) đất ở và đất khác (không phải đất ở, bao gồm cả đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp); (3) đất phi nông nghiệp không phải là đất ở đã hoàn thành việc nộp tiền sử dụng đất hoặc nộp tiền thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy cùng là các dự án luật do Chính phủ trình, nhưng nội dung chính sách không thống nhất.
Ông Vũ Hồng Thanh cho rằng nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu và một số nội dung phát sinh nhiều ý kiến khác nhau. Nguyên nhân là phạm vi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quá rộng và có liên quan mật thiết với các luật khác.
“Bên cạnh đó, các quy định có tính kế thừa về mặt lịch sử, ghi nhận chính sách của Nhà nước qua các thời kỳ, một số nội dung tuy là trình tự, thủ tục nhưng được luật định do tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất; vì vậy, công tác hoàn thiện các quy định đòi hỏi hết sức kỹ lưỡng, thận trọng,” ông Vũ Hồng Thanh nêu.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội về phương án xem xét, thông qua dự án luật này trên tinh thần bảo đảm chất lượng dự án luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khả thi.
Như vậy, trong trường hợp nếu dự án luật đáp ứng được yêu cầu đề ra, sẽ được thông qua tại kỳ họp này, còn nếu trong trường hợp còn nhiều ý kiến khác nhau, có thể dự án luật quan trọng này sẽ chưa thể thông qua./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn