KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 14/08/2024 - Lượt xem: 369
Mô hình dân vận khéo “Phân loại, xử lý rác tại hộ gia đình bằng chế phẩm IMO” ở xã Đa Lộc

Xử lý rác thải sinh hoạt đang là vấn đề bức thiết ở nông thôn hiện nay. Nhằm huy động sự chung tay từ mỗi người dân, mỗi gia đình trong việc xử lý rác thải tại nguồn, Ban Dân vận Huyện ủy Ân Thi đã chọn xã Đa Lộc thực hiện mô hình dân vận khéo “Phân loại, xử lý rác tại hộ gia đình bằng chế phẩm IMO” mà nòng cốt là hội liên hiệp phụ nữ đảm nhận. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhận thức đúng đắn của Nhân dân, mô hình mang lại hiệu quả thiết thực ở cơ sở.

"Ngôi nhà của pin" tại thôn Bắc Cả, xã Đa Lộc

Buổi sáng, tại chợ thôn Bắc Cả tấp nập người mua bán, hàng hóa phần lớn là thực phẩm rau, củ, quả. Kết thúc buổi chợ, rác được thu gom thành 2 loại: Rác hữu cơ và rác vô cơ. Chị Nguyễn Thị Thảo, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Bắc Cả, nhà ở cạnh chợ cho biết, hình ảnh sạch sẽ này xuất hiện từ hơn 1 năm nay, sau khi triển khai thực hiện mô hình dân vận khéo tại thôn. Chị Thảo kể, hơn 1 năm trước, trước cửa nhà tôi là một điểm đổ rác tự phát của nhiều người dân trong, ngoài thôn. Đống rác khiến mùi hôi bốc lên, ruồi nhặng bu đầy. Nhà tôi thường xuyên phải đóng cửa kín để ngăn mùi và ruồi, nhặng vào nhà. Khi được chọn thực hiện mô hình dân vận khéo xử lý rác thải, chúng tôi rất phấn khởi. Việc đầu tiên là hội viên trong chi hội đến từng hộ dân tuyên truyền không vứt rác bừa bãi; thu gom, phân loại rác ngay tại nhà, mặt khác cử người canh từ sáng đến 21 giờ không cho người dân đến đổ rác.

Mô hình dân vận khéo tại xã Đa Lộc xuất phát từ việc triển khai Đề án “Phụ nữ Hưng Yên thực hiện phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2023-2026” của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh. Từ khi triển khai mô hình, chị Thảo là một trong các cán bộ, hội viên đi đầu phân loại rác hữu cơ, xử lý bằng chế phẩm IMO để làm phân bón cho cây trồng. Sau khi được tập huấn, việc làm men IMO để xử lý rác hữu cơ với chị rất đơn giản. Toàn bộ rác hữu cơ tại khu chợ được chị thu gom để làm phân bón cho cả mẫu vườn trồng cây ăn quả, thay thế hoàn toàn việc mua phân bón trước đây. Chị còn đặt “ngôi nhà của pin” ngay cổng nhà mình và tại nhà của bố mẹ để thu gom pin sau sử dụng. Nhiều người trong thôn thành thói quen, mang pin sau sử dụng đến để trong ngôi nhà đó. 

Chị Vũ Thị Huyền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã cho biết, cán bộ hội, đảng viên làm gương trước, sau đó tuyên truyền, vận động đến các hộ dân. Nhà chị Huyền có hơn 1 mẫu vườn trồng cây ăn quả. Từ ngày bón loại phân hữu cơ, chất lượng quả ngon hơn, giá bán cao hơn. Chị thấy tiếc khi nhìn thấy những cọng rau xanh không được thu gom. Chị tuyên truyền nhiều gia đình phân loại rác, ngày nào chị cũng trực tiếp đi thu gom mang về xử lý. Ban đầu không phải ai cũng hưởng ứng ngay, nhưng với sự kiên trì, nhiệt tình của các cán bộ hội, chi hội đã giúp phần lớn các hộ nhận thức và hình thành thói quen phân loại rác. Chị Đào Thị Thúy ở thôn Bắc Cả chuyên thu mua rau, củ, quả, ban đầu chỉ phân loại rác hữu cơ, sau thấy hiệu quả nên cũng học cách làm men để xử lý rác tại nhà tạo phân bón cho cây trồng. Chị Huyền còn dành thời gian sớm tối đi nhặt pin thải. Đối tượng chị nhắm tới là gia đình có trẻ nhỏ. Chị còn treo thưởng cho trẻ để thu gom được nhiều pin nhất có thể… 

Thực hiện mô hình dân vận khéo “Phân loại, xử lý rác tại hộ gia đình bằng chế phẩm IMO” tại xã từ tháng 3/2023, Đảng ủy xã Đa Lộc triển khai thí điểm tại 2 thôn Bắc Cả và Trắc Điền. Sau khi được giao nhiệm vụ, chi bộ thôn Bắc Cả và chi bộ thôn Trắc Điền tiến hành họp bàn, phân công các đảng viên làm trước. Nhiều đảng viên chủ động thu gom rác thải của gia đình và các hộ xung quanh, phân loại, xử lý rác. Đồng chí Nguyễn Thị Dứa, đảng viên Chi bộ thôn Trắc Điền cho biết,  sau khi chi bộ triển khai, tôi đã thực hiện phân loại rác và dùng chế phẩm vi sinh xử lý rác hữu cơ. Cách làm này vừa giảm lượng rác phải thu gom, vận chuyển, xử lý, vừa tận dụng nguồn phân bón cho cây trồng. Tôi đã tuyên truyền cho người thân, hàng xóm cùng làm theo, rác chờ thu gom còn rất ít, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ. 

Trong quá trình triển khai, các chi bộ thường xuyên đánh giá thuận lợi, khó khăn, tháo gỡ vướng mắc và triển khai ra diện rộng. Nhờ vậy, đến nay số hộ phân loại rác tại gia đình đạt 75% và ký cam kết thực hiện trong 5 năm tiếp theo, môi trường được cải thiện rõ rệt. Nếu như trước đây, dọc đường làng có nhiều túi rác chờ thu gom chất hai bên đường thì đến nay tình trạng này đã giảm hẳn; rác thải được tập kết chờ thu gom chỉ còn khoảng 30% và để đúng nơi quy định. Đồng chí Nguyễn Văn Khiêm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đa Lộc cho biết, thông qua mô hình dân vận khéo góp phần khơi dậy, phát huy sự nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, huy động sự chung tay của Nhân dân trong việc xử lý rác thải, bảo vệ môi trường. Từ thành công của mô hình phân loại và xử lý rác tại hộ gia đình ở 2 thôn Bắc Cả và Trắc Điền, Đảng ủy xã đã triển khai tới các thôn khác, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. 

Nguồn: https://baohungyen.vn

Tin liên quan