KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 24/11/2024 - Lượt xem: 18
Mở rộng diện tích trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP

Đến tháng 11 năm nay, diện tích trồng cây ăn quả trong tỉnh là 14.760 héc-ta; trong đó, có hơn 3,7 nghìn héc-ta được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Diện tích trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP đã tạo ra nguồn sản phẩm cây ăn quả phong phú, đa dạng, an toàn, có tiêu chuẩn chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, mang lại thu nhập cao, ổn định cho người sản xuất.

Nông dân huyện Phù Cừ mở rộng diện tích trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP

Nhiều mô hình đã khẳng định được hướng phát triển bền vững, cho hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng cây ăn quả lâu năm cho thu nhập trung bình 300 - 500 triệu đồng/héc-ta/năm, trong đó trồng nhãn, vải cho thu nhập 300 - 350 triệu đồng/héc-ta/năm; trồng cây có múi (cam, quýt, bưởi) cho thu nhập 350 - 500 triệu đồng/héc-ta/năm. Một số xã phía Bắc của huyện Phù Cừ và xã Đa Lộc (Ân Thi) chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng vải trứng Hưng Yên cho thu nhập 500 - 700 triệu đồng/héc-ta/năm…

Để mở rộng diện tích, sản phẩm đạt chất lượng và đáp ứng xuất khẩu, sản xuất cây ăn quả theo quy trình VietGAP được coi là giải pháp quan trọng trong giai đoạn hiện nay. 

Thực hiện kế hoạch trên, từ đầu năm đến hết tháng 10/2024, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức cấp chứng nhận VietGAP cho 130 mô hình cây ăn quả với diện tích hơn 1.047 héc-ta. Trong đó, chứng nhận mới cho 75 mô hình với diện tích hơn 373,6 héc-ta, chứng nhận lại cho 26 mô hình với diện tích hơn 214,3 héc-ta, duy trì chứng nhận cho 29 mô hình với diện tích hơn 459,1 héc-ta. Đồng thời, hỗ trợ tem nhãn, bao bì cho một số mô hình sản xuất VietGAP. 

Hiện nay, thành phố Hưng Yên có trên 1 nghìn héc-ta trồng nhãn, tập trung ở các xã: Hồng Nam, Quảng Châu, Tân Hưng… Xác định nhãn là cây trồng có thương hiệu và chủ lực, thành phố tích cực vận động các nhà vườn chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất nhãn hữu cơ, an toàn; phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất nhãn VietGAP. Cùng với đó, vận động các nhà vườn thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nhãn tạo tiền đề xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, thành phố có trên 300 héc-ta nhãn sản xuất theo quy trình VietGAP, một số HTX đã xuất khẩu nhãn quả tươi sang thị trường EU, Hàn Quốc…

Hợp tác xã (HTX) nhãn lồng Tiên Châu, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) có 24 héc-ta trồng nhãn, chủ yếu là các giống nhãn: Hương Chi, T6, siêu ngọt… Theo ông Nguyễn Văn Điện, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nhãn lồng Tiên Châu: Hiện nay, 100% diện tích trồng nhãn của HTX được sản xuất theo quy trình VietGAP. Nhãn quả sản xuất theo quy trình VietGAP có các ưu điểm: Vỏ mỏng, cùi dày, vị ngọt thơm, đa dạng thị trường tiêu thụ, giá bán cao… 

Thực hiện kế hoạch chứng nhận VietGAP cây ăn quả, UBND huyện Phù Cừ đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn và các xã, thị trấn tích cực phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát, kiểm tra, lựa chọn các vùng trồng cây ăn quả đủ điều kiện để tổ chức chứng nhận. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân về kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, nhiều diện tích cây ăn quả như vải, cam ở các xã Tam Đa, Nguyên Hòa, Phan Sào Nam… được sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. 

Để thực hiện đạt mục tiêu và hiệu quả của Kế hoạch chứng nhận VietGAP cây ăn quả, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tích cực phối hợp với đơn vị chuyên môn, UBND các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn, xác định các vùng trồng cây ăn quả đủ điều kiện để tổ chức các hoạt động chứng nhận VietGAP; phối hợp tư vấn, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác tại các vùng được lựa chọn. Trên cơ sở ngân sách cấp hằng năm, sở tổ chức ký kết hợp đồng với tổ chức chứng nhận được chỉ định để thực hiện các hoạt động cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, tổ chức tập huấn cho nông dân tại các vùng sản xuất đã được lựa chọn; giám sát, chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn liên quan kiểm tra, đánh giá cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất an toàn; thường xuyên giám sát chất lượng sản phẩm nông sản theo quy định...

Nguồn: https://baohungyen.vn/

Tin liên quan