KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 16/12/2023 - Lượt xem: 749
Mong các tập đoàn lớn của Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn

Sáng 16/12, tại thủ đô Tokyo, tiếp tục các hoạt động song phương tại Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc gặp gỡ, làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản hàng đầu trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với các tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản về vi mạch bán dẫn (Ảnh: THANH GIANG)
Tại cuộc làm việc, các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản bày tỏ, hiện ở Việt Nam đã có những cơ sở lớn nhất ở nước ngoài trong lĩnh vực này, có nhiều nhân lực giỏi người Việt Nam; cho biết họ đang xây dựng, thiết lập các mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt Nam.
Các tập đoàn Nhật Bản khẳng định, Việt Nam là cứ điểm quan trọng của Nhật Bản, thời gian tới, trí tuệ nhân tạo là yếu tố quan trọng trong công nghiệp bán dẫn, các hoạt động lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D). Trong quá trình trao đổi với đồng nghiệp các nước, họ đều quan tâm sự phát triển ngành bán dẫn trên thế giới hiện nay. Các doanh nghiệp đều quan tâm tầm nhìn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam; các chính sách ưu đãi của Chính phủ Việt Nam dành cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này; tìm hiểu thế mạnh của Việt Nam trong lĩnh vực này, nhất là vấn đề nguồn nhân lực.
Để phát triển hơn nữa ngành vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tại Nhật Bản, các tập đoàn Nhật Bản mong Việt Nam cho biết, phía Việt Nam đặt ra kỳ vọng như thế nào và phía Nhật Bản có thể hỗ trợ gì cho Việt Nam phát triển lĩnh vực này? Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng mong muốn phối hợp với Việt Nam phát triển những kỹ thuật, công nghệ liên quan…
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tầm quan trọng của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản trong hợp tác kinh tế, đầu tư; mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Vấn đề là làm thế nào để Việt Nam đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản. Thủ tướng cho biết, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã từng nhấn mạnh: hợp tác với Việt Nam là không có giới hạn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc với các tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản về vi mạch bán dẫn. (Ảnh: THANH GIANG)
Đối với câu hỏi Việt Nam cần làm gì để đáp ứng các yêu cầu của Nhật Bản, Thủ tướng cho biết các nhà đầu tư bao giờ cũng cần sự ổn định chính trị, bảo đảm vững chắc về quốc phòng an ninh, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đây là yêu cầu cơ bản. Cho nên Việt Nam luôn luôn nỗ lực giữ gìn độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Việt Nam đang xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, người dân là trung tâm, chủ thể của các chính sách của Nhà nước, người dân phải đóng góp, thúc đẩy sự phát triển; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó tuân thủ quy luật cung cầu có sự điều tiết của Nhà nước.
Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam là nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn nhỏ, độ mở lớn, sức chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn hạn chế. Thủ tướng nêu rõ, xuyên suốt quá trình phát triển, Việt Nam xác định con người là trung tâm, là chủ thể, đồng thời là mục tiêu và là động lực cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; thực hiện đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, đối tác tốt với tất cả các nước trên thế giới, tạo môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển cho Việt Nam, bảo đảm cho các doanh nghiệp đến Việt Nam yên tâm làm ăn, phát triển lâu dài. Đây là yếu tố rất quan trọng, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; dựa vào các yếu tố nội lực là con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa. Đây là yếu tố quyết định, lâu dài; kết hợp với ngoại lực là đột phá, đó là nguồn vốn đầu tư, công nghệ, quản trị, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thể chế.
Việt Nam xác định nội lực là chính, nhưng không thể thiếu ngoại lực, xác định độc lập, tự chủ nhưng không thể thiếu hội nhập, chỉ có độc lập, tự chủ mới đứng vững được trước các “cơn gió ngược”. Muốn vậy phải ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, cân bằng thị trường lao động; kiểm soát nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài; kiểm soát bội chi ngân sách; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Thủ tướng cũng khẳng định mạnh mẽ: Việt Nam là nơi khu trú an toàn trong cơn bão của thế giới hiện nay. Việt Nam thực hiện đường lối chính sách quốc phòng “4 không”; coi trọng phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc bên cạnh phát triển kinh tế, coi trọng đạo đức kinh doanh; sự yêu thương con người, kết nối “từ trái tim đến trái tim” như cố Thủ tướng Fukuda Takeo của Nhật Bản đã từng nói về quan hệ ASEAN-Nhật Bản. Việt Nam kết hợp các chính sách kinh tế, quốc phòng, văn hóa… là nền tảng cơ bản để các nhà đầu tư yên tâm đến Việt Nam làm ăn. Việt Nam sẵn sàng là người bạn, đối tác với các tập đoàn, doanh nghiệp người ngoài.
Việt Nam đang thực hiện các chính sách này đúng hướng, tạo được không gian hoà bình, hợp tác, phát triển không những ở trong nước mà cả khu vực, trên thế giới. Xây dựng một công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việt Nam coi trọng đại đoàn kết toàn dân tộc; đoàn kết toàn dân, toàn Đảng, đoàn kết quốc tế. Đó là nền tảng tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Dân tộc Việt Nam luôn lắng nghe, quý trọng bạn bè. Trong kết quả này có sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực của người dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trong đó có Nhật Bản.
Thủ tướng mong các bạn cùng Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Muốn vậy, trước hết phải có hạ tầng cho công nghiệp bán dẫn: phải phát triển công nghệ thông tin, phát triển các công nghệ khác liên quan; chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nền tảng là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Việt Nam xác định đây là yêu cầu khách quan. Thế giới phát triển thì Việt Nam cũng phải phát triển. Đây là lựa chọn chiến lược vì muốn đi nhanh phải đi tắt đón đầu, đó phải là khoa học công nghệ, mà là ngành bán dẫn; đây cũng là ưu tiên hàng đầu để phát triển đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, tạo nền tảng cho công nghệ thông tin.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với các tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản trong lĩnh vực bán dẫn. (Ảnh: THANH GIANG)
Về hành động, theo Thủ tướng, phải đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin. Công nghệ thông tin có phát triển được phải phát triển trên nền tảng hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục; yếu tố con người, đó là đào tạo nguồn nhân lực trên nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Việt Nam phải có được chuyển giao công nghệ. Vì vậy, Việt Nam cần chú trọng lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D), do đó các doanh nghiệp Nhật Bản hãy vào Việt Nam hỗ trợ Việt Nam lĩnh vực này, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các xưởng thiết kế, sản xuất, đóng gói và xuất khẩu.
Việt Nam xác định phát triển công nghiệp bán dẫn mạnh mẽ hơn, có vai trò nằm trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Nhật Bản, toàn cầu. Muốn vậy, phải có đầu tư phát triển, đầu tư nguồn nhân lực, công xưởng. Muốn vậy phải có nguồn lực, muốn vậy phải có các cơ chế, chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh.
Theo Thủ tướng, Việt Nam phải đào tạo nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
Việt Nam đang xây dựng các chính sách ưu tiên cho các ngành mới nổi, trong đó có ngành sản xuất chíp bán dẫn. Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chính sách này, theo đó ưu tiên cho các tập đoàn lớn đầu tư, chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; đó là ưu tiên về thuế, đất đai…; cùng với đó là tăng cường đào tạo kỹ sư về chíp bán dẫn… Việt Nam sẽ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư. Năm nay, trong điều kiện thế giới khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng về thu hút đầu tư FDI. Việt Nam mong muốn phát triển ngành sản xuất chíp bán dẫn đột phá.
Việt Nam đang nghiên cứu cách làm việc để tổ chức tốt hơn, tập hợp được các lực lượng, tập đoàn bán dẫn trên thế giới vào đầu tư Việt Nam. Việt Nam đang hợp tác bình đẳng với các đối tác lớn trên thế giới trong lĩnh vực này. Việt Nam đang tạo hệ sinh thái trong lĩnh vực này, tích cực phát triển xanh, thực hiện kinh tế tuần hoàn…
Nguồn: https://nhandan.vn
Tin liên quan