Năm 2023, chỉ số thương mại điện tử (TMĐT) của tỉnh xếp thứ 12/58 tỉnh, thành phố trên cả nước với 20,5 điểm, tăng 12 bậc so với năm 2019. Hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo các ngành, đơn vị chức năng tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy hoạt động TMĐT phát triển nhằm nâng cao thứ hạng trong những năm tiếp theo.
Siêu thị The City (Yên Mỹ) quản lý hoạt động bán hàng qua phần mềm
Chỉ số TMĐT được tổng hợp từ 3 chỉ số thành phần, gồm: Nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin; chỉ số giao dịch TMĐT giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C); chỉ số giao dịch TMĐT giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B). Tại tỉnh Hưng Yên, trong số các chỉ số thành phần này, chỉ số giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) được ghi nhận có sự cải thiện mạnh mẽ. Năm 2023, chỉ số này xếp thứ 14/58 tỉnh, thành phố với 25,2 điểm, tăng 4 bậc so với năm 2022. Có được kết quả trên là do tỉnh đã quyết liệt trong chỉ đạo các sở, ngành chức năng, địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp đăng ký sử dụng phần mềm quản lý, chữ ký điện tử, hóa đơn điện tử. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 53 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia một số chương trình, đề án thuộc TMĐT địa phương và quốc gia; cung cấp gói giải pháp SEO thông minh qua Landing Papes cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tư vấn cho doanh nghiệp triển khai quy trình bán hàng trực tuyến, quy trình kinh doanh theo mô hình B2C tiên tiến trên thế giới, cách thức tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến, quảng cáo hiệu quả cho Website TMĐT… Qua đó, giúp các doanh nghiệp trong tỉnh tích cực, chủ động ứng dụng TMĐT để tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường, thiết lập kênh phân phối và bán hàng trên nền tảng công nghệ số. Hết năm 2023, toàn tỉnh có 115 cơ sở có hoạt động hóa chất thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp.
Để nâng cao chỉ số nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin; chỉ số giao dịch TMĐT giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), tỉnh quan tâm, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông hoạt động, phát triển. Từ năm 2016 đến nay, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức về TMĐT cho trên 1 nghìn sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh; tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật về TMĐT cho gần 200 người là đối tượng chuyên trách quản lý TMĐT, công nghệ thông tin của cơ quan các cấp trong tỉnh. Năm 2023, Sở Công Thương xây dựng và thực hiện Đề án “Nâng cấp sàn giao dịch TMĐT tỉnh Hưng Yên”, kết nối sàn giao dịch TMĐT địa phương với sàn hợp nhất “sanviet.vn” theo đề án xây dựng sàn TMĐT hợp nhất 63 tỉnh, thành phố của Bộ Công Thương. Các doanh nghiệp viễn thông, các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt tới cán bộ, người lao động trong đơn vị. Ngày 21/10/2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 131/KH – UBND về phát triển TMĐT tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2021 – 2025 với tổng kinh phí triển khai thực hiện trên 7,2 tỷ đồng nhằm nâng cao các chỉ số TMĐT trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới.
Người dân thành phố Hưng Yên thanh toán không dùng tiền mặt
Với các giải pháp được triển khai thực hiện, đến nay, tỉ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tỉnh hoạt động trên các sàn TMĐT đạt 31%; tỉ lệ cấp xã có thương nhân hoạt động bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ trực tuyến đạt gần 40%; tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt 30%...
Bên cạnh kết quả đạt được, nguyên nhân khiến chỉ số nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin; chỉ số giao dịch TMĐT giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng chưa có sự bứt phá là do nguồn nhân lực có chất lượng cao cho phát triển TMĐT của tỉnh còn hạn chế khiến việc hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp chưa kịp thời. Số lượng Website doanh nghiệp tăng nhưng chưa nhiều; doanh nghiệp tổ chức, triển khai ứng dụng TMĐT chủ yếu là tự phát, tập trung ở các doanh nghiệp lớn. Việc khai thác những lợi ích mà TMĐT mang lại như tiếp thị và quảng cáo trực tuyến, bán hàng, đặt hàng chưa được triển khai ứng dụng nhiều. Vấn đề an ninh, an toàn, bảo mật khi tham gia Website chưa được bảo đảm…
Đồng chí Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số TMĐT; tỉ lệ người dân mua sắm trực tuyến trong tỉnh đạt 55%; tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đạt 50%; các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT đạt tỉ lệ 50%... Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, thời gian tới, sở đẩy mạnh công tác phối hợp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về TMĐT nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về TMĐT; khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ phục vụ phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; áp dụng chứng thực chữ ký số để bảo đảm an toàn, bảo mật cho các giao dịch TMĐT; hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập và sử dụng hệ thống thư điện tử với tên miền riêng của doanh nghiệp, làm công cụ liên lạc, trao đổi thông tin, giao dịch trực tuyến…
Nguồn: https://baohungyen.vn