KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Chính trị
Đăng ngày: 04/04/2024 - Lượt xem: 314
Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam các cấp

Thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, thời gian qua, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.

Trước yêu cầu đẩy nhanh tiến độ Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Tân Phúc - Võng Phan (Dự án) và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân vùng dự án, cuối năm 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiến hành giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư Dự án tại 2 huyện Ân Thi, Phù Cừ. Qua giám sát cho thấy, cấp ủy, chính quyền 2 địa phương chỉ đạo, điều hành thực hiện dự án quyết liệt, đồng bộ; những khó khăn, vướng mắc thường xuyên được cập nhật và tháo gỡ kịp thời. Tuy nhiên, qua giám sát cũng cho thấy công tác quản lý đất đai ở một số xã chưa chặt chẽ, xảy ra tình trạng mua bán, chuyển nhượng trái phép, lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích; chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn bất cập, gây khó khăn cho công tác lập phương án bồi thường, hỗ trợ; công tác truyên truyền ở một số nơi chưa thực sự hiệu quả, nhất là với những hộ chưa đồng thuận, chính quyền địa phương chưa kịp thời giải quyết thỏa đáng... Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã kiến nghị với UBND tỉnh và UBND các huyện Ân Thi, Phù Cừ giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, chất lượng dự án và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân.
Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh giám sát thực hiện chính sách, pháp luật
về bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư Dự án đầu tư
xây dựng tuyến đường Tân Phúc – Võng Phan tại huyện Ân Thi
Từ năm 2019 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh phối hợp với các tổ chức thành viên thực hiện 2.950 cuộc giám sát; tham gia cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND các cấp và Ban chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác giám sát theo chức năng, nhiệm vụ với tổng số 3.966 cuộc. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp giám sát thông qua xem xét, nghiên cứu văn bản được 2.178 văn bản. Bên cạnh nhiệm vụ giám sát thường xuyên, hằng năm, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đều xây dựng kế hoạch giám sát chuyên đề. Riêng năm 2023, có 2 cuộc giám sát chuyên đề được thực hiện gồm: Giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Tân Phúc - Võng Phan tại 2 huyện Ân Thi, Phù Cừ; Giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri đối với sở, ngành, chính quyền địa phương các cấp tại Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện Kim Động, Khoái Châu. Kết quả giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri cho thấy các sở, ngành, địa phương đã cầu thị tiếp thu và chủ động giải quyết những vấn đề cử tri kiến nghị. Tuy nhiên, vẫn có một số nội dung kiến nghị chưa được quan tâm, giải quyết thoả đáng. Mặt khác, do đa số kiến nghị của cử tri về đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, bảo đảm an sinh xã hội... đòi hỏi phải có thời gian, nguồn lực tài chính nên việc giải quyết không thể đáp ứng trong thời gian ngắn.
Cùng với vai trò giám sát của Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp, toàn tỉnh còn duy trì 161 Ban Thanh tra Nhân dân với 1.194 thành viên. Hằng năm, các Ban Thanh tra Nhân dân xây dựng, thực hiện khá hiệu quả kế hoạch giám sát... Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa sai phạm, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo đồng thuận và thống nhất cao trong xã hội.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giám sát của MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh vẫn còn những hạn chế: Một số cán bộ tham gia giám sát còn thiếu kiến thức, bản lĩnh, năng lực công tác, còn biểu hiện né tránh, ngại va chạm; hoạt động của một số Ban Thanh tra Nhân dân chưa đáp ứng được yêu cầu; việc theo dõi, giải quyết kiến nghị sau giám sát ở nhiều nơi chưa được chú trọng...
Nhằm khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh, ngày 26/12/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 44-NQ/TU về phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2024-2029 (Nghị quyết số 44).
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 44 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện gắn với kế hoạch công tác và kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hằng năm; tăng cường củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ Mặt trận và tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho các thành viên Ban Thanh tra Nhân dân; đẩy mạnh tuyên truyền để Nhân dân chủ động thực hiện trách nhiệm công dân, quyền làm chủ của Nhân dân thông qua hoạt động giám sát ở cơ sở. Để hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tầng lớp Nhân dân thực sự hiệu quả, cấp uỷ, chính quyền các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện nhiệm vụ giám sát; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không hợp tác, gây khó khăn, cản trở hoạt động giám sát, hoặc lợi dụng quyền giám sát gây tổn hại cho tổ chức, cá nhân…
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan