Thời gian qua, Ðảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế số, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế số hàng đầu tại khu vực. Tuy nhiên, phát triển kinh tế số là chặng đường dài, hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của các doanh nghiệp.
Sản xuất điện là một trong các trọng tâm chuyển đổi số của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam. (Ảnh EVN)
Việc tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp là nội dung cấp bách, là chìa khóa để thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, qua đó nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội từ kinh tế số, tạo nền tảng cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Chúng ta đang bước vào những tháng cuối cùng của năm 2023 với nhiều tín hiệu tích cực cho sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến hết quý III năm nay, cả nước đã có hơn 165 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước tăng trưởng ấn tượng, đạt hơn 497 tỷ USD với cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD,…
Những con số thống kê trên cho thấy, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ứng biến nhanh chóng, có chiến lược quản lý và điều hành linh hoạt trong giai đoạn nhiều thách thức, biến động khó lường. Một trong những giải pháp được các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị áp dụng trong giai đoạn khó khăn kéo dài gần 3 năm qua là chủ động, linh hoạt ứng dụng tiến bộ của khoa học-công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo để số hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động.
Chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế như thương mại, ngân hàng tài chính, du lịch, y tế giáo dục đến giải trí,… góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh mẽ. Kinh tế số đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Dự báo trong những năm tới, kinh tế số tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt khi Việt Nam được đánh giá hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hoàng Quang Phòng
Ðó là sự đồng thuận, hỗ trợ của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp; cơ sở hạ tầng công nghệ viễn thông ngày càng hoàn thiện; dân số trẻ và tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh, mạng internet và mạng xã hội rất cao,…
Với tốc độ tăng trưởng cao, năm 2022 nền kinh tế số Việt Nam đã đóng góp 14,26% GDP, đồng thời hướng đến mục tiêu kinh tế số đóng góp 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030 như mục tiêu đã đề ra tại Văn kiện Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng và Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chỉ có nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, chúng ta mới tạo nền tảng cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan cho biết, thời gian qua Chính phủ đã có những chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Chính phủ đã cùng các bộ, ngành, địa phương tập trung nâng cao chất lượng các quy định, giảm thiểu thủ tục hành chính, đổi mới các dịch vụ công đạt một số kết quả tích cực.
Trong đó, cải cách thủ tục hành chính đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.480 quy định kinh doanh, đơn giản hóa 388/1.086 thủ tục hành chính; đưa vào vận hành Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh (đã công khai hơn 15 nghìn quy định kinh doanh); tạo ra kênh góp ý về các dự thảo quy định kinh doanh, tra cứu tìm kiếm quy định, gửi vướng mắc đề xuất, định kỳ hằng tuần, hằng tháng đánh giá nỗ lực quy định của các bộ, ngành;…
Theo đó, tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử tại bộ, ngành đạt 24,48% và tại địa phương đạt 38,94%; cấp hơn 3 triệu bản sao chứng thực điện tử; chuyển hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử tại cấp bộ đạt 81,39% và tại địa phương đạt 70,24%. Hiện 16 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu dân cư, giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính, đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động của bộ phận một cửa.
Tạo thêm không gian phát triển số cho doanh nghiệp
Với nền kinh tế của Việt Nam có số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến hơn 97% thì việc phát triển kinh tế số là chặng đường dài. Kinh tế số sẽ chỉ được thúc đẩy khi doanh nghiệp chuyển đổi số mạnh mẽ. Kết quả khảo sát từ VCCI thực hiện cho thấy, phần lớn doanh nghiệp đã nhận thức và ý thức về việc cần thiết phải chuyển đổi số nhưng thực hiện chuyển đổi số lại chưa như kỳ vọng với nguyên nhân chính từ khó khăn về nguồn lực tài chính, nhân sự, chiến lược,…
Không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp lúng túng khi bắt đầu lên kế hoạch chuyển đổi số do bởi chi phí đầu tư “vượt tầm”. Có doanh nghiệp bỏ cuộc vì không đủ nguồn lực đi đường dài hoặc chưa nhận thấy hiệu quả lâu dài từ chuyển đổi số. Trong bảng khảo sát đánh giá quá trình chuyển đổi số của VCCI, 48,8% số doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết đã từng ứng dụng các công nghệ, phần mềm mới nhưng hiện tại không còn sử dụng.
Một khảo sát của VCCI cũng chỉ ra, ngoài những hạn chế nội tại, doanh nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ cơ chế, chính sách, thể chế chưa đồng bộ; khó khăn trong tiếp cận tín dụng, khó khăn từ thị trường... Ðặc biệt là thiếu chính sách cho những mô hình kinh tế mới như kinh tế số. Thực trạng này đang kéo giảm năng lực cạnh tranh, tạo áp lực và khó khăn cản trở doanh nghiệp vận dụng mô hình hoạt động mới từ kinh tế số mang lại.
Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế Trịnh Minh Anh cho rằng, Chính phủ cần quán triệt quan điểm “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo” và thực hiện có kết quả các chủ trương, nhiệm vụ về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đã được đề cập trong Văn kiện Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng. Ðây chính là điều kiện thiết yếu để tạo ra một môi trường thuận lợi, giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số. Cần phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng số; đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, quản lý chặt chẽ và kiểm soát những hình thức thanh toán trực tuyến, nhất là những giao dịch xuyên quốc gia.
Chủ động hoàn thiện hệ thống hạ tầng thanh toán số song song với việc thống nhất, đồng bộ phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để giao dịch trên toàn quốc. Ðối với các doanh nghiệp, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế số, điều tiên quyết là phải chủ động đổi mới, sáng tạo, nắm bắt kịp thời các công nghệ mới; chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng những mô hình, phương thức kinh doanh mới, loại bỏ những yếu tố lạc hậu, không còn phù hợp, ứng dụng cách thức mới để phát triển nhanh hơn nhưng phải có hướng đi và cách thức chuyển đổi sao cho phù hợp với doanh nghiệp của mình để mang lại hiệu quả cao. Doanh nghiệp càng lớn mạnh thì càng tham gia tốt hơn vào nền kinh tế số và có cơ hội trở thành một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, để chuyển đổi số có hiệu quả, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết, doanh nghiệp phải có sự nhìn nhận, tư duy lại mô hình kinh doanh, phải tập trung vào khách hàng, cung cấp dịch vụ và trải nghiệm tăng cường nhờ dữ liệu, xây dựng nền tảng và hệ sinh thái. Ðồng thời, thúc đẩy kinh tế chia sẻ, cho thuê và đi thuê; đặc biệt tự động hóa và dữ liệu sẽ dẫn dắt phát triển.
Tư duy mới này khác hẳn với mô hình kinh doanh truyền thống được dẫn dắt bởi yếu tố chính là lao động, tập trung vào sản phẩm, phát triển và bán sản phẩm, thúc đẩy sở hữu, mua đứt bán đoạn. Khác với tư duy cạnh tranh trước đây theo kiểu “cá lớn” nuốt “cá bé” thì kinh tế số, tư duy cạnh tranh theo hướng “cá nhanh” nuốt “cá chậm”. Ðiều này vừa thúc đẩy hợp tác vừa cạnh tranh để cùng phát triển, xóa bỏ trung gian.
Tuy nhiên, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế số, trước tiên và quan trọng nhất là nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về bản chất thật sự của chuyển đổi số. Chỉ khi hiểu đúng thì mới làm đúng. Ngoài ra, Chính phủ cần sát cánh với doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, khuyến khích và hỗ trợ xây dựng một số mô hình mẫu về doanh nghiệp chuyển đổi số, ưu tiên một số lĩnh vực mà Nhà nước đã chọn trong chiến lược phát triển kinh tế số quốc gia, như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch và logistics.
Nguồn: https://nhandan.vn