Trước đây, giới trẻ ở nông thôn luôn có khát vọng thoát ly khỏi xóm làng lên thành phố lập nghiệp. Thế nhưng ngày nay, nhiều bạn trẻ ở xứ Nhãn gắn bó với mảnh đất quê nhà, tìm những lối đi riêng góp phần nâng tầm giá trị nông sản, làm giàu cho quê hương.
Công nhân sản xuất long nhãn tại Công ty TNHH sản xuất - thương mại và xuất khẩu nông sản Việt Vinagri
Tỉnh Hưng Yên là địa phương có nhiều nông sản phong phú như: Nhãn lồng, hạt sen, mật ong, các loại cây dược liệu như cúc hoa, cỏ ngọt... Thời gian gần đây, người tiêu dùng trong tỉnh không còn xa lạ với các thương hiệu như: Long nhãn sấy điện; long nhãn ôm sen của Công ty TNHH sản xuất - thương mại và xuất khẩu nông sản Việt Vinagri (Khoái Châu); Trà hoa cúc, trà hoa nhài, trà hoa hồng, trà cỏ ngọt của Công ty TNHH Econashine (Văn Lâm)… Đây đều là những doanh nghiệp do các bạn trẻ khởi nghiệp và thực hiện thành công.
Câu chuyện bỏ phố về quê của Trần Minh Đức ở thôn Đa Hòa, xã Bình Minh (Khoái Châu) khiến nhiều người ngạc nhiên. Tốt nghiệp Đại học Kinh doanh và Công nghệ, anh Đức từng có công việc ổn định tại một doanh nghiệp xây dựng ở Thủ đô Hà Nội, thế nhưng anh lại quyết định về quê lập nghiệp từ nông sản. Anh bảo, nguồn nguyên liệu nhãn ở địa phương rất nhiều nhưng nông dân chủ yếu bán quả tươi, giá cả bấp bênh, tiêu thụ khó khăn khi vào mùa vụ thu hoạch. Vì vậy, anh quyết định về quê khởi nghiệp, chế biến quả nhãn tươi thành những sản phẩm mới, có thời gian bảo quản lâu hơn.
Sau nhiều lần đi tham khảo các cơ sở sản xuất, chế biến long nhãn trong tỉnh, tháng 7/2021, anh Đức thành lập Công ty TNHH sản xuất - thương mại và xuất khẩu nông sản Việt Vinagri có trụ ở chính ở xã Bình Minh (Khoái Châu) và cơ sở sản xuất tại xã Minh Phượng (Tiên Lữ), đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị, máy móc chế biến long nhãn sấy.
Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, công ty chỉ nhập nguyên liệu nhãn Hương Chi được trồng ở những vùng sản xuất theo quy trình VietGAP trong tỉnh và chế biến theo quy trình khép kín. Nhãn tươi nhập về được chọn lọc kỹ càng để loại bỏ những quả hỏng, sau đó đưa vào rửa sạch bằng máy. Lao động bóc long phải khử khuẩn tay, mặc trang phục bảo hộ và đeo khẩu trang trước khi vào làm việc ở phòng kín, có điều hòa nhiệt độ. Khác với chế biến long nhãn theo quy trình truyền thống, anh Đức tìm hiểu các phương pháp sấy hiện đại thay thế cho phương pháp sấy bằng lò than. Long nhãn bóc xong được đưa vào máy sấy điện, sấy trong khoảng 14 - 16h. Sau khi sấy xong, sản phẩm được để nguội và bảo quản trong phòng lạnh. Hiện nay, công ty sản xuất 2 sản phẩm chủ lực là: Long nhãn sấy và Long nhãn ôm sen. Vị ngọt, dẻo thơm của long nhãn kết hợp với vị bùi, giòn, xốp của hạt sen giúp người dùng cảm nhận đầy đủ hương vị của mảnh đất Phố Hiến.
Anh Trần Minh Đức cho biết: Vụ nhãn năm nay, Công ty dự kiến thu mua 50 - 55 tấn nhãn quả tươi, sản xuất 4,5 - 5 tấn long nhãn sấy và long nhãn ôm sen thành phẩm. Năm 2022, cả 2 sản phẩm này của công ty đã được UBND tỉnh chứng nhận đạt OCOP 4 sao. Sản phẩm được đóng hộp 100g hoặc 250g và bán với giá 100.000 đồng/hộp long nhãn sấy 250g; 150.000 đồng/hộp long nhãn ôm sen, cao hơn gấp 2 - 3 lần so với long nhãn sấy truyền thống. Không chỉ được khách hàng ở trong nước tin dùng và đánh giá cao về chất lượng, các sản phẩm của công ty còn được xuất khẩu đi Trung Quốc, Hàn Quốc.
Còn với cử nhân 9x Trường Đại học Dược Hà Nội, Nguyễn Thị Hội, xã Lạc Đạo (Văn Lâm) rời Hà Nội về quê để khởi nghiệp từ các loại dược liệu trồng tại địa phương. Tháng 12/2018, chị Hội quyết định thành lập Công ty TNHH Econashine và đầu tư xưởng sản xuất để liên kết tiêu thụ, chế biến một số loại trà dược liệu cao cấp như: Trà hoa cúc, trà hoa hồng, trà hoa nhài, trà cỏ ngọt... Nguyên liệu hoa cúc, hoa hồng, cỏ ngọt để sản xuất những sản phẩm trà này được trồng trong tỉnh, sau khi thu hoạch được sơ chế sạch. Đặc biệt, khác với các hộ chế biến dược liệu truyền thống tại địa phương thường sử dụng phương pháp sấy nhiệt (chủ yếu là dùng lò than), chị Hội sử dụng phương pháp sấy lạnh để sấy khô các loại trà dược liệu. Công nghệ này đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, tuy nhiên có nhiều ưu điểm hơn so với phương pháp sấy truyền thống như: Giữ được màu sắc, dinh dưỡng của nguyên liệu; không bụi bẩn, không phụ thuộc thời tiết; không bị nhiễm khói như sấy bằng chất đốt, không gây ô nhiễm môi trường; sản phẩm bảo quản được lâu hơn; thời gian sấy nhanh hơn. Bên cạnh đó, mẫu mã, bao bì được công ty đầu tư kỹ lưỡng. Các sản phẩm trà dược liệu cao cấp của công ty được đóng gói đẹp mắt trong hộp thủy tinh hoặc bao gói và có dán tem, nhãn, mác nên khách hàng tin tưởng. Mỗi năm, chị Hội sản xuất khoảng 2 tấn các loại trà dược liệu cao cấp thành phẩm. Với chất lượng, mẫu mã sản phẩm vượt trội, sản phẩm trà hoa cúc của chị Hội được bán ra thị trường với giá 145.000 – 150.000 đồng/38g (tương đương khoảng 3,8 triệu đồng/kg), cao hơn gấp 4 - 5 lần so với hoa cúc sấy khô truyền thống.
Để tiêu thụ sản phẩm, chị Hội đẩy mạnh quảng bá bằng hình thức bán hàng online và lập website bán hàng trực tuyến. Hình thức bán hàng “hợp thời” này đã giúp sản phẩm của chị nhanh chóng tiếp cận nhiều khách hàng và tiêu thụ sản phẩm thuận lợi.
Với tư duy nhạy bén, năng động, sáng tạo, nhiều người trẻ xứ Nhãn đã có những lối đi riêng, từng bước nâng tầm giá trị nông sản địa phương. Đây là con đường dài nhiều khó khăn, thử thách thế nhưng với nhiệt huyết, sáng tạo và quyết tâm những người trẻ tạo được thành công riêng.
Nguồn: https://baohungyen.vn