Tết Thanh minh là một trong những ngày lễ quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt. Đây là dịp để con cháu bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình và dòng họ.
Theo quan niệm của nhiều nước phương Đông, Tiết Thanh minh sẽ kéo dài trong khoảng 15-16 ngày. Năm 2024, Tiết Thanh minh bắt đầu vào ngày 4/4 dương lịch (tức 26/2 âm lịch), do đó, Tết Thanh minh chính là ngày 4/4 dương lịch.
Thời điểm này, ở nhiều địa phương trong tỉnh, hoạt động tảo mộ diễn ra nhộn nhịp. Mọi người chuẩn bị lễ vật, thu dọn và thắp hương trước phần mộ người thân. Tại nhiều dòng họ, hoạt động tảo mộ tập thể vào dịp Tết Thanh minh được duy trì đều đặn mỗi năm. Dòng họ Dương Năng, ở thôn An Lạc, xã Đức Thắng (Tiên Lữ), vào đúng ngày Tết Thanh minh, đại diện các gia đình tập trung đến nghĩa trang để cùng dâng lễ, thắp hương tưởng nhớ, tri ân ông bà, tổ tiên và dọn khuôn viên phần mộ... Ông Dương Năng Đức, trưởng tộc cho biết: Trước Tết Thanh minh khoảng 1 tuần, các vị cao niên trong dòng họ tổ chức họp bàn thống nhất thời gian tảo mộ, sau đó thông báo đến từng hộ gia đình. Dù bận rộn nhưng mọi người đều bố trí công việc riêng để cùng tham gia, từ đó mối quan hệ giữa các thành viên trong dòng họ thêm gắn kết.
Người dân phường An Tảo (thành phố Hưng Yên) thu dọn phần mộ người thân
và thắp hương dịp Tết Thanh minh
Trước kia, đa số mồ mả chỉ được đắp đất, dựng bia nên hằng năm, con cháu giẫy cỏ và đắp thêm để giữ cho nấm mộ luôn được tôn cao trước sự bào mòn của mưa gió. Ngày nay, mộ cải táng đều được xây bằng các loại vật liệu kiên cố, được trang hoàng đẹp đẽ. Tuy nhiên, người dân vẫn giữ phong tục tảo mộ vào dịp Tết Thanh minh để chốn yên nghỉ của người thân trong gia đình, dòng họ được tinh tươm, ấm cúng.
Dù đang sinh sống, làm việc ở xa, nhưng cứ đến dịp Tết Thanh minh, nhiều người lại trở về quê hương để làm tròn đạo con, cháu. Đối với những người con xa quê, mỗi lần về quê tảo mộ là một lần được về với nơi chôn nhau cắt rốn của mình, được gặp gỡ, thăm hỏi anh em họ hàng, từ đó tình cảm gia đình, dòng họ thêm bền chặt. Ông Phạm Văn Thắng, nguyên quán tại xã Thuần Hưng (Khoái Châu), hiện nay sinh sống tại tỉnh Tuyên Quang cho biết: Năm nào cũng vậy, vào ngày Tết Thanh minh, tôi lại đưa con, cháu về quê thắp hương cho người đã khuất, để nhớ về nguồn cội của mình. Sau khi tảo mộ, các thành viên trong gia đình trở về nhà thờ họ cùng nhau nấu mâm cơm cúng tổ tiên rồi ăn uống sum vầy trong không khí vui vẻ, thân mật. Mỗi lần về quê vào dịp Tết Thanh minh, tôi thấy rất phấn khởi.
Trong ngày Tết Thanh minh, ngoài tục tảo mộ, việc cúng lễ tại gia tiên cũng rất quan trọng. Nhà cửa được dọn sạch sẽ, nhất là bàn thờ gia tiên. Mâm cỗ cúng được dâng lên bàn thờ gia tiên sau khi thanh minh tại mộ. Tùy theo phong tục từng địa phương, mâm cúng chuẩn bị sẽ khác nhau, nhưng thường bảo đảm các món mặn cùng hương, hoa quả, trầu cau... Thực hiện xong lễ tiết các thành viên trong gia đình cùng “thụ lộc”, sẻ chia buồn vui trong cuộc sống, thắt chặt thêm tình thân.
Với ý nghĩa thiêng liêng, Tết Thanh minh là dịp để con cháu tưởng nhớ, hướng về tổ tiên, nguồn cội của mình. Ngày nay, cuộc sống hiện đại, những nghi thức trong Tết Thanh minh đã thay đổi ít nhiều cho phù hợp, tiết kiệm, nhanh gọn. Dẫu vậy, ý nghĩa nhân văn thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn của con cháu với ông bà tổ tiên, những người quá cố trong ngày Tết Thanh minh vẫn luôn là nét đẹp văn hoá được mỗi gia đình gìn giữ, góp phần tạo nên nếp nhà, gia phong, bảo tồn phong tục truyền thống của cha ông trong dòng chảy văn hóa của dân tộc.
Nguồn: https://baohungyen.vn