Lường trước những khó khăn, thách thức, ngay từ đầu nhiệm kỳ, thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, ngành CN tỉnh đã chủ động cụ thể hóa việc thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX bằng nhiều hành động, giải pháp linh hoạt, đồng bộ. Nhờ đó, giai đoạn 2021-2022, tỉnh thu hút được 188 dự án mới với tổng số vốn đầu tư hơn 84,6 nghìn tỷ đồng và 807,5 triệu USD; tiếp nhận 130 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm hơn 4,2 nghìn tỷ đồng và 236 triệu USD. 6 tháng đầu năm 2023, có thêm 42 dự án đầu tư mới vào tỉnh với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 9,4 nghìn tỷ đồng và 233,6 triệu USD; có 64 lượt dự án điều chỉnh, tổng vốn đầu tư tăng thêm 590,7 tỷ đồng và 105,46 triệu USD. Đến nay, toàn tỉnh có 2.165 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 318,3 nghìn tỷ đồng và hơn 6,4 tỷ USD.
Sản xuất tại Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long II)
Trong giai đoạn này, tỉnh còn tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển hạ tầng kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao… nhằm tạo thuận lợi cho việc thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn. Các công trình xã hội phục vụ người lao động tại các KCN, khu vực tập trung nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN đã và đang được đầu tư xây dựng nhằm bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Những vấn đề bức xúc trong quá trình phát triển CN, TTCN như: Tình trạng ô nhiễm môi trường; xử lý các dự án đầu tư chậm triển khai; giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở khu vực chuyển đổi đất nông nghiệp,… được quan tâm xem xét một cách nghiêm túc, chỉ đạo tập trung giải quyết… Tỉnh chú trọng đẩy mạnh triển khai các nội dung hỗ trợ phát triển CN, TTCN; hỗ trợ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và các địa phương xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm truyền thống nhằm nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng đề án, báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung KCN số 06 và KCN Tân Á Đại Thành vào Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam. Cũng trong giai đoạn này, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư 5 KCN trên địa bàn tỉnh, gồm: KCN Sạch (143,08 héc-ta), KCN số 03 (159,71 héc-ta), KCN số 05 (192,64 héc-ta), KCN Thăng Long II mở rộng giai đoạn 3 (180,5 héc-ta) và KCN Yên Mỹ II mở rộng (216 héc-ta). Hiện tại, các chủ đầu tư của các KCN này đang tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định. Dự kiến đến năm 2025, các KCN này sẽ đi vào hoạt động. Đến nay, tỉnh Hưng Yên đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương quy hoạch phát triển 17 KCN với tổng diện tích hơn 4,3 nghìn héc-ta. Trong đó, có 11 KCN được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích hơn 2,8 nghìn héc-ta; tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 14,3 nghìn tỷ đồng và 398 triệu USD. Đến nay, các KCN của tỉnh có 521 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 33 nghìn tỷ đồng và 5,7 tỷ USD. Các dự án trong các KCN tập trung vào các nhóm ngành nghề, lĩnh vực chủ yếu: Cơ khí, luyện kim; sản xuất máy móc, thiết bị; sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy, sản xuất sản phẩm điện, điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học...
Có thể thấy, tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, ngành CN của tỉnh đã từng bước khẳng định vai trò trụ cột nền kinh tế của tỉnh với chỉ số sản xuất CN tăng trưởng đều hằng năm, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng 6,52% vào năm 2021; 12,84% năm 2022, 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 6,46%. Một số ngành, lĩnh vực có bước phát triển mạnh như: Dệt may, cơ khí, điện tử…, nhiều sản phẩm CN của tỉnh tiếp tục khẳng định được vị thế trên thị trường, đã có thêm nhiều sản phẩm tham gia chuỗi sản phẩm toàn cầu...
Với quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết số 07-NQ/TU, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, trong thời gian tới, tỉnh tập trung rà soát tình hình sản xuất CN, TTCN của từng địa phương, cập nhật, bổ sung các chương trình, kế hoạch, đề án, nhiệm vụ về phát triển CN, TTCN và các lĩnh vực có liên quan đến hoạt động sản xuất CN, TTCN trên địa bàn. Tiếp tục thu hút đầu tư các ngành CN ưu tiên. Chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ các KCN, CCN đã được quy hoạch; tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung các KCN, CCN mới, trong đó xác định một số KCN, CCN dành riêng cho một số quốc gia trọng điểm thu hút đầu tư. Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư xây dựng các công trình xã hội đi kèm cho các KCN, CCN tại quỹ đất đã được quy hoạch; đồng thời và công khai quỹ đất để thu hút các dự án dịch vụ cao cấp như các khu phức hợp nhà ở - trung tâm thương mại, giáo dục - đào tạo, y tế, dịch vụ logistics... tại các khu vực tập trung KCN, CCN. Tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Đề án cải cách hành chính tạo môi trường đầu tư thuận lợi, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2021-2025, Đề án Chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư vào tỉnh. Chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các chủ đầu tư đẩy nhanh thực hiện các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh. Quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, nhất là giải phóng mặt bằng...
Nguồn: https://baohungyen.vn