KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 11/01/2024 - Lượt xem: 790
Ngành thép chờ những “tín hiệu” hồi phục trong năm 2024

Theo dự báo, năm 2024, lượng sản xuất và tiêu thụ thép có thể đạt 29 triệu tấn và 21,67 triệu tấn, lần lượt tăng 6,7% và 7,4% so với năm 2023.

Công nhân Nhà máy Luyện Thép Lưu Xá (Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên) trong ca sản xuất. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)
Với diễn biến khả quan về lượng hàng tiêu thụ tăng trở lại trong tháng cuối năm 2023, nhiều dự báo năm 2024, ngành thép có thể hồi phục khi có các tín hiệu tích cực.
Có thể tăng trưởng trong 2024?
Theo nhận định của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thép xây dựng trong tháng 11 và 12/2023 đều tăng so với các tháng trước và đạt mức cao trong 20 tháng qua, tăng trưởng hơn 20-40% tùy mặt hàng.
Bước sang năm 2024, nền kinh tế trong nước có dấu hiệu khởi sắc, cùng các chính sách thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ, các bộ ngành.
Theo dự báo, năm 2024, lượng sản xuất và tiêu thụ thép có thể đạt 29 triệu tấn và 21,67 triệu tấn, lần lượt tăng 6,7% và 7,4% so với năm 2023.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt Securities (VDSC) cũng cho hay sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Tập đoàn Hoà Phát trong năm 2024 dự báo có thể đạt 4,8 triệu tấn, tăng 29% so với năm 2023 và tương ứng hiệu suất hoạt động của các nhà máy ở mức 90%.
Tín hiệu tăng trưởng sẽ đến từ việc thị trường bất động sản có dấu hiệu hồi phục trong quý 4/2023 và các dự án bất động sản sẽ đẩy mạnh mở bán trong năm 2024.
Tín hiệu tăng trưởng sẽ đến từ việc thị trường bất động sản có dấu hiệu hồi phục trong quý 4/2023 và các dự án bất động sản sẽ đẩy mạnh mở bán trong năm 2024. Điều này kéo theo nhu cầu tăng về nguyên vật liệu.
Bên cạnh đó, các dự án đầu tư công trọng điểm sẽ đẩy mạnh quá trình xây dựng trong giai đoạn 2024-2025.
Thời điểm giữa năm 2023, giá thép xây dựng đã có 19 lần giảm liên tiếp, kéo giá thép xuống mức đáy trong khoảng 3 năm trở lại đây, với hơn 13 triệu đồng/tấn.
Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, nguyên nhân giá thép trong nước liên tục giảm là do nhu cầu tiêu thụ chậm, thị trường bất động sản ảm đạm, đầu tư công chưa thực sự khởi sắc.
Ngoài ra, các doanh nghiệp thép trong nước còn phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá thép xuất khẩu.
Vì vậy, nhiều doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh giảm giá liên tục để giảm lượng hàng tồn kho, nhất là giai đoạn mùa mưa - mùa thấp điểm về xây dựng, nên sức tiêu thụ thép càng giảm sút.
Đến quý 4/2023, giá thép và sức mua đã khôi phục trở lại, giúp kinh doanh của nhiêu doanh nghiệp khả quan hơn.
Theo Tập đoàn Hòa Phát, tháng 12/2023, tập đoàn đã sản xuất 648.000 tấn thép thô, tăng 4% so với tháng trước. Tiêu thụ các sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC), thép xây dựng và phôi thép đạt 760.000 tấn, tăng 7%. Trong số đó, thép xây dựng, thép chất lượng cao là 462.000 tấn, tăng 13% so với tháng 11 vừa qua.
Trong tháng cuối năm 2023, thép xây dựng và thép chất lượng cao các loại của Hòa Phát đã ghi nhận mức cao nhất từ đầu năm và 20 tháng trở lại đây.
Thị trường trong nước bao gồm cả khu vực dân dụng và dự án đầu tư công có tín hiệu khả quan hơn sau thời gian dài trầm lắng.
Với Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel), tính riêng trong tháng cuối năm, đơn vị này cũng đã bán trên 324.300 tấn, tăng 53% so với tháng trước và tăng 36% so với cùng kỳ năm 2022…
Chờ "tín hiệu"
Với nhu cầu dự kiến tăng trong giai đoạn tới, Tập đoàn Hòa Phát dự kiến đưa giai đoạn 2 của Khu liên hợp vào hoạt động trong năm 2025, giúp nâng tổng công suất sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) từ mức 3 triệu tấn hiện nay lên 6 triệu tấn; hỗ trợ cho nguồn hàng tiêu thụ trong trung hạn và dài hạn.
Chuyên gia Nguyễn Văn Sưa cho rằng các doanh nghiệp đã hồi phục và sẵn sàng đón đầu, nhưng Chính phủ, các bộ, ngành nên có những chính sách mạnh mẽ hơn đối với thị trường bất động sản, để thị trường thép thực sự bứt phá trong năm 2024.
Các doanh nghiệp ngoài việc đảm bảo sản xuất kinh doanh đồng thời phải tập trung cho sản xuất xanh, công nghệ thép xanh để giảm phát thải carbon, mở rộng thị trường xuất khẩu với cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới của châu Âu vừa thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026.
Chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp đã hồi phục và sẵn sàng đón đầu. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký VSA, nhận định nhu cầu thép kỳ vọng sẽ tăng mạnh trở lại khi đầu ra là thị trường bất động sản hồi phục trong năm 2024. Các dữ liệu mới nhất của Bộ Xây dựng cho thấy, mặc dù giao dịch căn hộ, chung cư, đất nền trong quý 3/2023 mới bằng khoảng 73% so với cùng kỳ nhưng đã tăng 24,7% so với quý 2/2023. Bên cạnh đó, số lượng dự án xây dựng hoàn thành và đang xây dựng đều tăng lại so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện nay Chính phủ đã và sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công năm 2024 để tạo sự tăng trưởng đột phá, góp phần quan trọng kích cầu, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước và có tác động tích cực đến phát triển sản xuất ở một số ngành như: thép, vật liệu xây dựng, cơ khí...
Bộ Công Thương cho biết để hỗ trợ ngành thép hồi phục và phát triển, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, áp dụng phù hợp các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường ngành thép trong nước; cùng đó phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành để tận dụng cơ hội thị trường nội địa từ việc giải ngân vốn đầu tư công đối với các công trình giao thông, xây dựng lớn, từ đó thúc đẩy nguồn cung sản xuất trong nước.
Đặc biệt, trong quý 3/2024, Bộ sẽ đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành xây dựng Chiến lược ngành thép giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở để phát triển ngành nhanh và bền vững./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn
Tin liên quan