Năm 2015, sau một lần ăn thử hạt mắc ca, ông Phạm Văn Tuấn ở thôn Lương Xá, xã Hiệp Cường (Kim Động) bắt đầu tìm hiểu về loại hạt vỏ cứng, dày, khi ăn có vị bùi, ngậy. Nhận thấy trên địa bàn huyện chưa có ai trồng mắc ca, ông dành nhiều thời gian tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên sách, báo về cây mắc ca và quyết định trồng thử nghiệm loại cây này. Ông đặt mua cây giống ở các tỉnh miền Nam nhưng thời gian đó cây giống mắc ca còn ít nên phải đặt mua nhiều lần trong 2 năm mới mua đủ hơn 100 cây giống về trồng tại vườn nhà. Ông Tuấn cho biết: Ban đầu, tôi cũng phân vân vì địa phương chưa có ai trồng, bản thân chưa có hiểu biết gì về cây mắc ca. Sau khi tìm hiểu, tôi thấy cây mắc ca có ưu điểm dễ trồng, dễ chăm sóc, cây ít sâu bệnh, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Cây cho quả có thể khai thác trong thời gian từ 40 đến 60 năm. Bên cạnh đó, diện tích trồng cây ăn quả của gia đình không mang lại hiệu quả kinh tế cao, các hộ dân đều tập trung vào trồng nhãn, bưởi nên gia đình tôi quyết định trồng loại cây trồng mới. Tận dụng lợi thế khi trồng cây mắc ca con, tôi xen canh nhiều loại cây khác mà không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây như: Hồng xiêm, nhãn, bưởi, mít… để lấy ngắn nuôi dài.
Ông Phạm Văn Tuấn, xã Hiệp Cường chế biến sản phẩm hạt mắc ca
Sau 5 năm, cây mắc ca bắt đầu ra quả. Do chưa nắm vững kỹ thuật nên năng suất không cao, tỉ lệ đậu quả thấp. Không chịu đầu hàng trước khó khăn, ông đã tìm hiểu, tự thử nghiệm bón các loại phân, mày mò ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Kết quả cho thấy, muốn cây đạt năng suất, sau khi thu hoạch phải tỉa cành, trong khoảng 10 đến 12 ngày phải tưới nước để đảm bảo độ ẩm cho cây. Phân bón, thuốc trừ sâu 100% sử dụng sản phẩm sinh học. Năm 2022, ông thu được 6 – 7 tạ quả tươi, sau khi sấy được khoảng 3 tạ quả khô. Năm nay, cây cho thu khoảng 2 đến 3 tấn quả tươi, qua chế biến được hơn 1 tấn quả khô. Đối với cây mắc ca, sau mỗi năm, cây lại đậu quả nhiều hơn, chất lượng quả ngon hơn. Sau 8 – 10 năm cây cho thu hoạch ổn định.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, hạt mắc ca rất giàu chất dinh dưỡng cho sức khỏe, người sử dụng thường xuyên hạt mắc ca có thể giảm nguy cơ bị mắc bệnh tim mạch, làm giảm lượng đường trong máu và có tác dụng giảm cân hiệu quả. Hạt mắc ca được chế biến thành nhiều loại thức ăn như chè, làm nhân bánh hoặc sấy khô cho người ăn chay, ăn kiêng... Vì vậy, nhu cầu của thị trường rất cao, sản phẩm mắc ca của gia đình ông Tuấn được thương lái, người dân địa phương đến thu mua tận nhà với giá bình quân 200 nghìn đồng/kg, sản phẩm cung không đủ cầu.
Là người tiên phong trồng cây mắc ca và đã cho hiệu quả khả quan trên địa bàn xã, ông mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị như: Máy chặt vỏ, máy sấy, máy hút chân không, đóng gói sản phẩm để chế biến mắc ca thành sản phẩm sấy khô… Nhờ đó, việc chế biến mắc ca trở nên tiện lợi. Không giống như các cơ sở chế biến hạt mắc ca khác thu hoạch quả mắc ca già hàng loạt để sấy khô, gia đình ông Tuấn chỉ thu hoạch khi quả già tự rụng xuống vườn, sau đó mới đưa vào máy sấy trong thời gian 72 giờ. Vì vậy, hạt mắc ca của gia đình ông khi ăn có vị ngậy, thơm ngon hơn các loại hạt mắc ca trên thị trường.
Không chỉ trồng, chế biến và bán sản phẩm hạt mắc ca khô, ông Tuấn còn thử nghiệm ươm hạt, nhân giống cây để bán cho một số hộ dân về trồng.
Đồng chí Hồ Ngọc Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Cường cho biết: Mô hình trồng cây mắc ca của gia đình ông Tuấn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình của gia đình ông Tuấn, xã đã có thêm 3 hộ trồng xen cây mắc ca với diện tích hơn 3,3 mẫu.
Với những kết quả ban đầu của gia đình ông Tuấn, hy vọng về loại cây có giá trị kinh tế cao này là khá rõ ràng, gợi mở thêm một hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế dần diện tích cây trồng có giá trị kinh tế thấp để chuyển sang loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, tạo hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp của địa phương.
Nguồn: https://baohungyen.vn