KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2025)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 18/12/2023 - Lượt xem: 731
Nguy cơ gia tăng lây nhiễm HIV/AIDS từ nhóm MSM

Đánh giá những năm gần đây của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, dịch HIV/AIDS có xu hướng giảm nhưng hình thái lây nhiễm HIV có sự thay đổi, xuất hiện các nhóm quần thể có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV mới. Trong đó, nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay.

Trong nhóm này, nguy cơ lây nhiễm HIV chủ yếu ở người trẻ tuổi có hành vi không an toàn như: Ít sử dụng bao cao su, sử dụng ma túy, quan hệ tình dục với nhiều người… Vấn đề trên cần sớm được nhìn nhận đúng và ưu tiên biện pháp can thiệp đối với các đối tượng.
Diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
Thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hưng Yên cho thấy, so với 10 năm trước, số ca nhiễm HIV/AIDS mới và số tử vong do AIDS đã giảm 2/3. Đó là kết quả tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, những năm gần đây, lây nhiễm qua đường tình dục có chiều hướng gia tăng. Chỉ tính riêng 10 tháng năm 2023, số người nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) là 14 trong 67 ca mắc mới (chiếm 20,89%). Đối tượng nhiễm HIV hầu hết ở người trẻ tuổi, nhóm tuổi 15-39, chiếm 78,83%, nhóm tuổi 15-24 chiếm 26,67%. Ước tính đối tượng MSM theo phần mềm Blue, tỉnh Hưng Yên có khoảng 650 trường hợp. Số người MSM nhiễm HIV đang được quản lý là 20. Bác sĩ Ngô Ngọc Khoa, Phó Trưởng khoa phụ trách khoa khám bệnh (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hưng Yên) cho biết, có trường hợp MSM mắc HIV/AIDS khi còn là học sinh phổ thông. Điều đáng nói là phần lớn người trong nhóm MSM ngại chia sẻ nên gia đình không biết để có biện pháp can thiệp phù hợp.
Nhằm hướng tới đối tượng là đoàn viên, thanh niên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hưng Yên, mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống AIDS năm 2023 tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên. Đây là cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh có đông sinh viên. Phát biểu hưởng ứng tại buổi mít tinh, chị Đỗ Thị Thủy, Bí thư Đoàn trường Đại học sư phạm kỹ thuật Hưng Yên cho biết, Đoàn trường chú trọng hoạt động truyền thông, giáo dục cho sinh viên về phòng, chống tệ nạn xã hội, tăng cường cung cấp thông tin về HIV/AIDS, giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn, tình dục đồng tính nam, tác hại của ma túy, cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV ở giới trẻ. Hoạt động truyền thông thường xuyên nhấn mạnh sinh viên không sử dụng chất kích thích như ma túy, rượu, bia, có lối sống lành mạnh. Sinh viên không chỉ lĩnh hội kiến thức ở trên lớp mà bản thân trở thành tuyên truyền viên để giúp cho cộng đồng xã hội hiểu cách phòng, tránh tác hại của ma túy, HIV/AIDS…
Để ứng phó với tình hình trên, Cục phòng, chống HIV/AIDS đã triển khai các mô hình can thiệp nhằm giảm tình trạng lây nhiễm HIV trong nhóm MSM trong cả nước. Tại Việt Nam, hiện tại chưa có hướng dẫn can thiệp giảm tác hại toàn diện cho MSM. Tuy nhiên, tại một số tỉnh, thành phố đã triển khai các gói dịch vụ can thiệp cho nhóm MSM bao gồm các hoạt động về truyền thông thay đổi hành vi, cấp phát vật dụng can thiệp như bao cao su, chất bôi trơn, khám điều trị các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STIs), tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện. Hoạt động dự phòng HIV và STIs cho nhóm MSM tại Việt Nam được thực hiện chủ yếu thông qua các chương trình, dự án phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức phi chính phủ quốc tế tài trợ.
Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã xác định nhóm MSM nói chung và nhóm người bán dâm đồng giới nói riêng là những đối tượng cần được ưu tiên trong can thiệp dự phòng HIV/STIs. Trên thế giới, đã có rất nhiều mô hình can thiệp được triển khai nhằm tăng cường dự phòng lây nhiễm HIV/STIs cho nhóm đối tượng này, như mô hình giáo dục đồng đẳng, mô hình phổ biến quan điểm thông qua thủ lĩnh, mô hình tiếp thị xã hội... Những người thuộc nhóm MSM cần sớm được tiếp cận, thấu hiểu, chia sẻ, tránh phân biệt, kỳ thị và có biện pháp can thiệp phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Một trong những biện pháp trước mắt là đoàn thanh niên cần nâng cao nhận thức cho thanh niên về sự nguy hiểm của đại dịch HIV/AIDS. Mỗi tổ chức đoàn phải có các sáng kiến, các mô hình phòng, chống HIV/AIDS phù hợp, hiệu quả, thân thiện với thanh niên. Trong đó, chú ý nhóm thanh niên trẻ tuổi trong khu vực trường học, khu công nghiệp. Tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV nói chung và người thuộc nhóm MSM nói riêng.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan