Mặc dù còn hơn 2 tháng nữa mới đến thời điểm thu hoạch nhãn chính vụ, nhưng hiện nay, một số vườn nhãn trong tỉnh đã bắt đầu cho thu hoạch nhãn chín sớm. Xen lẫn trong nỗi vất vả, bận rộn là niềm vui của người trồng nhãn, bởi không những giá thành cao gấp 3-4 lần thời điểm chính vụ mà thương lái còn đến tận vườn để thu mua sản phẩm. Đây là thành quả của người nông dân khi ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, điều khiển nhãn ra hoa, đậu quả trước thời vụ, góp phần nâng cao hiệu quả canh tác, giảm áp lực thị trường tiêu thụ.
Trồng nhãn sớm cho hiệu quả kinh tế cao ở xã Hưng Đạo (Tiên Lữ)
Năm nay là năm thứ 3, gia đình anh Dương Văn Dũng ở thôn Dưỡng Phú, xã Chính Nghĩa (Kim Động) áp dụng khoa học kỹ thuật điều khiển thành công 50 cây nhãn chín sớm. Từ giữa tháng 4 dương lịch, anh Dũng đã có nhãn chín để xuất bán. Dự kiến, sản lượng nhãn sớm của gia đình anh đạt hơn 1 tấn quả. So với nhãn chính vụ, để cây nhãn ra hoa, đậu quả sớm cần phải thực hiện kỹ thuật chăm sóc nghiêm ngặt, tốn nhiều công và phải đúng thời điểm. Từ đầu vụ đến nay, gia đình anh đã bán được 5 tạ nhãn chín sớm, với mức giá dao động từ 50 nghìn đến 60 nghìn đồng/kg. Theo anh Dũng, “Để có nhãn ra hoa, đậu quả sớm và cho chất lượng quả ngon, bên cạnh yếu tố thời tiết thì đòi hỏi người trồng phải có kỹ thuật thâm canh cao, hiểu đặc tính từng giống, sức khỏe của từng cây, kiên trì chịu khó áp dụng các tiến bộ khoa học, thay đổi trong quy trình chăm sóc, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, khi cần thì dùng liều lượng thấp và dùng thuốc trong danh mục cho phép.
Với hiệu quả kinh tế vượt trội, cùng với thuận lợi trong tiêu thụ, giống nhãn chín sớm đã được nhiều hộ dân, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đưa vào sản xuất và cho hiệu quả kinh tế cao. Toàn tỉnh có gần 5 nghìn héc - ta nhãn các loại, trong đó diện tích nhãn chín sớm chiếm khoảng 7%, tập trung ở các huyện: Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên. Giống nhãn các nhà vườn áp dụng kỹ thuật điều chỉnh ra hoa, đậu quả rải vụ chủ yếu là nhãn Hương Chi và T6. Thời điểm này, HTX cây ăn quả xã Nhật Tân (Tiên Lữ) thu hoạch được 5 tấn nhãn chín sớm, với giá bán tại vườn 40 - 50 nghìn đồng/kg. Một số nhà vườn thành viên của HTX có nhiều diện tích nhãn chín sớm cho thu hoạch như: Nhà vườn Phạm Như Mạnh, nhà vườn Nguyễn Vũ Hiếu...
Để khẳng định giá trị, chất lượng quả nhãn Hưng Yên trên thị trường, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền người dân thực hiện đúng quy trình sản xuất, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục. Nhờ vậy, nhiều nông dân đã áp dụng nhuần nhuyễn kỹ thuật cho cây ra hoa, đậu quả theo ý muốn, góp phần tăng giá trị, hiệu quả kinh tế. Để chủ động về đầu ra cho quả nhãn, Sở Công Thương xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại để đẩy mạnh quảng bá, kết nối tiêu thụ nhãn lồng với các doanh nghiệp, siêu thị lớn ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Quảng Ninh... Đáng chú ý nhất là chuỗi các sự kiện sẽ được tổ chức như: Hội nghị xúc tiến tiêu thụ nhãn lồng và nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2023; Lễ hội nhãn lồng Hưng Yên, Tuần lễ nhãn lồng – nông sản tiêu biểu tỉnh Hưng Yên năm 2023 tại Hà Nội, Quảng Ninh...
Việc chủ động thị trường, thường xuyên kết nối doanh nghiệp, xúc tiến thương mại cùng với kiểm soát vùng trồng để nâng cao chất lượng đã giúp nhãn lồng Hưng Yên tạo uy tín trên thị trường và có sức hút với nhiều doanh nghiệp. Đồng chí Trần Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Việc kết nối không chỉ dừng ở các sự kiện tập trung mà còn diễn ra thường xuyên trong năm. Trong năm 2022, sở đã mời nhiều doanh nghiệp về thăm các vùng nhãn để khảo sát, đánh giá việc tiêu thụ nhãn ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Chính vì vậy, vụ nhãn sớm trên địa bàn tỉnh năm nay dễ tiêu thụ, giá bán cao, nhiều doanh nghiệp về khảo sát và ký hợp đồng tiêu thụ cho các nhà vườn. Các nhà vườn cần tích cực chăm sóc, bảo đảm thời gian cách ly trước khi thu hoạch và chỉ thu hoạch khi nhãn bảo đảm chất lượng quả.
Nguồn: https://baohungyen.vn