Áp dụng khoa học – kỹ thuật, điều chỉnh chế độ chăm sóc để nhãn ra hoa, đậu quả rải vụ là một trong những giải pháp giúp nhiều hộ dân trồng nhãn trong tỉnh nâng cao hiệu quả canh tác, giảm áp lực thị trường tiêu thụ. Thời điểm này, diện tích nhãn trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn ra hoa, đậu quả non, khoảng 4 tháng nữa mới tới thời điểm thu hoạch nhãn chính vụ nhưng một số nhà vườn đã thu hoạch nhãn chín sớm, giá bán cao.
Nhãn chín sớm tại HTX sản xuất nhãn lồng Nễ Châu, xã Hồng Nam (thành phố Hưngn Yên)
Do làm chủ kỹ thuật để nhãn ra hoa, đậu quả sớm nên từ giữa tháng 3 dương lịch, gia đình ông Trịnh Ngọc Tiệp ở thôn Ngọc Đồng, xã Ngọc Thanh (Kim Động) đã có nhãn thu hoạch, thương lái tấp nập tới vườn tham quan, đặt mua. Ông Tiệp chia sẻ: Với gần 5 mẫu trồng nhãn, tôi điều chỉnh nhãn ra hoa, đậu quả thành 3 vụ gồm: Trà sớm, trà trung, trà muộn bằng cách tính toán thời điểm khoanh cây, khoanh cành để thay đổi thời gian ra hoa. Cùng với đó, tôi phải điều chỉnh chế độ chăm sóc nhãn để phù hợp với tình hình thời tiết nên nhãn rải vụ có mã đẹp, chất lượng quả thơm, ngọt. Hiện tại, nhãn chín sớm được xuất bán làm quà biếu, với giá bán tại vườn là 35 - 40 nghìn đồng/kg, bán lẻ 55 – 60 nghìn đồng/kg, cung không đủ cầu.
Hiện nay, thành phố Hưng Yên có trên 1 nghìn héc – ta trồng nhãn, trong đó, diện tích nhãn chín sớm chiếm khoảng 10%, tập trung ở các xã: Hồng Nam, Quảng Châu, Tân Hưng. Giống nhãn các nhà vườn áp dụng kỹ thuật điều chỉnh ra hoa, đậu quả rải vụ chủ yếu là nhãn Hương Chi, do đây là giống nhãn được đánh giá “thuần tính”, dễ chăm sóc.
Hợp tác xã (HTX) sản xuất nhãn lồng Nễ Châu, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) có 30 héc - ta sản xuất nhãn, diện tích nhãn chín sớm khoảng 1 héc – ta. Năm nay, sản lượng nhãn chín sớm của HTX ước đạt 200 tấn quả. Ông Bùi Xuân Sử, Phó Giám đốc HTX sản xuất nhãn lồng Nễ Châu cho biết: Hiện nay, HTX liên kết với một số nhà vườn ở huyện Kim Động và huyện Phù Cừ tiêu thụ nhãn chín sớm với giá bán 40 – 60 nghìn đồng/kg, tùy thời điểm. Mặc dù nhãn chín sớm cho hiệu quả kinh tế cao nhưng việc mở rộng diện tích gặp nhiều khó khăn do việc canh tác nhãn phụ thuộc nhiều vào thời tiết; người dân chủ yếu áp dụng các biện pháp chăm sóc để điều chỉnh một số giống nhãn truyền thống ra hoa, đậu quả rải vụ, chưa có giống nhãn chín sớm chống chịu sâu bệnh, thích ứng với thời tiết nên sản lượng nhãn chín sớm của HTX không bảo đảm qua các năm.
Vụ nhãn năm nay, toàn tỉnh có gần 5 nghìn héc - ta nhãn các loại; trong đó diện tích nhãn chín sớm chiếm khoảng 7%, tập trung ở các huyện: Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên. Theo đánh giá của các nhà vườn, thời điểm nhãn ra hoa gặp thời tiết bất lợi khi mưa phùn kéo dài nhiều ngày, độ ẩm không khí cao nên tỷ lệ đậu quả đạt thấp. Thời điểm này, các hộ dân sản xuất nhãn đang tích cực theo dõi diễn biến của thời tiết và các đối tượng sâu, bệnh gây hại trên cây nhãn như: Bệnh thán thư, sương mai, rệp sáp, bọ trĩ để chủ động sử dụng thuốc đặc trị phòng trừ. Để khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị sản xuất nhãn, ngành chuyên môn khuyến cáo người dân cần tích cực ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào canh tác nhãn, mở rộng diện tích nhãn VietGAP; liên kết thành lập các HTX, tổ hợp tác nhãn để bảo đảm diện tích, thống nhất quy trình sản xuất nhằm hình thành vùng sản xuất nhãn an toàn, mở rộng thị trường tiêu thụ hướng đến xuất khẩu. Hiện nay, nhãn chín sớm trên địa bàn tỉnh dễ tiêu thụ, giá bán cao, các nhà vườn cần tích cực chăm sóc, bảo đảm thời gian cách ly trước khi thu hoạch và chỉ thu hoạch khi nhãn bảo đảm chất lượng quả.
Nguồn: https://baohungyen.vn