Dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn luôn diễn biến khó lường, phức tạp, các đại dịch có xu hướng tăng tần suất xuất hiện, nhiều biến chủng, biến thể mới liên tục biến đổi theo thời gian.
Tại Việt Nam nói chung, tỉnh Hưng Yên nói riêng, năm 2023, nhiều bệnh truyền nhiễm tăng cao, nguy cơ đe dọa tới sức khỏe cộng đồng ngày càng lớn.
Thực hành rửa tay với xà phòng phòng, chống bệnh truyền nhiễm
Trong tháng 11/2023, bà Nguyễn Thị Mơ ở xã Thiện Phiến (Tiên Lữ) bị sốt cao liên tục 4 ngày. Sau khi thăm khám ở cơ sở y tế tư nhân, bà được kê đơn thuốc kháng sinh, hạ sốt và tiêm một mũi (người bệnh và người nhà không biết được tiêm gì). Nhưng bà vẫn mệt mỏi, mê man, chảy máu mũi và được đưa lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tại đây, bà tiếp tục sốt 5 ngày liên tục, được chẩn đoán sốt xuất huyết, tụt tiểu cầu nặng. Sau 10 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bà ổn định. Tại nhiều địa phương trong tỉnh, trong số những người mắc sốt xuất huyết trong thời gian vừa qua có cả người sinh sống tại địa phương, cả người trở về từ nơi khác. Có gia đình cả vợ và chồng đều mắc. Trong khi đó, nhiều người chưa nhận biết được tính chất nguy hiểm của bệnh nên còn chủ quan dẫn đến nguy cơ lây lan bệnh cho cộng đồng càng cao.
Những tháng cuối năm 2023, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hưng Yên tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết, nhiều ca bệnh nặng được bệnh viện chuyển sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh do bệnh viện không có hóa chất để xét nghiệm máu hằng ngày. Có trường hợp là sinh viên học tại Hà Nội, sau khi bệnh chuyển nặng nên được đưa về quê trong tình trạng tụt tiểu cầu, chảy máu âm đạo.
Theo các bác sĩ, sốt xuất huyết năm nay diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng cao. Các bệnh truyền nhiễm khác cũng tăng cao so với năm 2022. Ghi nhận qua hệ thống giám sát dịch bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, toàn tỉnh ghi nhận 1080 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 3,3 lần so với năm 2022, số ca mắc bệnh tay chân miệng là 320 ca (năm 2022 ghi nhận 132 ca); bệnh thủy đậu ghi nhận 351 ca (năm 2022 là 274 ca). Ngoài ra, có 42.117 ca mắc cúm, 1.793 ca mắc Covid-19… Bệnh đau mắt đỏ được xem là chưa bao giờ nhiều như vậy, với hàng nghìn ca mắc. Trong khi đó, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi, các bệnh truyền từ động vật sang người có xu hướng gia tăng và xâm nhập vào Việt Nam. Năm 2023, Việt Nam ghi nhận 75 ca bệnh đậu mùa khỉ ở người, 1 ca tử vong; bệnh bạch hầu có xu hướng quay trở lại tại một số địa phương...
Một điều đáng quan tâm nữa là trong 2 năm trở lại đây, tỉ lệ tiêm chủng mở rộng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi rất thấp, năm 2022 là trên 71%, năm 2023, tỉ lệ tiêm chủng mở rộng đầy đủ đạt 77,23%. Tỉ lệ tiêm vắc xin sởi – rubella cho trẻ 18 tháng tuổi đạt 86,94%; tỉ lệ tiêm DPT4 (vắc xin bạch hầu - ho gà- uốn ván) cho trẻ 18 tháng tuổi đạt 54,34%; kết quả uống vắc xin OPV3 đạt 76,58%. Nguyên nhân được đánh giá là do thiếu vắc xin.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng phát triển, các đại dịch có xu hướng tăng tần suất xuất hiện với nhiều biến thể mới liên tục biến đổi. Nguy cơ lây lan của nhiều dịch bệnh vào nước ta là hoàn toàn có thể. Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều cùng với nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao nên nguy cơ đối mặt với sự lây lan của nhiều loại dịch bệnh khác nhau là rất lớn. Vì vậy, tại buổi mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh (27/12/2023) với thông điệp "Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh”, Bộ Y tế kêu gọi toàn dân và cộng đồng nâng cao ý thức phòng bệnh, tăng cường sức khỏe; thường xuyên, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch. Đồng thời đề nghị các ngành, các địa phương phối hợp, chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp và huy động toàn xã hội, các tổ chức, đoàn thể tham gia phòng, chống dịch để chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa, hạn chế dịch bệnh bùng phát và luôn chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với đại dịch, các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai.
Tại hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2023, đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, dịch bệnh truyền nhiễm là một thách thức lớn trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, trong đó vấn đề thiếu vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tỉ lệ tiêm thấp đe dọa đến sức khỏe của cộng đồng trong những năm tới với sự bùng phát, lây lan bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, các biện pháp phòng, chống bệnh cần tiếp tục được đẩy mạnh: Truyền thông phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt đối với các dịch bệnh đang nổi lên… Cơ sở y tế thường trực phòng, chống dịch và duy trì đội cơ động phản ứng nhanh, bảo đảm đầy đủ nhân lực, vật lực khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh. Duy trì các hoạt động giám sát, điều tra và xử lý ổ dịch (nếu có) đối với một số bệnh truyền nhiễm. Tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin giữa khối dự phòng và khối điều trị để kịp thời phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở y tế và thực hiện tốt việc quản lý, điều trị cho bệnh nhân, xác minh ổ dịch tại cộng đồng....
Nguồn: https://baohungyen.vn