Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã bám sát quan điểm chỉ đạo của Ðảng, nhất là Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị yêu cầu "Phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em".
Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. (Ảnh ÐĂNG ANH)
Sắp tới, sau khi nghe các ý kiến thảo luận kỹ lưỡng của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Thường trực Ủy ban Tư pháp phối hợp Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục hoàn chỉnh một bước nữa. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chính thức có văn bản tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8.
Tính hiệu quả của báo cáo điều tra xã hội
Hồ sơ dự án Luật đã quán triệt nghiêm túc Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bám sát 6 nhóm chính sách lớn đã được Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội thông qua, thể hiện rõ tính nhân văn và phù hợp thông lệ quốc tế.
Ðây là dự án luật mới, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc đối với người chưa thành niên phạm tội, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tham gia đóng góp ý kiến vào 10 vấn đề lớn trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
Quan tâm đến nhiệm vụ của người làm công tác xã hội (quy định tại Ðiều 32 của dự thảo), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Ðoàn Hải Dương) cho biết, tại khoản 2 Ðiều 32 dự thảo luật quy định về nhiệm vụ của người làm công tác xã hội, trong đó quy định nhiệm vụ "Xây dựng báo cáo điều tra xã hội và kế hoạch xử lý chuyển hướng". Về nội dung của Báo cáo điều tra xã hội (tại Ðiều 54) và kế hoạch xử lý chuyển hướng (tại Ðiều 58), nữ đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc giao hoàn toàn cho người làm công tác xã hội xây dựng sẽ rất khó khăn.
Một số nội dung như "các yếu tố có thể là nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của người chưa thành niên", "địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới", "đề xuất biện pháp xử lý chuyển hướng" (tại Báo cáo điều tra xã hội); "biện pháp xử lý chuyển hướng đề xuất áp dụng", "đề xuất xử lý trong trường hợp người chưa thành niên vi phạm nghĩa vụ" (tại Kế hoạch xử lý chuyển hướng) có liên quan đến chuyên môn về tội phạm học và các kiến thức tư pháp, đòi hỏi người có chuyên môn về lĩnh vực này.
Ðể bảo đảm chất lượng, tính hiệu quả của báo cáo điều tra xã hội và kế hoạch xử lý chuyển hướng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, nên quy định rõ chủ thể thực hiện là công an xã, phường, thị trấn nơi người chưa thành niên phạm tội đang cư trú. Ðiều này cũng tạo thuận lợi cho người làm công tác xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ. Người làm công tác xã hội trong nhiệm vụ này chủ yếu ở vai trò phân tích, tư vấn diễn biến tâm sinh lý, triển khai dữ liệu báo cáo điều tra xã hội và kế hoạch xử lý chuyển hướng...
Một số đại biểu bày tỏ đồng tình với đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga về xây dựng báo cáo điều tra xã hội. Bên cạnh đó, đại biểu Dương Khắc Mai (Ðoàn Ðắk Nông) cho rằng, quy định trong dự thảo luật quy định thời hạn hoàn thành báo cáo điều tra xã hội và gửi cho cơ quan có yêu cầu là bảy ngày, đề nghị nên cân nhắc thời gian cho phù hợp trong các trường hợp người vi phạm chuyển nhiều nơi cư trú khác nhau; đánh giá các yếu tố là nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội đối với tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng...
Mặc dù tại khoản 4 Ðiều 54 có quy định về xây dựng Báo cáo điều tra xã hội bổ sung trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, theo ý kiến đại biểu Dương Khắc Mai, cần quy định trường hợp ngoại lệ để có gia hạn về thời gian hoàn thành. Mặt khác, để có cơ sở vững chắc hơn hoàn thành nội dung báo cáo xã hội, cơ quan điều tra khi gửi yêu cầu cần kèm báo cáo lý lịch tư pháp (tiền án, tiền sự) vì đây là một trong những điều kiện tiền đề để miễn hình phạt, là cơ sở để đánh giá mức độ hành vi phạm tội của người chưa thành niên.
Chưa cần phân trại riêng?
Ðề cập về điều kiện cơ sở vật chất của trại giam riêng hoặc phân trại dành riêng cho người chưa thành niên trong trại giam quy định tại Ðiều 155, đại biểu Phạm Văn Hòa (Ðoàn Ðồng Tháp) cho rằng, qua nghiên cứu Báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo luật, không nhất thiết phải xây dựng, thành lập trại giam riêng.
Theo lập luận của đại biểu, dự thảo luật thống nhất xử lý chuyển hướng, nghĩa là những người chưa thành niên phạm tội sẽ áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng chứ không ở trong trại giam, người chưa thành niên phạm tội có thể ở trường giáo dưỡng. "Số lượng người chưa thành niên phạm tội không nhiều, nếu xây dựng trại giam riêng thì rất tốn kém", đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, đối với người chưa thành niên phạm tội cần được giam giữ tách biệt với những người trưởng thành, do đó cần có phân trại dành riêng cho người chưa thành niên thì phù hợp hơn với điều kiện hiện nay.
Trong khi đó, đại biểu Trần Ðình Gia (Ðoàn Hà Tĩnh) nhận thấy, trước mắt, cần quan tâm đặc biệt đến phân trại dành riêng cho người chưa thành niên trong trại giam, như vậy sẽ phù hợp thực tiễn. Trong tương lai khi có điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực thì xây dựng trại giam riêng cho người chưa thành niên.
Tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Ngay sau Kỳ họp thứ 7, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, liên tục với cơ quan chủ trì soạn thảo là Tòa án nhân dân tối cao, các bộ, ngành có liên quan; tổ chức hai cuộc tọa đàm lấy ý kiến các cơ quan tư pháp tại Ðà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh (là hai địa phương có số lượng án lớn về người chưa thành niên) để hoàn chỉnh dự thảo luật.
Các thông tin bí mật cá nhân của người chưa thành niên là người bị hại, người làm chứng không chỉ cần được bảo đảm giữ bí mật trong quá trình giải quyết vụ việc, vụ án mà còn cần được bảo đảm giữ bí mật cả sau khi giải quyết vụ việc, vụ án.
Ðại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Ðoàn Hải Dương)
Qua khảo sát ở ba trường giáo dưỡng cho thấy, nhiều cháu hoàn cảnh rất đáng thương, như trường ở Ðồng Nai có 64% cháu có hoàn cảnh bố mẹ ly hôn, ly thân hay bố mẹ đang chấp hành án... Tỷ lệ này ở Ðà Nẵng là 53% và Ninh Bình là 24%. Dù lầm lỡ nhưng ở lứa tuổi các cháu vẫn cần được Nhà nước quan tâm, có chính sách đặc biệt...
Ðại biểu Nguyễn Thị Thủy (Ðoàn Bắc Kạn)
Nguồn: https://nhandan.vn