Chuyên gia cho biết các chính phủ đang sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho những dự án gió ngoài khơi vì "điều này rất quan trọng đối với nền kinh tế, an ninh năng lượng, mục tiêu khử cacbon và việc làm.”
Trang trại gió ngoài khơi bờ biển Redcar (Anh). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo Reuters, các chính phủ đang sẵn sàng chi trả [nhiều hơn] để khôi phục hoạt động phát triển những trang trại gió ngoài khơi, trong bối cảnh chi phí tăng cao đang gây rủi ro cho nhiều dự án - vốn cần thiết để giúp các quốc gia cắt giảm khí thải và đạt các mục tiêu về khí hậu.
Nhiều quốc gia đang dựa vào việc nhanh chóng xây dựng các trang trại gió ngoài khơi quy mô lớn, với chi phí ban đầu cao nhưng về lâu dài có thể cung cấp năng lượng rẻ hơn so với các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, mục tiêu về công suất điện gió của một số quốc gia bắt đầu có vẻ phi thực tế trong năm nay sau khi các nhà phát triển [điện gió] hủy bỏ các dự án ở Mỹ và Anh vì chi phí tăng vọt khiến họ không thu về lợi nhuận.
Các nhà đầu tư nói với Reuters rằng các chính phủ đã thể hiện sẵn sàng trả giá cao hơn [cho các dự án], giúp khôi phục niềm tin vào tương lai của ngành công nghiệp này.
“Các chính phủ đang bắt đầu chấp nhận rằng để duy trì các chương trình gió ngoài khơi của họ đi đúng hướng thì đáng để trả thêm một chút, vì điều này rất quan trọng đối với nền kinh tế, an ninh năng lượng, mục tiêu khử cacbon và việc làm” - Jonathan Cole, Giám đốc Điều hành (CEO) của nhà phát triển dự án Corio Generation, cho biết.
Corio cùng với TotalEnergies và Rise Light & Power vào tháng 10 đã thành công trong cuộc đấu giá do Bang New York (Mỹ) tổ chức cho dự án gió ngoài khơi Attentive Energy One 1,4 gigawatt (GW), một phần của gói thầu năng lượng tái tạo 6,4GW, đủ để cấp điện cho khoảng 2,6 triệu hộ gia đình.
Dữ liệu từ Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Năng lượng Bang New York cho biết giá thực hiện trung bình trong các hợp đồng đấu giá được công bố vào tháng 10 cao hơn khoảng 28% so với các cuộc đấu giá trước đó vào các năm 2018 và 2020.
Giá thực hiện tháng 10 cũng tương đương với mức giá thực hiện trung bình danh nghĩa là 145,07 USD mỗi megawatt giờ.
CEO Cole của Corio cho biết mức giá cao hơn là dựa trên thực tế thị trường hiện nay.
Tại Anh, thị trường gió ngoài khơi lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, các nhà phát triển điện gió có thể đấu thầu để được chính phủ hỗ trợ về giá cho lượng điện sản xuất, được gọi là Hợp đồng Chênh lệch (CfD).
Nếu giá bán buôn thấp hơn giá thực hiện đã thỏa thuận trong CfD, chính phủ sẽ bù đắp khoản chênh lệch, mang lại sự chắc chắn về doanh thu dài hạn cho các nhà phát triển dự án. Nếu giá cao hơn, chủ đầu tư sẽ trả lại khoản chênh lệch cho Chính phủ Anh.
Cuộc đấu thầu mới nhất của Anh hồi tháng Chín đã không thu hút được bất kỳ dự án gió ngoài khơi nào, khi các nhà phát triển cho rằng mức giá đảm bảo đưa ra quá thấp. Chính phủ sau đó cho biết họ sẽ đưa ra các hợp đồng với mức giá cao hơn 66% trong phiên đấu giá tiếp theo - dự kiến được tổ chức vào năm 2024.
Keith Anderson, Giám đốc Điều hành của Scottish Power thuộc sở hữu của Iberdrola, cho biết mức tăng này cho thấy Chính phủ Anh đã “lắng nghe những lo ngại của ngành” và động thái như vậy có thể giúp ngăn chặn tình trạng bút toán giảm mà một số công ty đã phải thực hiện đối với các dự án của Mỹ.
Ở Anh, trước khi các công ty có thể đấu thầu trong các cuộc đấu giá CfD, họ phải đáp ứng các tiêu chí nhất định. Các công ty có thể đã phải bỏ 500 triệu bảng Anh (631,15 triệu USD) vào các dự án trước khi bước vào giai đoạn đấu giá - ông Anderson cho biết.
Nếu không có đủ động lực, “có nguy cơ các công ty phải hủy bỏ dự án, có nguy cơ hợp đồng chuỗi cung ứng bị hủy bỏ, sau đó chuỗi cung ứng mất niềm tin và bạn có nguy cơ chứng kiến các nhà đầu tư mất niềm tin” - ông Anderson nói.
Các gói thầu gió ngoài khơi với tổng công suất hơn 50GW đã được lên kế hoạch trên toàn cầu cho năm 2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các nhà phân tích tại Aurora Energy Research cho biết giá hợp đồng của Anh cao hơn đồng nghĩa đối với một dự án chung, các nhà phát triển có thể tạo ra lợi nhuận lên tới 13,9% so với mức lợi nhuận chỉ 4% có thể đạt được theo các điều khoản được đưa ra trong cuộc đấu giá thất bại.
“Điều quan trọng… việc xây dựng các dự án với mức giá như vậy đang trở nên kinh tế hơn” - Trưởng phòng Nghiên cứu Vương quốc Anh và Ireland tại Aurora, Marc Hedin, cho hay.
Ông Hedin cho biết ngay cả khi giá thực hiện ở Anh cao hơn, chi phí điện gió ngoài khơi nhìn chung vẫn rẻ hơn so với các nhà máy khí đốt mới.
Chi phí trả trước cao
Các dự án gió ngoài khơi có chi phí trả trước cao. Dự án Hornsea 3 công suất 3GW của Orsted, được lên kế hoạch phát triển ngoài khơi nước Anh, dự kiến tiêu tốn khoảng 8 tỷ bảng Anh (10 tỷ USD).
Tuy nhiên, một khi các dự án được xây dựng, chúng không tốn chi phí nhiên liệu và về lâu dài sẽ cung cấp giải pháp thay thế rẻ hơn cho nhiên liệu hóa thạch.
“Về lâu dài, chúng tôi thấy các quốc gia có nhiều [năng lượng] gió và Mặt Trời hơn sẽ có giá bán buôn điện rẻ hơn so với những quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch” - nhà phân tích Nathalie Gerl của LSEG cho biết.
Bất chấp sự không chắc chắn do những trở ngại gần đây, “khẩu vị” của các nhà đầu tư đối với gió ngoài khơi vẫn rất mạnh mẽ.
Octopus của Anh đã thành lập một quỹ cố định với Tokyo Gas của Nhật Bản để đầu tư 3 tỷ bảng Anh (3,7 tỷ USD) vào các dự án gió ngoài khơi vào năm 2030.
RWE của Đức cho biết họ sẽ nâng công suất gió ngoài khơi từ 3,3GW hiện nay lên 10GW vào cuối thập kỷ này. Công ty tuần trước đã công bố kế hoạch phát triển một trang trại gió ngoài khơi mới có công suất 3GW của Anh với nhà phát triển năng lượng sạch Masdar của Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Dường như các chính phủ cũng nhận ra rằng việc gắn bó với công nghệ là một trong những cách nhanh nhất để nhanh chóng mở rộng quy mô năng lượng tái tạo và đáp ứng các mục tiêu về khí hậu.
Soeren Lassen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu gió ngoài khơi tại WoodMac cho biết hơn các gói thầu gió ngoài khơi với tổng công suất hơn 50GW đã được lên kế hoạch trên toàn cầu cho năm 2024.
“Vấn đề chỉ là các nhà hoạch định chính sách có khiến các gói thầu đủ hấp dẫn hay không, để ngành [năng lượng gió] có thể nắm bắt được những cơ hội đó” - ông nói./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn