Từ tháng 5/2023 đến nay, giá bán đa số các mặt hàng tiêu dùng liên tục tăng tạo áp lực chi tiêu cho người tiêu dùng.
Người tiêu dùng chọn mua gạo tại một cửa hàng ở phường An Tảo (thành phố Hưng Yên)
Thực tế tại các chợ dân sinh trong tỉnh, gạo là mặt hàng tăng giá nhiều nhất từ tháng 5 đến nay, mức tăng 20 – 30%. Cụ thể giá một số loại gạo phổ biến như: Gạo Bắc Thơm tăng từ 150.000 đồng lên 170.000 – 180.000 đồng/10kg; gạo BC tăng từ 125.000 đồng lên 150.000 đồng/10kg; nhóm gạo cao cấp như ST25 tăng từ 280.000 đồng lên 310.000 – 320.000 đồng/10kg, gạo Séng Cù tăng từ 350.000 đồng lên 400.000 đồng/10kg...
Cùng với gạo, các nhóm thực phẩm như thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản, trứng gia cầm, dầu ăn, nước mắm, hàng thực phẩm, công nghệ đều tăng giá. Đại diện siêu thị BRG Mart, xã Nghĩa Hiệp (Yên Mỹ) cho biết: Từ tháng 5 trở lại đây, chúng tôi nhập các mặt hàng đều tăng giá. Đối với các mặt hàng thực phẩm tăng 3 - 5%, các mặt hàng khác như đồ gia dụng và hóa mỹ phẩm tăng 6 -7%. Mặc dù siêu thị thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá để kích cầu tiêu dùng nhưng từ đầu năm đến nay, lượng khách hàng và doanh thu của siêu thị giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Sự biến động về giá các mặt hàng tác động trực tiếp đến tâm lý, chi tiêu của nhiều gia đình, nhất là những lao động phổ thông, thu nhập không ổn định. Bà Nguyễn Thị Hưng, phường Hiến Nam (thành phố Hưng Yên) cho biết: Gia đình tôi có 4 người, nếu như trước đây, mỗi ngày đi chợ chi tiêu hết 160.000 đồng, thì nay phải tăng thêm 30.000 - 40.000 đồng mới đủ mua thức ăn cho 2 bữa trong ngày. Tôi mong giá cả sẽ không tăng quá cao, bởi thịt, trứng, gạo... là những mặt hàng thiết yếu, nếu tăng cao thì khó khăn cho chúng tôi.
Người tiêu dùng lo lắng về giá hàng hóa tăng cao, tìm mọi cách “thắt lưng, buộc bụng” thì các tiểu thương cũng than thở việc kinh doanh ế ẩm, giảm lợi nhuận bởi người dân ít mua sắm hơn. Điều dễ nhận thấy nhất là vào những ngày đầu tuần chợ dân sinh vắng hẳn người bán, người mua bởi người dân đã tranh thủ mua sắm vào ngày nghỉ trước đó để dùng dần trong tuần. Tiểu thương cũng phải tính toán điều chỉnh việc nhập hàng, như đầu tuần mặt hàng thịt sẽ nhập hàng ít hơn những ngày cuối tuần; sạp hàng hoa quả hạn chế sản phẩm cao cấp như sầu riêng, bưởi da xanh vào ngày thường hoặc nghỉ hẳn vài ngày sau tuần rằm, mùng một… Tại chợ Dân Tiến, xã Dân Tiến (Khoái Châu), ngày đầu tuần lượng người bán, người mua vắng hơn so với cuối tuần. Chị Phạm Thị Nhung, tiểu thương kinh doanh mặt hàng hoa quả tại chợ Dân Tiến cho biết: Lượng khách mua hàng những ngày trong tuần chỉ bằng 1/3 – 1/2 so với cuối tuần. Trước đây, ngày nào tôi cũng nhập hàng mới về bán, nhưng giờ ế ẩm nên tôi chủ yếu nhập hàng vào những ngày cuối tuần, tuần rằm, mùng một, sau đó bán hàng tồn hoặc nghỉ vài ngày.
Theo thông tin từ Sở Công Thương, qua theo dõi diễn biến thị trường, từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng giá từ 1-5%, không có tình trạng tăng “nóng”, cung cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh ổn định. Nguyên nhân giá hàng tiêu dùng tăng trong thời gian qua là do giá các nguyên liệu đầu vào như điện, xăng dầu tăng; cuộc chiến tranh giữa Nga – Ukraine kéo dài và những vấn đề về biến đổi khí hậu đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới khiến giá cả lương thực leo thang... Để ổn định giá cả thị trường, từ nay đến cuối năm, sở tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, cung - cầu hàng hóa và giá cả các mặt hàng thiết yếu. Triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng của Chính phủ, Bộ Công Thương và của tỉnh; phối hợp với ngành, đơn vị liên quan trong công tác điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn...
Nguồn: https://baohungyen.vn