KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 21/09/2023 - Lượt xem: 239
Nhiều tiềm năng hợp tác về chuyển đổi Xanh giữa Việt Nam và Nhật Bản

Đại sứ Phạm Quang Hiệu khẳng định Việt Nam và Nhật Bản còn nhiều tiềm năng và cần đẩy mạnh hợp tác trong chuyển đổi Xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải carbon, phát triển năng lượng...

Đại sứ Phạm Quang Hiệu trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. (Ảnh: Đức Thịnh/TTXVN)
Trao đổi với phóng viên TTXVN nhân kỷ niệm 50 năm Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao (21/9/1973-21/9/2023), Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh tới sự hỗ trợ của Nhật Bản dành cho Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Đại sứ cũng chia sẻ đánh giá về dòng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam hiện nay, cũng như cách thức Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư có chất lượng từ Nhật Bản để thực hiện thành công chiến lược tăng trưởng Xanh.
Đại sứ nêu rõ để chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh và hiện thực hóa cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26), Việt Nam đã ban hành Chiến lược và Kế hoạch Hành động Quốc gia về tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Nhằm triển khai chiến lược này, trong thời gian qua, Việt Nam và Nhật Bản đã tích cực hợp tác, hỗ trợ nhau trong thực hiện các cam kết quốc tế riêng và đạt được nhiều kết quả mang tính nền tảng để tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới, khi hai nước còn rất nhiều tiềm năng trong lĩnh vực này.
Đại sứ Phạm Quang Hiệu khẳng định ở cấp cao, tại các diễn đàn đa phương và song phương, hai nước cam kết ủng hộ nhau, cùng tham gia các cơ chế đối thoại, hợp tác chuyển đổi năng lượng như Tuyên bố Đối tác Chuyển đổi Năng lượng (JETP) được thông qua ngày 14/12/2022 gồm Việt Nam và các đối tác quốc tế (IPG), bao gồm Nhật Bản và các nước trong Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7), Liên minh châu Âu (EU), Đan Mạch và Na Uy. Việt Nam là nước thứ ba sau Nam Phi và Indonesia thông qua JETP.
Thực hiện JETP, các đối tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách nhằm thu hút đầu tư vào chuyển đổi và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, củng cố hạ tầng lưới điện, giáo dục và đào tạo nghề.
Tham gia tuyên bố, các đối tác cam kết huy động số tiền ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới để giải quyết nhu cầu chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam.
Triển khai JETP, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã cam kết khoản hỗ trợ 300 triệu USD qua Ngân hàng Vietcombank để thực hiện các dự án năng lượng tái tạo.
[Củng cố tin cậy chính trị giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản]
Theo Đại sứ Phạm Quang Hiệu, Việt Nam cũng rất ủng hộ sáng kiến của Nhật Bản về Cộng đồng Phát thải bằng 0 (AZEC).
Đầu tháng Ba, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị về “Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á” do Nhật Bản tổ chức.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (ngoài cùng, bên phải) cùng các trưởng đoàn tham dự Hội nghị Bộ trưởng AZEC hồi tháng 3/2023 chụp ảnh chung. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)
Các nước đã thống nhất thông qua Tuyên bố chung về “Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á," trong đó đề ra những định hướng hợp tác trong thời gian tới về chuyển đổi năng lượng một cách bao trùm, công bằng, bền vững, bảo đảm khả năng chi trả tại khu vực châu Á.
Việt Nam và Nhật Bản đang xúc tiến thành lập nhóm công tác chung triển khai AZEC để có các kế hoạch, hành động cụ thể, hiệu quả.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã thông báo phía Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các nỗ lực chuyển đổi năng lượng của Việt Nam thông qua Sáng kiến Chuyển đổi Năng lượng châu Á (AETI), đặc biệt là việc giới thiệu và sử dụng nhiên liệu không phát thải như amoniac, hydrogen, sinh khối.
Ở cấp độ triển khai cụ thể, đã có nhiều bộ, ngành, địa phương tích cực thúc đẩy, thu hút sự tham gia và hỗ trợ của Nhật Bản trong các hoạt động triển khai cam kết về tăng trưởng Xanh.
Chẳng hạn, Thành phố Hồ Chí Minh đang chuẩn bị tổ chức diễn đàn kinh tế trong tháng này với chủ đề “Tăng trưởng Xanh-Hành trình hướng tới giảm phát thải bằng 0."
Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã vận động và mời gần 20 đại biểu Nhật Bản đại diện cho khối quản lý, nghiên cứu và doanh nghiệp tham gia và có tham luận tại phiên toàn thể của diễn đàn về tăng trưởng Xanh và kinh tế tuần hoàn.
Đại sứ Phạm Quang Hiệu cho hay qua tiếp xúc, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản gần đây đang tìm đối tác Việt Nam để mở rộng xu hướng hợp tác chuyển giao công nghệ, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, áp dụng công nghệ vi sinh xử lý chất thải hữu cơ, bùn thải thành nguyên liệu đầu ra cho sản xuất phân bón, đảm bảo nguồn cung phục vụ sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực...
Đại sứ nhận định bước đầu Việt Nam và Nhật Bản đã rất tích cực hợp tác triển khai các cam kết và hướng tới giảm phát thải bằng 0 theo lộ trình chiến lược của mỗi nước. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, nên có nhu cầu rất lớn về năng lượng. Trong khi đó, Việt Nam cũng có nhu cầu dịch chuyển sang nguồn năng lượng sạch, là những lĩnh vực phía Nhật Bản có nhiều ưu thế.
Đại sứ Phạm Quang Hiệu khẳng định trong trung và dài hạn hướng tới mục tiêu 2030-2050, hai nước còn rất nhiều tiềm năng và cần đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trong chuyển đổi Xanh, chuyển đổi năng lượng, cụ thể trong các công nghệ giảm phát thải carbon của các ngành, phát triển các nguồn năng lượng sạch như hydrogen, amoniac.., thúc đẩy hợp tác các doanh nghiệp, tập đoàn năng lượng và các ngành sản xuất khác để khai thác được các quỹ nghiên cứu đổi mới Xanh…, hợp tác nghiên cứu song phương ứng dụng công nghệ Nhật Bản phù hợp với điều kiện, trình độ và lộ trình chuyển đổi của Việt Nam.
Về dòng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam hiện nay, Đại sứ Phạm Quang Hiệu cho biết đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam hiện có hơn 5.000 dự án còn hiệu lực, đứng thứ 3/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư, với tổng vốn đầu tư hơn 70 tỷ USD, chiếm hơn 16% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.
Con số này dù còn khiêm tốn nhưng có ý nghĩa rất lớn nếu xét từ cơ cấu đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản, vốn chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, chế biến chế tạo, hạ tầng, năng lượng, dịch vụ..., là những lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế Việt Nam.
Dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam đã đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam theo hướng bền vững, đóng vai trò dẫn dắt và làm tăng khả năng cạnh tranh giữa các dòng vốn FDI.
Đại sứ Phạm Quang Hiệu nêu rõ nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam với các sản phẩm uy tín, có sức cạnh tranh và hàm lượng kỹ thuật cao, góp phần quan trọng thay thế hàng nhập khẩu, tăng cường xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng ở Việt Nam.
Các nhà đầu tư Nhật Bản luôn là các nhà đầu tư nghiêm túc, tuân thủ luật pháp, chăm lo đời sống người lao động, có ý thức cộng đồng và bảo vệ môi trường.
Theo kết quả điều tra khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2022 của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), có hơn 60% số doanh nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới.
Hoạt động của một doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)
Họ nhận định “thị trường Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng cao, doanh nghiệp có thể tăng doanh thu nhờ mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu." Đáng chú ý, 59,5% số doanh nghiệp dự báo có lãi, tăng 5,2% so với năm 2021.
Đại sứ cho hay để tạo bước tiến vững chắc, thực hiện thành công chiến lược tăng trưởng Xanh, việc lựa chọn nhà đầu tư tại các nước có nền kinh tế bền vững, phát triển theo chiều sâu, tăng trưởng Xanh, công nghệ cao, công nghiệp sạch như Nhật Bản là một trong chủ trương của Đảng và Chính phủ.
Bên cạnh đó, Nhật Bản là quốc gia không chỉ tiên phong trong phát triển công nghệ, khoa học, kỹ thuật, mà còn có thế mạnh trong hạ tầng giao thông, nông nghiệp thông minh, môi trường xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh... Đây là những lĩnh vực Việt Nam đang muốn kêu gọi hợp tác đầu tư.
Đại sứ Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh để thu hút dòng vốn đầu tư “xanh” và đặc biệt là các dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, hiện nay, Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông; tiếp tục hoàn thiện hệ thống, thể chế chính sách và nâng cao hiệu quả thực thi, cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh, đất đai; tăng cường đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, huy động nguồn lực xã hội hóa cho phát triển đào tạo lao động chất lượng cao gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển công nghệ; tạo môi trường kinh doanh thân thiện với các nhà đầu tư hướng đến các chuẩn mực của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Cùng với đó, nghiên cứu, sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo không trái với các quy định và cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa các bên; tăng cường cơ chế đối thoại với các hiệp hội, doanh nghiệp, để nắm bắt, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư; tiếp tục triển khai cơ chế “Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản”; tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với các cơ quan, tổ chức Nhật Bản trong các lĩnh vực: công nghệ cao, công nghệ hiện đại, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chuyển đổi các phương thức từ sản xuất truyền thống sang sản xuất xanh nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Bên cạnh đó, các địa phương của Việt Nam cũng cần chuẩn bị sẵn các điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, mặt bằng sạch, nguồn cung lao động có tay nghề.../.
Nguồn:https://www.vietnamplus.vn
Tin liên quan