KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Chính trị
Đăng ngày: 08/12/2023 - Lượt xem: 247
Nhiều vấn đề cử tri quan tâm đã được chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Mười tám HĐND tỉnh khóa XVII

Nhiều vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị trong thời gian qua đã được đại biểu HĐND tỉnh nắm bắt, tổng hợp và đặt câu hỏi chất vấn thủ trưởng một số sở, ngành của tỉnh tại Kỳ họp thứ Mười tám HĐND tỉnh khóa XVII.

Mở đầu phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ Mười tám HĐND tỉnh khóa XVII, đại biểu Nguyễn Trung Thành (Tổ đại biểu HĐND tỉnh số 8 huyện Yên Mỹ) nêu: Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 24/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đặt ra mục tiêu đến năm 2025, thành phố Hưng Yên là đô thị loại II, đến năm 2030 đạt trên 50% tiêu chí của đô thị loại I . Theo định hướng quy hoạch đô thị tỉnh Hưng Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì đến năm 2037, thành phố Hưng Yên được phát triển và nâng cấp thành quận Phố Hiến. Việc có công trình văn hoá, công trình thể dục, thể thao, công trình thương mại dịch vụ cấp đô thị là tiêu chí cần phải có đối với khu vực dự kiến thành lập quận. Tuy nhiên, hiện tại, các thiết chế văn hóa, thể dục, thể thao, thương mại, dịch vụ của thành phố đều đã xuống cấp và lạc hậu. Đại biểu Nguyễn Trung Thành đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết đã tham mưu, đề xuất với tỉnh cơ chế, chính sách như thế nào để hỗ trợ phát triển thành phố Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2045?
Giám đốc Sở KH&ĐT trả lời chất vấn tại kỳ họp
Trả lời vấn đề này, đồng chí Trịnh Văn Diễn, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: đến nay, Sở KH&ĐT đã phối hợp với các sở, ngành liên quan, thành phố Hưng Yên kêu gọi thu hút được một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến nghiên cứu, khảo sát đầu tư trên địa bàn thành phố như: Xây dựng và phục dạng Phố Hiến cổ; dự án Khối phục vụ Trung tâm Hội nghị - Thông tin tỉnh; xây dựng Trung tâm thương mại Go. Tỉnh đã hỗ trợ 2.154 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, đồng thời tham mưu ban hành các danh mục đầu tư kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 với nhiều dự án lớn, trọng điểm để tiếp tục hoàn thiện các thiết chế văn hóa, phát triển thương mại, du lịch. Thời gian tới, Sở KH&ĐT sẽ phối hợp với UBND thành phố và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, dự án thương mại, dịch vụ quy mô lớn, dự án phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh trên địa bàn thành phố… nhằm đáp ứng các yêu cầu định hướng quy hoạch đô thị của thành phố Hưng Yên nói riêng, tỉnh Hưng Yên nói chung.
Trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Doãn Thị Nguyệt (Tổ đại biểu HĐND tỉnh số 3 huyện Phù Cừ) đề nghị làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp công tác chuyển đổi số đối với ngành kế hoạch nói chung và trong theo dõi đầu tư công nói riêng, đồng chí Trịnh Văn Diễn khẳng định: Sở KH&ĐT đã hoàn thiện nền tảng chính quyền số với nền hành chính không giấy tờ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, minh bạch. Đối với chuyển đổi số trong theo dõi đầu tư công hiện nay được thực hiện chủ yếu trên Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công do Bộ KH&ĐT quản lý. Từ năm 2020 đến nay, Sở đã thực hiện xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm trên Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia. Tuy nhiên Hệ thống này chưa liên thông với hệ thống Tabmis của ngành tài chính nên số liệu giải ngân phải tổng hợp trực tiếp từ các chủ đầu tư, Kho bạc nhà nước và Sở Tài chính.
Để tháo gỡ vấn đề này Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính thực hiện liên thông Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia với hệ thống Tabmis, qua đó sẽ tạo thuận lợi trong việc khai thác dữ liệu các dự án đầu tư công, bảo đảm thường xuyên, liên tục và nhất quán.
Đại biểu Nguyễn Văn Công (Tổ đại biểu HĐND tỉnh số 6 huyện Khoái Châu) đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) làm rõ nguyên nhân những tồn tại, hạn chế và khó khăn trong việc chuyển đổi số của ngành TN&MT nói chung và trong lĩnh vực đất đai nói riêng; giải pháp nào để khắc phục tồn tại đó? Trả lời vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Đến nay, Sở đã thực hiện số hóa được gần 998,8 nghìn thửa đất, chiếm khoảng 67% số thửa đất trong toàn tỉnh. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai được thực hiện từ năm 2012. Tuy nhiên, hiện nay phần mềm, đường truyền phục vụ quản lý dữ liệu đã cũ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra. Sở đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt đề án xây dựng cơ sở dự liệu đất đai toàn tỉnh. Trong đó tập trung vào các nội dung như: Xây dựng dữ liệu địa chính; dữ liệu về quy hoạch; giá đất; hiện trạng sử dụng đất... Đồng thời sẽ đầu tư nâng cấp phần mềm, hệ thống máy chủ nhằm đáp yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đề án sẽ thực hiện trong 2 năm 2024 và 2025.
Về tình trạng ô nhiễm môi trường (ÔNMT) ở các làng nghề, ô nhiễm do tồn đọng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Sở thường xuyên rà soát, kiểm tra, lấy mẫu tình hình ô nhiễm làng nghề ở một số làng nghề có nguy cơ cao như: Tái chế nhựa, tái chế chì; đề xuất, phối hợp di chuyển sản xuất nghề này ra khỏi khu dân cư, yêu cầu dừng sản xuất; tham mưu với tỉnh không tiếp nhận những dự án có nguy cơ gây ÔNMT cao; các đơn vị, doanh nghiệp có lượng xả thải lớn phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, truyền dữ liệu về Sở để kiểm soát. Đồng thời, tỉnh đang thực hiện nhiều chương trình, đề án để cải thiện môi trường toàn tỉnh.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Vũ Văn Kiên (Tổ đại biểu HĐND tỉnh số 8 huyện Yên Mỹ) nêu: Tỉnh đang khuyến khích việc hình thành và phát triển kinh tế tập thể (KTTT) trong lĩnh vực nông nghiệp, tuy nhiên quy mô hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT) còn nhỏ, năng lực còn hạn chế, vậy Sở Nông nghiệp và PTNT có giải pháp gì để đẩy mạnh phát triển KTTT, để các mô hình mở rộng quy mô hoạt động. Trả lời vấn đề này, đồng chí Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định: Trong những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế phát triển kinh tế hợp tác, THT còn nhỏ lẻ cả về loại hình kinh doanh, số lượng sản phẩm, số lượng thành viên; nguồn vốn, năng lực quản lý còn hạn chế; chưa có sự liên kết lớn giữa các HTX, THT và liên kết “4 nhà”... Để phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới, Sở sẽ hướng dẫn, hỗ trợ các HTX, THT, chủ trang trại, hộ nông dân tích cực hợp tác, chủ động tham gia xây dựng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng từ khâu giống, vật tư đầu vào, quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương thông qua các hội chợ, triển lãm, hội nghị giao thương trực tiếp, trực tuyến; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của HTX, THT, doanh nghiệp, trang trại nông nghiệp…
Về vấn đề nước sạch phục vụ người dân, đại biểu Trần Thanh Liêm (Tổ đại biểu HĐND tỉnh số 4, huyện Kim Động) chất vấn: Địa bàn tỉnh trước đây có một số công trình nước sạch nông thôn được đầu tư từ ngân sách đã được chuyển giao cho các doanh nghiệp quản lý vận hành chưa đúng quy định và đã được Thanh tra tỉnh kiến nghị, trong đó có trạm cấp nước sạch thị trấn Lương Bằng (Kim Động) đã chuyển giao cho Công ty TNHH nước sạch Ngọc Tuấn. Ngày 24/6/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2022/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng, khai thác kết cấu hạ tầng cấp nước sạch, hướng dẫn xử lý đối với những trường hợp này. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan chuyên môn của tỉnh chưa có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể. Đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết phương hướng xử lý trong thời gian tới đối với các công trình này.
Trả lời các ý kiến này, đồng chí Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: đối với các nhà máy được đầu tư bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hiện tại tỉnh đang tạm giao cho doanh nghiệp quản lý vận hành. Kế hoạch giao quản lý vận hành trong thời gian tới sẽ thực hiện giao có hoàn trả tài sản nhà nước. Đối với các công trình đầu tư bằng nguồn vốn chương trình PforR: UBND tỉnh tạm giao cho Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý, vận hành. Kế hoạch giao quản lý vận hành trong thời gian tới sẽ thực hiện bán đấu giá tài sản. Hiện nay, tỉnh đã thành lập Hội đồng kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng quản lý tài sản, quản lý vận hành các nhà máy nước và đang triển khai thực hiện...
Trả lời chất vấn của các đại biểu về việc để phát triển du lịch trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế; giải pháp nào để bảo tồn di sản văn hoá phi vật…, được đồng chí Đỗ Hữu Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và lãnh đạo một số sở liên quan trả lời khá đầy đủ, rõ ràng trong phiên chất vấn tại kỳ họp…
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan