KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 18/12/2024 - Lượt xem: 19
Nhóm chủ lực tăng tốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hướng mốc 800 tỷ USD

Kết quả xuất khẩu tích cực trong năm 2024 nhờ vào việc khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, công tác đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu...

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tại cảng Hải phòng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa duy trì mức tăng trưởng 2 con số là kết quả nổi bật trong hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam trong 11 tháng năm 2024. Đặt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu, rủi ro lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu dùng tại nhiều thị trường lớn sụt giảm thì việc giữ mức thặng dư thương mại cao đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế năm nay.

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa sẽ khép lại năm 2024, song triển vọng từ việc đơn hàng của nhiều doanh nghiệp đã được ký kết tới quý 1 và quý 2 năm sau cho thấy việc tăng tốc xuất khẩu tháng cuối năm sẽ giúp tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có khả năng hướng tới con số gần 800 tỷ USD trong năm nay (vượt xa năm 2023 khi đạt 683 tỷ USD).

Nhóm hàng chủ lực tăng trưởng tích cực

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sau 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,31 tỷ USD.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11/2024 ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 13,9% so với tháng 11 năm ngoái; đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng năm 2024 đạt 56,74 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 29,78 tỷ USD, tăng 23,2%; thủy sản đạt 9,2 tỷ USD, tăng 11,8%; lâm sản đạt 15,59 tỷ USD, tăng 19,6%. Cán cân thương mại ngành nông lâm thủy sản 11 tháng ước đạt thặng dư 16,46 tỷ USD, tăng tới 52,8% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản về đích sớm là nhờ một số sản phẩm đã có giá trị xuất khẩu tăng mạnh trong 11 tháng, như: Gạo đạt 5,31 tỷ USD tăng 22,4%, càphê đạt 4,84 tỷ USD tăng 32,8%; chè đạt 2,95 tỷ USD tăng 17,1%; hạt điều đạt hơn 4 tỷ USD tăng 21,4%; hạt tiêu đạt 1,22 tỷ USD tăng 46,5%...

Theo dự kiến, nếu trong tháng 12, xuất khẩu nông lâm thủy sản thu về khoảng 5 tỷ USD thì kim ngạch xuất khẩu cả năm 2024 có thể vượt 61 tỷ USD - một kỷ lục mới.

Chế biến thủy sản xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đánh giá nội dụng này, theo chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, đến hết tháng 11, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu hơn 15% là mức tăng khá cao so với giai đoạn trước đây. Việc này cũng cho thấy khả năng thích ứng, linh hoạt, chủ động của cộng đồng doanh nghiệp. Sự hỗ trợ với vai trò kiến tạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã đạt được kim ngạch xuất nhập khẩu cao như vậy.

Cũng chính từ hoạt động xuất nhập khẩu đã hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế. Theo đó, chỉ số tăng trưởng công nghiệp, sự hồi phục của ngành chế biến chế tạo đã được hỗ trợ rất lớn nhờ hoạt động xuất nhập khẩu gia tăng.

Đặc biệt, theo vị chuyên gia này, ngành nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò là bệ đỡ cho ngành kinh tế và được duy trì trong nhiều năm gần đây, đóng góp không chỉ cho xuất khẩu, mà còn ổn định lạm phát, ổn định sinh kế của hàng triệu nông dân. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã phát huy được lợi thế so sánh, thích ứng được nhu cầu và thị hiếu của thị trường toàn cầu.

“Con số kỷ lục về xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường, trong đó có các thị trường khó tính, ngoài việc phát huy được lợi thế so sánh, lợi thế tuyệt đối, đã nâng cao được năng lực cạnh tranh, đáp ứng được yêu cầu của thị trường quốc tế,” chuyên gia Lê Duy Bình phân tích.

Tạo đà cho việc thực hiện mục tiêu năm 2025

Sự ổn định và phát triển của ngành nông nghiệp đóng góp rất lớn vào sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô không chỉ thông qua các con số về kim ngạch xuất nhập khẩu, lượng ngoại tệ thu về mà còn đóng góp trực tiếp vào việc kiểm soát lạm phát, tăng trưởng bền vững của Việt Nam.

Theo chuyên gia kinh tế, Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thường Lạng, thị trường của nông sản Việt Nam thời gian qua có chuyển biến khá mạnh, đặc biệt là giá nông sản tăng cao, cộng với quy mô xuất khẩu cũng tăng, đồng nghĩa với việc được lợi cả giá và lượng. Ngoài ra, một số mặt hàng như hàng dệt may, đồ gỗ, thủy sản đều có kim ngạch tăng trưởng cao.

“Có được kết quả đó là nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ cơ chế chính sách, cộng với nỗ lực của doanh nghiệp trong việc tiếp cận, hiểu sâu hơn về thị trường, biết cách làm theo chuỗi, phản xạ nhanh trước tất cả những biến động, đặc biệt là những đòi hỏi của các thị trường khó tính… cộng hưởng các yếu tố đó tạo nên một bức tranh rất lạc quan của năm 2024,” chuyên gia Nguyễn Thường Lạng nói.

Đánh giá của Bộ Công Thương cũng cho thấy để đạt được kết quả xuất khẩu tích cực trong năm 2024 là nhờ vào nhiều yếu tố, cụ thể là các doanh nghiệp đã khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Các FTA như: Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế với mức thuế ưu đãi và gia tăng khả năng cạnh tranh.

Hơn nữa, công tác đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu đang dần phát huy hiệu quả khi Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới nổi và tập trung vào các nhóm hàng chủ lực như điện tử, nông sản và dệt may.

“Năng lực sản xuất và xuất khẩu nội tại đã và đang dần được cải thiện tích cực, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ, đẩy mạnh gia tăng giá trị nội địa hóa trong chuỗi cung ứng,” đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Sản phẩm của Việt Nam thu hút khách hàng tại hội chợ quốc tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Để tạo đà cho hoạt động thương mại trong năm 2025, chuyên gia Lê Duy Bình khuyến nghị các doanh nghiệp làm tốt nhất các đơn hàng hiện tại để đạt được mục tiêu đề ra, đồng thời tập trung vào các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế, như nông nghiệp.

Ngoài ra, Tiến sỹ Lê Duy Bình cũng lưu ý việc chuẩn bị cho những kế hoạch dài hơi hơn trong việc nâng cao chất lượng của hoạt động xuất nhập khẩu, vai trò của các doanh nghiệp trong nước, từ đó nâng cao tỷ trọng của doanh nghiệp nội trong hoạt động xuất nhập khẩu, thay vì chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào khối doanh nghiệp nước ngoài như hiện nay.

“Cần tập trung vào công tác cải cách về thể chế, nhất là thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho thương mại, thủ tục hải quan, cải thiện môi trường kinh doanh… việc này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2024, năm 2025 và cả những năm tiếp theo, từ đó tạo tiền đề để có thể đạt được những kỷ lục xuất nhập khẩu mới,” Tiến sỹ Lê Duy Bình khuyến nghị./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/

Tin liên quan