Những ngày này, khi lúa mùa đã được gặt vãn, trên cánh đồng ở các huyện: Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ, Kim Động…, dễ dàng bắt gặp nhiều người dân tay cuốc, tay thuổng… đi bắt chuột đồng. “Săn” chuột đồng vừa là thú vui, vừa mang lại thu nhập cho nhiều người dân.
Người dân xã Hoàng Hoa Thám (Ân Thi) bắt chuột đồng
Về xã Hoàng Hoa Thám (Ân Thi) những ngày tháng 10, khách lạ sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi ngay đầu thôn Đỗ Xuyên có hẳn một “chợ chuột”. Hàng chục chiếc mẹt sát nhau, bày bán hai loại là: chuột đã thui qua rơm, màu da đồng, con nào cũng phồng lên, béo mập; loại thứ hai là chuột đã làm sạch lông, sơ chế, trắng phau, người mua chỉ việc mang về nhà chế biến thành các món ăn. Cứ tầm 3 giờ chiều hằng ngày, chợ họp tấp nập người bán, người mua cho đến sẩm tối và chỉ họp vào 3 tháng cuối năm. Người bán ở “chợ chuột” chủ yếu là dân trong xã có nghề bắt chuột đồng. Thịt chuột luôn bán hết trong ngày, thậm chí “cung” không đủ đáp ứng “cầu”. Số lượng chuột tiêu thụ tại các chợ trong thôn lên tới cả tạ thịt mỗi ngày. Cả xã Hoàng Hoa Thám hiện có hàng trăm người đi bắt chuột lúc nông nhàn.
Ông Đào Đình Có, ở thôn Đỗ Xuyên, với kinh nghiệm 50 năm bắt chuột đồng cho biết: Từ nhỏ tôi đã được học cách bắt chuột đồng, một mặt để bảo vệ mùa màng; thứ hai chuột đồng chỉ ăn cây cỏ, thóc lúa, củ khoai, củ sắn dân trồng nên thịt rất ngọt, thơm. Mỗi năm cứ từ tháng 8 đến 12 âm lịch, người dân trong xóm rủ nhau đi bắt chuột đồng. Đi đến đâu, “thợ chuột” chúng tôi cũng được người dân địa phương chào đón vì giúp họ tiêu diệt loài gặm nhấm phá hoại mùa màng. Trung bình một ngày, mỗi người có thể bắt 5 - 10kg chuột đồng, với giá bán từ 100.000 đến 150.000 đồng/kg, mỗi ngày mang lại cho tôi thu nhập khoảng 500.000 đồng. Phương pháp bắt chuột được linh động theo từng tình huống cụ thể, chủ yếu là đuổi, đánh bẫy và đào. Ban ngày chuột sẽ lẩn trốn trong hang, chúng tôi sẽ mang theo chó để săn chuột. Khi chó phát hiện có chuột, tôi dùng cách hun khói, đổ nước, hoặc đào để bắt. Ban đêm là thời điểm chuột đi kiếm ăn, người dân đeo đèn pin, đuổi chuột bắt bằng vợt hoặc đặt bẫy.
Không riêng gì ở xã Hoàng Hoa Thám, nhiều địa phương ở huyện Tiên Lữ, Phù Cừ, Kim Động… vào thời điểm thu hoạch lúa mùa cũng là lúc người dân tỏa đi bắt chuột đồng. Anh Nguyễn Văn Tính ở xã Hưng Đạo (Tiên Lữ) cho biết: Một ngày của những thợ “săn” chuột thường bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc lúc giữa trưa. Mỗi nhóm thường có từ 2 đến 5 người, mỗi người phụ trách một việc, như quây lưới, đặt bẫy, đổ nước vào hang… Để tìm được loại chuột đồng vàng ươm, béo ngậy, không bị lẫn với chuột nhà, chúng tôi không dừng lại ở những cánh đồng trong xã mà còn tỏa đi nhiều nơi khác. Trung bình, mỗi ngày 1 nhóm cũng bắt được khoảng 20 – 30kg chuột sống, ngày nhiều có thể lên tới 40 – 50kg. Bắt được bao nhiêu lại bán hết cho người dân hoặc một số nhà hàng, quán ăn.
Từ lâu, chuột đồng đã trở thành món ăn đặc sản ở nhiều vùng quê trong tỉnh bởi theo người dân, chuột đồng chỉ ăn thóc lúa, cây củ nên béo, chắc thịt hơn các loại thịt khác. Từ bữa cơm gia đình đến mâm cỗ, thịt chuột đồng được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn. Trước đây, người dân chủ yếu chế biến các món đơn giản như luộc lá chanh, nướng, nhưng bây giờ thực đơn đã được sáng tạo khá phong phú như xào lăn, nấu giả cầy...
Thời điểm hiện tại, chuột đồng được bán với giá 100.000 đồng/kg sống và 150.000 đồng/kg đã sơ chế. Sức tiêu thụ lớn, giá bán cao, nghề bắt chuột đồng đã góp phần mang lại thu nhập thời vụ cho nhiều người. Trung bình thu nhập của người dân làm nghề bắt chuột lúc vào mùa khoảng 500.000 đồng/ngày.
Trước đây, chuột đồng chỉ là món ăn bình dân, nhưng giờ đây trở thành đặc sản được nhiều người sành ăn tìm kiếm. Thú “săn” chuột đồng cũng vì thế mà phát triển, nhiều người còn nói vui rằng, bắt chuột là “nhất cử, tam tứ tiện”. Nó không chỉ làm món ăn mà còn là thú vui, diệt được nạn chuột phá hoại mùa màng đồng thời mang lại thêm thu nhập cho nhiều gia đình.
Nguồn: https://baohungyen.vn