KỶ NIỆM 107 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA (7/11/1917 - 7/11/2024) - KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Lịch sử, văn hóa, con người Hưng Yên
Đăng ngày: 04/01/2024 - Lượt xem: 3425
Những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam và truyền thống văn hóa con người Hưng Yên

Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dân tộc Việt Nam đã viết lên những trang sử hào hùng. Trong tiến trình lịch sử của dân tộc đã tạo nên nhân cách con người Việt Nam với các giá trị đạo đức vô cùng phong phú. Cùng với thời gian, các giá trị đạo đức này được lưu truyền qua các thế hệ, trở thành truyền thống tốt đẹp, là sức mạnh và động lực của dân tộc.

Cụm di tích Đa Hòa – Dạ Trạch, Hàm Tử – Bãi Sậy
Hòa cùng với dòng chảy lịch sử dân tộc, vùng quê hưng thịnh và yên bình với tên gọi “Hưng Yên” đã chứa đựng cả bề dày và sự phong phú, độc đáo của vùng văn hóa sông Hồng, đồng thời phát huy được các giá trị văn hóa mang bản sắc dân tộc. Những thế hệ con người Hưng Yên đã mang trong mình dòng máu của người Việt Nam với đầy đủ các giá trị đạo đức truyền thống: Yêu quê hương, đất nước; đoàn kết, anh dũng trong  cải tạo thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm; cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; ham học hỏi và giàu lòng nhân nghĩa, thủy chung...
I. Những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam
Là quốc gia nằm ở phía Đông, thuộc bán đảo Đông Dương, khu vực Đông Nam Á, châu Á; có diện tích 331.698 km2, bao gồm khoảng 327.480 km2 đất liền và 4.500 km2 biển nội thủy... Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới và một phần xích đạo nên có những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp; là nơi giao thoa của nhiều nền văn minh trên thế giới, điển hình là văn minh Trung Quốc và Ấn Độ với cốt lõi là hệ tư tưởng Nho giáo, Phật giáo. Quy mô dân số gần 92,5 triệu người (năm 2016), đứng thứ 13 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, gồm 54 dân tộc, trong đó, dân tộc Kinh (Việt) chiếm đa số, 53 dân tộc còn lại là các dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng mang đậm bản sắc địa phương, nhưng 54 dân tộc anh em cùng gắn bó chặt chẽ với nhau trong vận mệnh chung của cuộc đấu tranh, hòa hợp lâu dài, lấy tộc người Việt làm trung tâm. Điều này đã tạo nên văn hóa dân tộc Việt Nam thống nhất trên cơ sở đa dạng sắc thái văn hóa của các dân tộc với những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp.
1. Lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất, ý chí độc lập và tự cường dân tộc
Tình yêu dành cho quê hương, đất nước ở mỗi quốc gia, mỗi dân tộc trên thế giới hoàn toàn không giống nhau, song tựu chung lại sợi chỉ đỏ chủ nghĩa yêu nước là biểu hiện khát vọng và hành động luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết. Chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam được hình thành từ rất sớm, bắt nguồn từ những tình cảm rất đơn sơ, bình dị trong gia đình, làng xã và rộng hơn là tình yêu Tổ quốc. Với vị trí địa lý là đầu mối giao thông quốc tế quan trọng, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, Việt Nam luôn là mục tiêu xâm lược của nhiều quốc gia. Trong tiến trình phát triển của dân tộc, nhân dân ta đã phải trải qua thời gian dài chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Lịch sử thời kỳ nào cũng sáng ngời những tấm gương kiên trung, bất khuất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng: Từ Bà Triệu “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ đâu chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!”; Trần Bình Trọng “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”; Nguyễn Huệ “Đánh cho để dài tóc/Đánh cho để đen răng/Đánh cho nó chích luân bất phản/Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”… đến Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Nguyễn Viết Xuân với tinh thần “Nhằm thẳng quân thù! Bắn!”… Chủ nghĩa yêu nước, ý chí độc lập và tự cường dân tộc đã trở thành “dòng chủ lưu của đời sống Việt Nam”, là nền tảng tinh thần to lớn, là giá trị đạo đức cao quý nhất trong thang bậc các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam, trở thành “tiêu điểm của các tiêu điểm, giá trị của các giá trị” và là nguồn sức mạnh vô địch để dân tộc ta vượt qua khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù, xứng đáng với lời ngợi ca của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”1.
2. Lòng yêu thương, độ lượng, sống có nghĩa tình với con người
Đây là giá trị đạo đức nhân văn sâu sắc được sinh dưỡng trong chính đau thương, mất mát qua các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và cuộc sống lam lũ hàng ngày từ nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước của dân tộc Việt Nam. Điều dễ nhận thấy về biểu hiện lòng nhân ái của dân tộc ta được bắt nguồn từ một chữ “tình” - Trong gia đình đó là tình cảm đối với đấng sinh thành “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, tình anh em “như thể tay chân”, tình nghĩa vợ chồng “đầu gối, tay ấp”; rộng hơn là tình làng xóm láng giềng và bao trùm hơn cả là tình yêu thương đồng loại “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”… Lòng yêu thương và sống có nghĩa tình còn được biểu hiện trong sự tương trợ, giúp đỡ nhau; sự khoan dung, vị tha dành cho cả những người đã từng lầm đường lạc lối biết lấy công chuộc tội. Không chỉ biểu hiện trong đời sống hàng ngày, tình yêu thương, sự khoan dung, độ lượng với con người của dân tộc Việt Nam còn được nâng lên thành những chuẩn tắc trong các bộ luật của Nhà nước; đồng thời là cơ sở của tinh thần yêu chuộng hoà bình và tình hữu nghị với các dân tộc trên thế giới. Trong lịch sử, nhân dân ta luôn đề cao và coi trọng việc giữ tình hoà hiếu với các nước, tận dụng mọi cơ hội có thể để giải quyết hoà bình các xung đột, cho dù nguyên nhân từ phía kẻ thù ... Ngày nay, truyền thống nhân nghĩa đó không bị mai một hay mất đi, ngược lại tiếp tục được khẳng định và củng cố khi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thực hiện đường lối nhất quán “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”. Ý thức đầu tiên về sự cố kết cộng đồng của người Việt Nam đã được dân gian thần thánh hóa bằng thiên truyền thuyết đẹp với hình ảnh “bọc trăm trứng” để lý giải cùng chung nguồn cội con cháu Rồng Tiên - Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Trải qua thực tiễn trong cuộc sống lao động cũng như chiến đấu, tinh thần đoàn kết dân tộc bền chặt càng được đề cao và đã trở thành một triết lý nhân sinh sâu sắc “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”. Trong 86 năm qua kể từ khi có Đảng lãnh đạo, thực tiễn cách mạng Việt Nam thêm một lần nữa đã thể hiện sức sống kỳ diệu và chứng minh chân lý đúng đắn về sức mạnh vĩ đại của tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Sức mạnh đó chính là mạch nguồn của các thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám (1945), kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954) và chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975)...  Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tinh thần đoàn kết dân tộc càng có ý nghĩa hơn đối với sự nghiệp đổi mới đất nước, do đó tư tưởng chỉ đạo chiến lược xuyên suốt của cách mạng Việt Nam luôn được Đảng ta nhấn mạnh “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế… phát huy cao độ nội lực, đồng thời phải tranh thủ ngoại lực, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại”2. Như vậy, biểu hiện về tinh thần đại đoàn kết cộng đồng đã trở thành một truyền thống tốt đẹp, có giá trị lý luận và thực tiễn cách mạng sâu sắc. Phát huy đại đoàn kết dân tộc là đoàn kết rộng rãi và lâu dài, đó là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam - “Một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta”.
3. Tinh thần cần cù, sáng tạo, tiết kiệm trong lao động sản xuất
Cần cù, siêng năng là một trong những giá trị đạo đức nổi bật, phẩm chất đáng quý của người Đông Á, trong đó có Việt Nam. Đối với mỗi người Việt Nam, cần cù, siêng năng, sáng tạo trong lao động là điều phải làm vì có như vậy mới có của cải vật chất. Phẩm chất cần cù, chịu thương chịu khó trong lao động của người Việt Nam luôn gắn với sự dành dụm, tiết kiệm và trở thành đức tính cần có như một lẽ tự nhiên. Như vậy, đầu tiên, đức tính cần cù, sáng tạo và tiết kiệm trong lao động chính là yếu tố quan trọng giúp con người có thể đảm bảo được việc duy trì cuộc sống cá nhân. Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, sự cần cù, sáng tạo đi đôi với thực hành tiết kiệm trong lao động sản xuất của mỗi người Việt Nam càng trở nên có ý nghĩa thiết thực, bởi đây chính là động lực tiên quyết nhằm tăng năng suất, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển, qua đó tự mỗi người đóng góp một phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
4. Truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo
Từ ngàn đời nay, hiếu học đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Lịch sử khoa bảng của dân tộc còn lưu danh những tấm gương sáng ngời về ý chí và tinh thần ham học: Nguyễn Hiền mồ côi cha từ nhỏ, theo học nơi cửa chùa, đã trở thành Trạng nguyên nhỏ tuổi nhất trong lịch sử nước ta khi mới 13 tuổi. Mạc Đĩnh Chi vì nhà nghèo không thể đến lớp, chỉ đứng ngoài nghe thầy giảng, đêm đến phải học dưới ánh sáng của con đom đóm trong vỏ trứng, đã đỗ trạng nguyên và trở thành Lưỡng quốc Trạng nguyên (Trung Hoa và Đại Việt). Đó còn là những tấm gương hiếu học của các bậc hiền tài đáng kính: Nhà giáo Chu Văn An, Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm,  Trạng lường Lương Thế Vinh, nhà bác học Lê Quý Đôn…; là tinh thần của nghị lực phi thường vươn lên trở thành nhà giáo ưu tú - Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký… Sự hiếu học, tinh thần ham học hỏi của dân tộc Việt Nam còn được biểu hiện ở thái độ coi trọng việc học và người có học, tôn trọng thầy cô, kính trọng họ như cha mẹ của mình “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Không thày đố mày làm nên”. Cùng với tiến trình lịch sử dân tộc, dòng chảy của truyền thống hiếu học ấy với tinh thần “Học! Học nữa! Học mãi!” đã được các thế hệ người Việt Nam hôm nay tiếp tục phát huy và tỏa sáng: Đó là những tấm gương vượt khó, học giỏi trên khắp mọi miền của đất nước; từ những nếp nhà trong gia đình tất cả con cháu đều chăm học và thành đạt như giáo sư Đặng Thai Mai, giáo sư Đào Duy Anh, giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân… đến những vận động viên khổ luyện thành tài như kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, tài năng như giáo sư Ngô Bảo Châu, nữ tiến sĩ trẻ tuổi nhất Nguyễn Kiều Liên… Họ đã thực sự là niềm tự hào làm rạng danh đất Việt và tô thắm thêm tinh thần hiếu học của cha ông.
II. Truyền thống văn hóa con người Hưng Yên
Được thành lập từ năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), Hưng Yên gồm 2 phủ Khoái Châu của trấn Sơn Nam và Tiên Hưng của trấn Nam Định. Sau nhiều lần chia tách, sáp nhập, ngày 01/01/1997, tỉnh Hưng Yên chính thức được tái lập. Đến nay, Hưng Yên có 10 huyện và thành phố (Tiên Lữ, Ân Thi, Kim Động, Phù Cừ, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm, Văn Giang, Mỹ Hào và thành phố Hưng Yên); 161 xã, phường, thị trấn với diện tích tự nhiên 930,22km2, dân số gần 1,2 triệu người (năm 2015). Lịch sử hình thành và phát triển cùng với các đặc điểm về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của Hưng Yên đã tạo nên những giá trị truyền thống văn hóa hòa vào dòng chảy truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam với đầy đủ các giá trị đạo đức cao đẹp, nhưng cũng mang đậm dấu ấn nhân cách con người Hưng Yên.
1. Truyền thống thượng võ, yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm và xây dựng quê hương, đất nước
Được cấu thành từ 3 vùng đất của trấn Sơn Nam, trấn Hải Đông và trấn Kinh Bắc, vùng đất Hưng Yên vốn có vị trí đặc biệt trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Từ thời Hùng Vương, trải qua các triều đại phong kiến cho đến Cách mạng Tháng Tám (1945), đại thắng mùa Xuân (1975)… quân và dân Hưng Yên luôn sát cánh cùng nhân dân cả nước,
đóng góp cho Tổ quốc những anh hùng dân tộc cùng với chiến công hiển hách. Mở đầu trang sử chống xâm lăng của nhân dân Hưng Yên là chiến công của 3 chàng trai làng Thổ Hoàng (Ân Thi), của Hoàng An ở làng Phả Lễ (Văn Lâm) đã cùng Phù Đổng Thiên Vương đánh đuổi giặc Ân ở đời Hùng Vương thứ 6. Suốt hơn 1000 năm Bắc thuộc, nhân dân Hưng Yên cùng với toàn thể dân tộc Việt Nam chống lại ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc: Tham gia khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40 chống ách thống trị nhà Đông Hán, Hưng Yên đã có các tướng lĩnh Nguyệt Thai, Nguyệt Độ (Khoái Châu), Lã Văn Ất (Văn Giang), Hương Thảo (Ân Thi)… Năm 938, Ngô Quyền đóng đại bản doanh tại phố Vương (Phố Giác, huyện Tiên Lữ) chuẩn bị cho trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng nhằm đánh tan mưu đồ của nhà Hán, đã nhận được sự phối hợp tác chiến của tướng quân Phạm Bạch Hổ (Đằng Châu, nay thuộc thành phố Hưng Yên) và sự giúp đỡ của nhân dân các thôn Tiên Xá, Dị Chế (Tiên Lữ)… Trong 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên - Mông (1258, 1285, 1288), vùng đất Hưng Yên trở thành hậu cứ quan trọng của vương triều Trần với nhiều tên tuổi các tướng lĩnh và địa danh lịch sử: Xích Đằng3 với trận chiến Đông Bộ Đầu ngày 24-01-1258; tướng quân Phạm Ngũ Lão (Phù Ủng, Ân Thi) đã lập nhiều chiến tích to lớn, bảo vệ vẹn toàn hoàng tộc nhà Trần trên sông Hoàng Giang4; phòng tuyến Thiên Mạc, Hàm Tử, Đông Kết, Tây Kết đã góp phần chặn địch để vua Trần rút lui an toàn…  Dưới thời Nguyễn, nhân dân Hưng Yên hăng hái tham gia các phong trào của Phan Bá Vành (1821-1827), Cao Bá Quát (1854), Lê Duy Cự (1854) và Cai Vàng (1862). Khi quân Pháp đánh chiếm thành Hưng Yên lần thứ 2 ngày 28/3/1883, Đinh Gia Quế (thôn Thọ Bình, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu) tự xưng là Đổng Nguyên Nhung, dựng cờ “Bình Tây phạt tội” và chiêu mộ nghĩa binh, lập căn cứ chống thực dân Pháp ở Bãi Sậy (1883 - 1892)…Cùng với quá trình vận động không ngừng của phong trào cách mạng dân tộc, Hưng Yên là tỉnh có Chi bộ Đảng được thành lập sớm ngay từ cuối năm 1928 - Chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội Sài Thị (chợ Giàn, nay thuộc xã Thuần Hưng, huyện Khoái Châu) với 7 đồng chí, tạo tiền đề quan trọng cho việc thành lập Ban Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Hưng Yên năm 1941 tại xã Cẩm Ninh, huyện Ân Thi, sau này là Đảng bộ tỉnh Hưng Yên...Trong phong trào cách mạng 1930 - 1945, nhiều người con Hưng Yên đã tự nguyện đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ lựa chọn: Tô Hiệu (Nghĩa Trụ-Văn Giang), Nguyễn Văn Linh (Giai Phạm-Yên Mỹ), Bùi Thị Cúc (Vân Du-Ân Thi)… Họ chính là hiện thân tiêu biểu cho tinh thần quật khởi của mảnh đất và con người Hưng Yên. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), ý chí kiên cường, bất khuất của con người Hưng Yên lại được trỗi dậy cùng với nhân dân cả nước quyết giành nền độc lập cho Tổ quốc. Quân và dân Hưng Yên đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, làm nên những chiến công vang dội như “Đường 5 bất khuất, Bãi Sậy kiên cường”, phong trào “Du kích Hoàng Ngân”, mô hình “Làng kháng chiến” kiểu mẫu của đồng bằng Bắc Bộ. Với những chiến công to lớn, Hưng Yên đã được Bác Hồ tặng Cờ “Đoàn kết nhân dân đánh thắng giặc Pháp” (1952). Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), nhân dân Hưng Yên luôn làm tròn nhiệm vụ của hậu phương đối với tiền tuyến, đã chi viện sức người, sức của
cho chiến trường miền Nam. Giai đoạn 1968 - 1996, tỉnh Hưng Yên và Hải Dương hợp nhất đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và 2 lần thưởng Cờ Luân lưu Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Góp phần vào những thành tích xuất sắc đó có sự hi sinh anh dũng của gần 23000 liệt sĩ, 9.814 thương binh, 7.235 bệnh binh, 2.273 người bị địch bắt và ...Trong công cuộc đổi mới, nhất là sau 20 năm tái lập tỉnh, Hưng Yên đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất; 10/10 huyện, thành phố và 73 xã, phường, thị trấn được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 2.048 mẹ được truy tặng, phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”6. Ngoài ra, Đảng và Nhà nước còn tặng thưởng hàng vạn huân, huy chương các loại cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây thực sự là trang sử vàng chói lọi, là niềm tự hào của mảnh đất và con người Hưng Yên với chủ nghĩa yêu nước sâu sắc.
2. Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, trọng nhân tài
Vùng đất địa linh nhân kiệt này là điểm sáng của truyền thống hiếu học, tinh thần ham học hỏi, nhất là về cử nghiệp và thi thư. Hưng Yên thời nào cũng có nhân tài, nơi đâu cũng có người thành danh khoa bảng; có những gia đình, cha con, ông cháu đều văn võ kiêm toàn, trở thành danh nhân văn hóa, danh nhân lịch sử của đất nước; có những làng, xã có truyền thống khoa cử lâu đời, nhiều dòng họ đỗ đạt cao như làng Thổ Hoàng (Ân Thi), làng Xuân Cầu, Lại Ốc (Văn Giang),...
Trong 845 năm Hán học, Hưng Yên có 228 người thi đỗ đại khoa được ghi danh ở bia Văn Miếu (thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên), trong đó có 8/53 trạng nguyên của cả nước. Sử sách lưu danh và nhân dân ghi nhận những đóng góp lớn lao của đội ngũ các nhà cử nghiệp đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trên tất cả các lĩnh vực: Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370) quê Thổ Hoàng - Ân Thi, 12 tuổi đỗ thái học sinh, 16 tuổi đỗ hoàng giáp, từng đi sứ Bắc, là người biên soạn sử Nam và là đại thần của 5 đời vua Trần; Lê Như Hổ quê xã Hồng Nam - thành phố Hưng Yên là nhà toán học, ngoại giao, sử học lỗi lạc; Đoàn Thị Điểm (1705 -1748) quê Giai Phạm -Yên Mỹ, được mệnh danh là Hồng Hà nữ sĩ, dịch giả Chinh phụ ngâm nổi tiếng; Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác (1720 - 1791) quê Liêu Xá - Yên Mỹ là đại danh y của dân tộc… Văn miếu Xích Đằng (thành phố Hưng Yên) được xây dựng năm 1839 - Một biểu tượng minh chứng cho truyền thống hiếu học của mảnh đất và con người Hưng Yên.
Thực hiện Chỉ thị “Kháng chiến, kiến quốc” của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiệm vụ diệt “giặc dốt” những ngày đầu giành chính quyền, Hưng Yên là tỉnh đi đầu trong phong trào Bổ túc văn hóa và xóa mù chữ… Năm 1960, Hưng Yên đã được Trung ương Đảng tặng thưởng Cờ “Dẫn đầu về bổ túc văn hóa”, Bác Hồ ký lệnh tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và hạng Nhì về Bổ túc văn hóa. Hưng Yên còn là địa danh tiêu biểu của phong trào thi đua “Hai tốt”, phong trào xây dựng tập thể học sinh xã hội chủ nghĩa, có đóng góp quan trọng vào thành quả chung của nền giáo dục cách mạng nước nhà với những điển hình tiên tiến toàn quốc như: Trường Mầm non Tân Tiến (Văn Giang), Trường Mầm non Nhật Tân (Tiên Lữ), Trường Trung học cơ sở Trần Cao (Phù Cừ), Trường Trung học phổ thông Hưng Yên (thành phố Hưng Yên)... Mảnh đất này đã sinh dưỡng nhiều người con ưu tú tiêu biểu cho tinh thần hiếu học và có công lớn trên các lĩnh vực trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước: Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - người đề xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước; các văn nghệ sĩ, tướng lĩnh và trí thức lớn: Giáo sư Dương Quảng Hàm - nhà nghiên cứu Văn học đã đặt nền móng cho môn Lịch sử Văn học, đồng thời là nhà giáo dục khởi xướng chương trình quốc học cho nền giáo dục hiện đại; nhà văn hiện thực phê phán Nguyễn Công Hoan - người đã có công khai phá và mở đường cho chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam trong thời kỳ hiện đại; họa sĩ Tô Ngọc Vân (Văn Giang) - người có công đầu tiên trong việc sử dụng chất liệu sơn dầu ở Việt Nam và được xem là một trong những họa sĩ lớn nằm trong bộ tứ “Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn”; nhà văn trào phúng Vũ Trọng Phụng (Mỹ Hào); nhà thơ tiên phong trong phong trào Thơ mới Phạm Huy Thông (Ân Thi), vị tướng huyền thoại Trung tướng Nguyễn Bình (Yên Mỹ) - Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tô thắm truyền thống hiếu học của cha ông, trong thời kỳ hợp nhất tỉnh, nhất là sau 20 năm tái lập, truyền thống ham học hỏi đã được các thế hệ người Hưng Yên tiếp tục kế thừa phát huy. Đặc biệt, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015, sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh nhà phát triển vững chắc và đạt được nhiều kết quả tích cực, thực hiện từng bước đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo: Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ học sinh thi đỗ đại học cao. Hàng năm, ngành Giáo dục đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng nhiều phần thưởng cao quý… Cùng với kết quả nổi bật đạt được, Hưng Yên đã có nhiều chính sách quan trọng được ban hành thể hiện sự quan tâm chăm lo của tỉnh tới phát triển sự nghiệp giáo dục, nhất là đối với việc sử dụng và bồi dưỡng nhân tài, tiêu biểu: Đề án thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về làm công chức dự bị tại xã, phường, thị trấn; Đề án thu hút bác sĩ, dược sĩ (tốt nghiệp đại học chính quy) về tỉnh công tác; thực hiện chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo sau đại học và khuyến khích ưu đãi tài năng… Bên cạnh đó, chủ trương nhằm hướng tới xây dựng một xã hội học tập của tỉnh với công tác khuyến học, khuyến tài những năm qua đã được triển khai rộng khắp từ gia đình, dòng họ, thôn, xã đến cấp huyện, cấp tỉnh như đã tiếp lửa cho truyền thống hiếu học của mảnh đất nơi đây. Đó thực sự là nguồn cổ vũ, khích lệ và động viên to lớn các thế hệ người con Hưng Yên tiếp tục học tập, rèn luyện, đem tài năng, sức trẻ để cống hiến cho tỉnh, đất nước.
3. Truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, vượt khó vươn lên
Hưng Yên là tỉnh có lịch sử phát triển với dấu tích của nền văn minh lúa nước có từ rất sớm. Ngoài trồng trọt là nghề chính, tại mảnh đất này, nhiều nghề đã ra đời như một minh chứng cho đức tính cần cù, sáng tạo của người Hưng Yên, như: Nghề đúc đồng ở làng Cầu Nôm, Đại Đồng (Văn Lâm); nghề làm tương ở Bần, Yên Nhân (Mỹ Hào); nghề đan thuyền Nội Lễ (Tiên Lữ); nghề nấu rượu Trương Xá (Kim Động); nghề trạm bạc Huệ Lai (Ân Thi)…Trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, truyền thống lao động cần cù, vượt khó vươn lên càng được củng cố và phát huy. Năm 1945, chính quyền cách mạng vừa mới được thành lập phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thực hiện Chỉ thị của Trung ương và Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa!”, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã phát động phong trào tăng gia sản xuất với khẩu hiệu “Không để một tấc đất bỏ hoang”, “Tấc đất, tấc vàng”... Kết quả, bằng sức người và tình yêu đối với lao động, nhân dân Hưng Yên đã biến những vùng đất hoang thành ruộng đồng tốt tươi, những bờ ngòi, gò đống, bãi sông thành vạt sắn, ruộng ngô…; diện tích và sản lượng lương thực, thực phẩm tăng khá nhanh, đóng góp một phần không nhỏ vào thành quả chung của đất nước những ngày đầu Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Mảnh đất nơi đây không chỉ từng là điểm sáng của phong rào bổ túc văn hóa, cái “nôi” của phong trào xây dựng gia đình văn hóa, Hưng Yên còn rất điển hình về phong trào làm thủy lợi với tinh thần thi đua “Tiến quân làm thủy lợi”, “Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”… Trong 10 lần Bác Hồ về thăm Hưng Yên, có tới 8 lần Bác đến thăm các công trình thủy lợi. Hệ thống đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải7  được khởi công vào năm 1956 là công trình tiêu biểu cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, vượt khó vươn lên của con người Hưng Yên. Trong phong trào làm thủy lợi ấy đã xuất hiện những nữ Anh hùng lao động như: Phạm Thị Vách (Kim Động), Vũ Thị Tỵ (Tiên Lữ)…Với những thành tích tiêu biểu, Hưng Yên đã vinh dự được Bác Hồ 4 lần tặng Cờ Luân lưu làm thủy lợi khá nhất miền Bắc. Bước vào công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển để sớm trở thành tỉnh công nghiệp, tinh thần cần cù, sáng tạo, vượt khó vươn lên tiếp tục được phát huy cao độ và khẳng định bằng bức tranh phát triển toàn diện sau 20 năm tái lập: Những ngày đầu tái lập (1997), Hưng Yên đứng trước muôn vàn khó khăn, nhưng bằng sự vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng trong điều kiện thực tế của tỉnh, Hưng Yên hôm nay đang từng bước khẳng định được tầm vóc trên bước đường hội nhập. Nhiệm kỳ 2010 - 2015, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Hưng Yên đã có những bước tiến quan trọng, vững chắc với nhiều khởi sắc: Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 7,8% và cao hơn mức bình quân của cả nước; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 40 triệu đồng/năm, gấp hơn 10 lần so với năm 1997 lúc mới tái lập tỉnh. Tổng thu ngân sách trên địa bàn vượt kế hoạch Trung ương giao và vượt chỉ tiêu hàng năm. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực: Công nghiệp, xây dựng tăng mạnh, chiếm tỷ trọng cao; sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, chuyển mạnh sang hướng hàng hóa chất lượng cao và giá trị kinh tế cao, sản lượng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tăng. Kết cấu hạ tầng được đầu tư nâng cấp nhanh, đồng bộ. Quốc phòng - An ninh được tăng cường, giữ vững ổn định chính trị, đời sống nhân dân đã có nhiều tiến bộ rõ rệt… Kết quả đó là nguồn động viên, khích lệ to lớn và tạo nền tảng quan trọng để Hưng Yên tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu và sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo tinh thần Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra.
4. Truyền thống đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái, sống có nghĩa tình, thủy chung
Mang trong mình cùng nhịp đập dòng máu con Lạc cháu Hồng, mảnh đất và con người Hưng Yên rất đậm ân tình với chủ nghĩa nhân văn sâu sắc. Trong lịch sử, vùng đất Hưng Yên đã từng phải oằn mình trải qua nhiều cơn phẫn nộ khắc nghiệt từ hiểm họa của thiên nhiên tác động. Từ năm 1806 - 1898, với 92 năm đã có 39 năm đê vỡ, 10 năm hạn hán, 15 năm sâu dịch, riêng ở Hưng Yên đê Văn Giang vỡ 18 năm liền, đê Cửa Yên vỡ trong 6 năm liên tục… Từ năm 1905 - 1945, đê sông Hồng vỡ 10 lần, trong đó trận lụt lớn xảy ra vào năm 1915, một nửa lượng nước sông Hồng đổ vào 3 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, khiến cho ruộng đồng, làng mạc bị tàn phá nặng nề. Năm 1923, vụ lúa chiêm ở Bắc Kỳ bị hạn hán tiêu khô quá nửa, đến khi sắp được thu hoạch lại gặp mưa lụt. Tháng 9 - 10/1937, nạn lụt Đinh
Sửu đã nhấn chìm 38.000 mẫu ruộng, làm cho hàng trăm ngàn người trở nên đói rách8… Chính quá trình đó đã buộc người dân phải sống đoàn kết, gắn bó, sống có nghĩa tình. Trong đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng khi vừa giành được chính quyền (1945), thực hiện Chỉ thị “Kháng chiến, kiến quốc” và noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”, nhân dân Hưng Yên đã tự nguyện nhịn bữa, bớt ăn, san sẻ thóc, gạo, ngô, khoai trợ giúp đồng bào cứu đói. Tình người của mảnh đất nơi đây còn được thể hiện rất sâu đậm trong lửa đạn chiến tranh của hai cuộc kháng chiến: Ngoài việc bảo đảm lương thực, Hưng Yên đã tiếp tế 300 tấn gạo cho Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Lạng Sơn và một số thóc cho Trung Bộ năm 1946; đồng thời cũng đã chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước... Hòa bình lập lại, dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân càng được củng cố. Một trong những nét đẹp tiêu biểu cho tinh thần đại đoàn kết toàn dân của con người Hưng Yên, đó là hiệu quả từ phong trào xây dựng Nông thôn mới. Giai đoạn 2010 - 2015, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tổng nguồn vốn của tỉnh đã huy động đạt gần 40 nghìn tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 16 nghìn tỷ đồng cùng với hàng ngàn ngày công lao động và hiến đất làm đường. Đến tháng 6/2016, toàn tỉnh có 38/145 xã (26,2%) đạt 19/19 tiêu chí về chuẩn xây dựng Nông thôn mới. Bên cạnh đó, hàng loạt chính sách an sinh xã hội được tỉnh quan tâm chăm lo: Các quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vì người nghèo”, “Bảo trợ trẻ em”… hoạt động có hiệu quả; nâng mức hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội; thực hiện chính sách ưu đãi, chăm sóc người có công, tri ân các anh hùng liệt sĩ, nhận phụng dưỡng các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng...
*** ***
Nhìn lại tiến trình lịch sử hào hùng của dân tộc qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, trong đó có sức trỗi dậy của mảnh đất và con người Hưng Yên với chặng đường 185 năm qua, chúng ta thêm tự hào về những giá trị tinh thần và đặc điểm nhân cách con người Việt Nam. Các thế hệ dân tộc Việt Nam, trong đó có con người Hưng Yên đã gìn giữ, phát huy những nét đẹp truyền thống của chủ nghĩa yêu nước, anh hùng cách mạng và chủ nghĩa nhân văn sâu sắc. Hưng Yên đang cùng với cả nước bước vào quá trình toàn
cầu hóa, hội nhập quốc tế, bối cảnh đó sẽ có tác động không nhỏ tới các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Thế hệ trẻ Hưng Yên cùng với cả nước cần nhận thức sâu sắc giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và của quê hương Hưng Yên văn hiến; từ đó tự trau dồi bản lĩnh chính trị, tu dưỡng đạo đức, nhân cách xứng đáng với truyền thống hào hùng của cha ông; đóng góp tài năng và trí lực để cùng chung tay xây dựng quê hương, đất nước ngày càng trở nên giàu đẹp, văn minh. Hưng Yên đang cùng với cả nước bước vào quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, bối cảnh đó sẽ có tác động không nhỏ tới các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Thế hệ trẻ Hưng Yên cùng với cả nước cần nhận thức sâu sắc giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và của quê hương Hưng Yên văn hiến; từ đó tự trau dồi bản lĩnh chính trị, tu dưỡng đạo đức, nhân cách xứng đáng với truyền thống hào hùng của cha ông; đóng góp tài năng và trí lực để cùng chung tay xây dựng quê hương, đất nước ngày càng trở nên giàu đẹp, văn minh.
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 6. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.171.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.66.
3. Tên đoạn sông Hồng từ cuối thành phố Hưng Yên đến cửa Ba Lạt
4. Tên đoạn sông Hồng chảy qua thành phố Hưng Yên.
5. Theo  Sách Anh hùng liệt sỹ tỉnh Hưng Yên - 2012
6. Giai đoạn từ 1994 - 2015.
7. Gồm 2 kênh chính là Kênh chính Bắc từ cống Xuân Quan (Châu Giang) qua các xã Cửu Cao (Châu Giang), Trưng Trắc, Nghĩa Trụ, Vĩnh Khúc, Đồng Than, Thanh Long (Mỹ Văn) tới Minh Châu (Châu Giang) chia làm 2 nhánh - nhánh phía Đông đổ ra sông Kim Sơn và sông Cửu Yên ở đoạn Cống Tranh; nhánh phía Nam từ xã Thường Kiệt (Mỹ Văn) qua các huyện Châu Giang, Ân Thi, Kim Động tới phường Hiến Nam (thị xã Hưng Yên), gặp sông Hòa Bình chạy song song với đường 39B tới Cầu Tràng (Hải Dương). Kênh chính Nam từ cống Xuân Quan chảy qua phía Tây huyện Châu Giang tới Cầu Ngàng (Kim Động), gặp sông Điện Biên rồi chảy về phía Đông gặp sông Sậy, giáp Hải Dương.
8. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, tập I (1929-1954). Nxb Văn hóa Thông tin, 2008, tr.18-20.
Nguồn: Sách giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên tỉnh Hưng Yên
Tin liên quan