KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Quốc phòng - An Ninh
Đăng ngày: 01/09/2024 - Lượt xem: 358
Những người lính thông tin góp phần làm nên chiến thắng

Thông tin liên lạc giữ vai trò quan trọng, góp phần vào sự thắng - thua ở từng trận đánh. Trong mưa bom, bão đạn, các chiến sĩ thông tin liên lạc không chỉ dũng cảm mà còn phải mưu trí, sử dụng khéo léo, linh hoạt các phương tiện sẵn có để bảo đảm thông tin thông suốt phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Họ đã biết kết hợp giữa các phương tiện hữu tuyến điện, vô tuyến điện, thông tin chuyển đạt - tín hiệu một cách chặt chẽ, giữ được bí mật bảo đảm chỉ huy tác chiến trên trận địa cũng như tiếp nhận và phản hồi thông tin giữa các bên góp phần vào chiến thắng chung, đồng thời giảm tối đa thương vong cho đồng đội.

Cụ Nguyễn Đức Mạc, xã Lý Thường Kiệt (Yên Mỹ) kể về những kỷ niệm khi là chiến sĩ thông tin trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954

Cụ Nguyễn Đức Mạc, ở xã Lý Thường Kiệt (Yên Mỹ) năm nay đã 94 tuổi nhưng những ký ức khi còn là người lính thông tin năm xưa vẫn vẹn nguyên. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, cụ Mạc cùng lớp lớp thanh niên cùng thời đã hăng hái lên đường nhập ngũ. Sau khi huấn luyện, cụ Mạc trở thành chiến sĩ thông tin với nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ chiến đấu của đơn vị. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, điều kiện về trang thiết bị phục vụ chiến đấu của quân ta rất hạn chế và các thiết bị thông tin liên lạc cũng thiếu thốn. Do vậy, để bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, cụ Mạc cùng đồng đội phải khéo léo, linh hoạt, tùy điều kiện chiến đấu, thiết bị để áp dụng các biện pháp liên lạc khác nhau. Cụ Mạc kể lại: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi cùng đồng đội có nhiệm vụ phụ trách nối dây liên lạc, trong đó tôi là tiểu đội trưởng. Bảo đảm thông tin liên lạc trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn đã rất khó khăn lại còn thường xuyên bị địch bắn phá làm đứt, hỏng dây liên lạc. Nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ nối dây liên lạc nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm thông tin thông suốt phục vụ chiến đấu. Khi đó, chúng tôi phải vận dụng khéo léo, linh hoạt tất cả phương tiện, thiết bị được trang bị để chuyển tải thông tin kịp thời, chính xác. Không chỉ có vậy, chúng tôi còn không ngại nguy hiểm, kết hợp giữa bảo đảm thông tin liên lạc với dẫn đường cho lực lượng dân công vận chuyển đạn phục vụ chiến đấu. Thông tin thông suốt đã giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo chiến đấu được thuận lợi, giúp quân ta giành thắng lợi và giảm thiểu thương vong.

Đối với cụ Đặng Văn Long, 92 tuổi ở xã Trung Hưng (Yên Mỹ), mỗi cuộc chiến qua đi đã để lại nhiều vết thương trên thân thể và nỗi đau trong tâm trí khi chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh. Khi mới tham gia quân ngũ, cụ Long là chiến sĩ quân báo có nhiệm vụ do thám thông tin địch phục vụ tác chiến của quân ta. Trong quá trình làm nhiệm vụ, cụ Long và bộ phận thông tin đã kết hợp nhuần nhuyễn để tiếp nhận cũng như gửi đi những thông tin quan trọng phục vụ chiến đấu. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, cụ Long về công tác tại Cục Thông tin liên lạc thuộc Bộ Tổng Tư lệnh. Tại đây, cụ Long cùng đồng đội tiếp tục phát huy những kỹ năng, kinh nghiệm tác chiến để không ngừng cải tiến, sáng tạo, giữ mạch máu thông tin liên lạc luôn thông suốt. Cụ Long cho biết: Thời chiến, nhiệm vụ của các chiến sĩ thông tin, liên lạc rất nguy hiểm, gian nan, không chỉ đòi hỏi sự gan dạ, dũng cảm mà còn phải mưu trí, khôn khéo. Máy thông tin nặng vài chục cân luôn phải khoác trên vai, đồng thời vừa phải tránh bom, đạn vừa phải tìm mọi cách nối dây liên lạc, phát tín hiệu vô tuyến điện hợp lý để bảo đảm bảo mật, an toàn. Thắng lợi của các chiến dịch có một phần công lao rất lớn của bộ đội thông tin.

Không chỉ giữ vai trò quan trọng trên chiến trường, những chiến sĩ thông tin nơi hậu phương cũng góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Họ có thể không trực tiếp chiến đấu với quân địch nhưng những thông tin họ chuyển tải đã mang đến động lực cổ vũ cho toàn dân ta đồng lòng, đoàn kết để đánh đuổi kẻ thù và phát triển kinh tế. Những lá thư từ hậu phương gửi ra tiền tuyến báo bình an và thư từ tiền tuyến gửi về hậu phương báo tin thắng trận đã trở thành sợi dây kết nối tình cảm giúp người chiến sĩ nơi chiến trường vững chí, bền gan và người thân nơi hậu phương chắc tay cày, tay cuốc để chi viện với niềm tin vào chiến thắng, vào độc lập, tự do. 

Ông Trần Thế Hiển, phường Lê Lợi (thành phố Hưng Yên) nhớ lại: Tôi nhập ngũ và tham gia chiến đấu ở chiến trường từ năm 1967. Xa gia đình nên thư là phương tiện liên lạc duy nhất để tôi biết được thông tin nơi quê nhà cũng như gửi tình cảm, nỗi nhớ nhà qua thư gửi về hậu phương. Lá thư nhà chính là những liều thuốc tinh thần giúp chúng tôi quên đi mệt nhọc và lấy lại tinh thần để tiếp tục chiến đấu. Sau khi rời quân ngũ năm 1974, tôi trở thành bưu tá và gắn bó với nghề gần 20 năm. Với tôi, nghề bưu tá đã mang đến nhiều niềm vui khi thực hiện sứ mệnh kết nối tiền tuyến với hậu phương. Mỗi bức thư được chuyển tải không chỉ đơn giản là thông tin mà nó còn là tình cảm, là niềm vui, là động lực để toàn dân ta trường kỳ kháng chiến và đã thắng lợi vẻ vang.

Chiến tranh đã qua đi, đất nước hòa bình và ngày càng phát triển nhưng chúng ta mãi không thể quên những đóng góp, hy sinh, mất mát của ông cha, trong đó có những chiến sĩ thông tin, những người đã dũng cảm, mưu trí giữ vững mạch máu thông tin liên lạc cũng như những bưu tá ngày đêm cần mẫn vượt muôn vàn gian khó để kết nối tiền tuyến với hậu phương.

Nguồn: https://baohungyen.vn

Tin liên quan