Không giáo án, không phấn trắng, bảng đen, nhưng những cán bộ, nhân viên của Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh (trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), trụ sở tại xã Xuân Trúc (Ân Thi) vẫn được kính trọng gọi bằng “thầy”, “cô”, bởi “học trò” của họ là những học viên đang cai nghiện. Nhiệm vụ của những người thầy “đặc biệt” này không chỉ đơn giản giúp học viên cắt cơn nghiện mà còn cảm hóa, giáo dục, dạy nghề để những mảnh đời “lầm lỡ” nhận thức được sai lầm và tìm lối hoàn lương.
Hiện nay, Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh (Cơ sở) có 44 cán bộ, nhân viên, tiếp nhận điều trị gần 200 học viên, chia làm 2 nhóm đối tượng là tự nguyện và bắt buộc. Học viên được tiếp nhận vào cơ sở trải qua những giai đoạn: Cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe; giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách thông qua quá trình học tập, rèn luyện thể lực, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; tổ chức lao động trị liệu; tư vấn, hỗ trợ tìm việc làm và tái hòa nhập cộng đồng.
Ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh cho biết: Chúng tôi quản lý, giáo dục học viên như một trường học, điều trị nghiện ma túy như một bệnh viện và giáo dục, rèn luyện phục hồi hành vi, nhân cách như môi trường quân đội. Việc quản lý vài trăm con người không còn “lành lặn” về thể chất lẫn tinh thần là công việc khó khăn, thậm chí là hiểm nguy, vì vậy, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Cơ sở trước tiên cần có bản lĩnh và có tâm với nghề mới có thể giúp những học viên của mình sớm quên đi “cái chết trắng” đeo đẳng cuộc đời họ.
Lao động trị liệu là phương pháp điều trị nghiện đang được thực hiện
tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh
Có dịp đến Cơ sở, chứng kiến công việc thường ngày của cán bộ, nhân viên nơi đây, lắng nghe họ chia sẻ về những kỷ niệm vui, buồn làm nghề mới thấy được bản lĩnh và tâm huyết của những người thầy chưa từng một lần đứng trên bục giảng…
Đến nay, chị Vũ Thị Vinh đã có 14 năm công tác tại Cơ sở. Những ngày đầu nhận nhiệm vụ, một nhân viên trẻ chưa xây dựng gia đình, hằng ngày tiếp xúc, dạy nghề cho hàng trăm học viên nghiện ma túy, có những người mắc bệnh bệnh truyền nhiễm khiến chị cảm thấy lo lắng, mặc dù luôn có đồng nghiệp và lực lượng chức năng hỗ trợ. Nhưng rồi, khi nhẫn nại tìm hiểu, biết được hoàn cảnh éo le của từng người khi sa ngã vào “cái chết trắng” khiến chị thêm đồng cảm và mong muốn giúp đỡ. Chị Vinh chia sẻ: Có thể ở ngoài xã hội người nghiện bị kỳ thị nhưng khi vào đây, giáo viên phải là người nhìn thấy được mặt tích cực của từng học viên. Như vậy họ mới có cảm thấy bản thân còn giá trị và cảm giác được tôn trọng, khi đó mình nói họ mới nghe và làm theo. Cho đi thế nào sẽ nhận lại thế đó, tất cả các học viên tại đây đều gọi chúng tôi là “thầy”, “cô” để thể hiện sự tôn trọng những người đã đồng hành cùng họ trên con đường tìm về ánh sáng”.
Hầu hết học viên tại Cơ sở có thời gian dài sử dụng các chất gây nghiện, sức khỏe kém, thường chống đối, bất hợp tác, có những người từng mang tiền án, tiền sự, mắc bệnh AIDS… Thời gian mới vào điều trị, nhiều học viên chưa cắt cơn, sức khỏe không ổn định, hung hãn, hay gây gổ. Một số cán bộ của cơ sở bị đã thương tích trong quá trình làm nhiệm vụ.
Anh Nguyễn Đức Thuận có trên 10 năm làm việc tại Phòng Quản lý học viên thường ví von công việc anh làm là “nghề nguy hiểm”. Đầu năm 2023, trong lúc phối hợp cùng gia đình đưa học viên vào cơ sở điều trị theo diện tự nguyện, anh bị đối tượng dùng dao chém vào tay. Anh Thuận cho biết: Một số đồng nghiệp của tôi trong quá trình làm nhiệm vụ bị học viên sử dụng dao hoặc dụng cụ sản xuất nông nghiệp làm bị thương. Vì vậy, xác định gắn bó với công việc là xác định thường trực đối mặt với hiểm nguy, bản thân phải luôn chủ động nắm bắt, theo dõi diễn biến tâm lý học viên, có phương án xử lý tình huống kịp thời, đặc biệt quá trình quản lý phải cương – nhu kết hợp.
Dù công việc tiềm ẩn những hiểm nguy bất chợt nhưng nếu được lựa chọn lại công việc, anh Thuận và nhiều đồng nghiệp của anh vẫn tự tin tiếp tục làm người thầy ở ngôi trường đặc biệt này. “Mỗi học viên đều có những ưu điểm, tuy nhiên vì hoàn cảnh, nhận thức không may mắc phải tệ nạn xã hội. Vì vậy, để giáo dục học viên, điều tiên quyết đối với người cán bộ quản lý là phải gương mẫu, chuẩn chỉnh trong mọi lời nói, hành vi. Bên cạnh đó, cần phải có tâm huyết, sự quan tâm, chia sẻ, tình thương với học viên, xem học viên như người nhà để cảm hóa”, chị Đặng Thị Chi, Trưởng phòng Giáo dục – Dạy nghề - Công tác xã hội khẳng định.
Gắn bó với nghề, các cán bộ, nhân viên tại Cơ sở phải đánh đổi rất nhiều, hầu hết mọi người đều không có được cái Tết nào trọn vẹn với gia đình. Anh Phạm Quốc Anh, Phòng Quản lý học viên chia sẻ: Những ngày lễ, ngày Tết gần như chúng tôi phải thay nhau “trực chiến” vì thời điểm này tâm lý học viên rất dễ dao động, cơ sở tập trung tổ chức những hoạt động vui chơi, sinh hoạt, giải trí để họ yên tâm rèn luyện. Đổi lại, tôi nhận được sự tin yêu, mến phục từ các học viên và gia đình của họ. Mỗi dịp 20/11, những trang báo tường, bài thơ hay những bông hoa… tự tay học viên chuẩn bị là món quà ý nghĩa tiếp thêm cho tôi sức mạnh trong công việc.
Anh Đinh Quang T. ở huyện Ân Thi, học viên cai nghiện bắt buộc chia sẻ: Thời gian đầu mới vào cơ sở, tôi được các thầy, cô giáo quan tâm, chỉ dạy từ những điều nhỏ nhất, dành cho tôi những lời động viên, chia sẻ. Tôi nhận ra sai lầm của mình và tự nhủ cố gắng điều trị thật tốt, sau này tái hoà nập cộng đồng trở thành người có ích cho xã hội.
Lặng lẽ, không hoa, không quà mỗi dịp 20/11 nhưng đối với những người thầy “đặc biệt” của Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh, khi một học viên cai nghiện thành công, tái hòa nhập cộng đồng trở thành người có ích cho xã hội chính phần thưởng, là những bông hoa tri ân tiếp thêm động lực để họ giảng dạy và đồng hành cùng những người nghiện vượt lên chính mình làm lại cuộc đời.
Nguồn: https://baohungyen.vn