KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 27/08/2024 - Lượt xem: 889
Những tấm gương điển hình trong bảo tồn, gìn giữ và phát triển văn hóa

Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều tấm gương điển hình trong bảo tồn, gìn giữ và phát triển văn hóa. Những điển hình đó dù ở độ tuổi, cương vị, ngành nghề nào cũng đều tỏa sáng tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết, sự năng động, sáng tạo; tiêu biểu cho ý chí, nghị lực, khát vọng vươn lên, cống hiến vì sự nghiệp phát triển văn hóa, vì cộng đồng và xã hội.

Người nặng lòng với nghệ thuật ca trù

Nghệ nhân nhân dân Đỗ Thị Thanh Nhàn (ngồi giữa hàng đầu) biểu diễn nghệ thuật hát ca trù

Nghệ nhân Nhân dân Đỗ Thị Thanh Nhàn, sinh năm 1968 tại thành phố Tam Điệp (Ninh Bình). Sau khi lập gia đình, bà chuyển về quê chồng sinh sống tại thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên) với công việc chính là một lương y. Vốn là người đam mê nghệ thuật, bà tìm hiểu và được biết thôn Đào Đặng chính là nơi khởi nguồn của lối hát ca trù, là quê hương của ca nương Đào Thị Huệ - người được coi là bà tổ của nghệ thuật ca trù và còn lập công lớn giúp nhà Lê chuốc rượu giết giặc Minh. Nhận thấy nghệ thuật hát ca trù dần bị mai một, bà Nhàn đã sưu tầm lại các điệu hát cổ qua sách vở và tìm hiểu truyền ngôn của những người cao tuổi trong thôn để từ đó phục dựng lại, làm hồi sinh nghệ thuật hát ca trù trên đất Hưng Yên. Năm 2012, bà Nhàn thành lập Câu lạc bộ (CLB) ca trù Đào Đặng. Đến nay, CLB đã có 28 thành viên tham gia, người cao tuổi nhất gần 80 tuổi, người trẻ tuổi nhất là những cháu nhỏ đang học tiểu học. Trong nhiều năm qua, bà Nhàn cùng với các thành viên trong CLB tích cực đi truyền dạy, quảng bá nghệ thuật hát ca trù Hưng Yên cho hàng trăm hạt nhân văn nghệ trong tỉnh. Nặng lòng say mê và góp phần gìn giữ, trao truyền, lan tỏa nghệ thuật ca trù, năm 2015, bà Đỗ Thị Thanh Nhàn vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đặc biệt, ngày 9/9/2022, Chủ tịch nước ký ban hành Quyết định số 1020/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Nghệ nhân Nhân dân" cho bà Đỗ Thị Thanh Nhàn. Đây là phần thưởng cao quý, ghi nhận những cống hiến xuất sắc của bà Đỗ Thị Thanh Nhàn trong gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Công chức văn hóa - xã hội tận tâm, trách nhiệm với công việc

Đồng chí Nguyễn Quốc Tuấn, công chức văn hóa - xã hội, xã Mễ Sở (Văn Giang)

Năng nổ, nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm, cùng nhiều cách làm sáng tạo trong công việc, đồng chí Nguyễn Quốc Tuấn, công chức văn hóa - xã hội, xã Mễ Sở (Văn Giang) đã có nhiều đóng góp tích cực trong xây dựng và phát triển các hoạt động văn hóa ở địa phương. Năm 1989, đồng chí Tuấn về công tác tại UBND xã Mễ Sở và phụ trách lĩnh vực truyền thanh của địa phương. Là người không chỉ gắn bó, am hiểu các phong trào văn hóa mà còn có nhiều “tài lẻ” trong tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao ở địa phương nên đồng chí Tuấn được lãnh đạo địa phương tin tưởng giao nhiệm vụ làm cán bộ văn hóa từ năm 1997 đến nay. 27 năm trên cương vị được giao, đồng chí đã tham mưu với lãnh đạo UBND xã Mễ Sở ban hành quy chế thực hiện nếp sống văn hóa, quy định về tổ chức lễ hội, lễ cưới, lễ tang. Quy chế được xây dựng trên cơ sở bàn bạc, tham vấn công khai, dân chủ nên được Nhân dân đồng tình hưởng ứng và tự giác thực hiện. Nhờ đó, từ nhiều năm nay, tất cả các lễ hội, lễ cưới, lễ tang tổ chức tại địa phương đều được thực hiện theo đúng nếp sống văn hóa, hạn chế cơ bản các thủ tục rườm rà, lạc hậu. Năm 2023, tỉ lệ gia đình văn hóa của xã đạt 97%; 6/6 thôn đạt và giữ vững danh hiệu làng văn hóa. Trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, đồng chí Tuấn đã tham gia vận động Nhân dân ủng hộ đóng góp kinh phí trùng tu, tôn tạo 3 di tích cấp quốc gia trên địa bàn xã với số tiền gần 4 tỷ đồng. Với những nỗ lực và đóng góp tích cực trong công tác văn hóa ở cơ sở, đồng chí Nguyễn Quốc Tuấn nhiều lần được các cấp, các ngành tuyên dương, khen thưởng.

Người gần 20 năm "Ăn cơm nhà, lo việc đền"

Ông Nguyễn Ngọc Bình, thành viên Ban quản lý di tích đền An Xá

Đền An Xá (còn gọi tên khác là Đậu An), tọa lạc tại thôn An Xá, xã An Viên (Tiên Lữ). Ngày 31/12/2020, đền An Xá được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Trong đền có 2 bảo vật quốc gia là Tháp đất nung và Bệ thờ đất nung. Mỗi năm, đền An Xá đón hàng vạn du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái. Ông Nguyễn Ngọc Bình, thành viên trong Ban quản lý di tích đền An Xá đã gắn bó với việc trông coi, bảo vệ, phát huy giá trị ngôi đền trong gần 20 năm nay. Ngày nào dù nắng hay mưa, ông cũng có mặt ở đền để trông coi, vệ sinh sạch sẽ di tích, đóng, mở cửa đón khách tham quan, tận tình hướng dẫn cho du khách thập phương các nghi thức truyền thống, thực hiện nếp sống văn minh tại di tích. Những ngày khách tham quan đông, đến giờ ăn, ông Bình và các thành viên trong Ban quản lý di tích thay phiên nhau, bảo đảm thường xuyên có người trực. Ông Bình còn là người góp công không nhỏ trong việc vận động khách thập phương công đức, kiến thiết ngôi đền trở nên khang trang như hiện nay. Suốt gần 20 năm tận tụy, cần mẫn, trách nhiệm với công việc trông coi, bảo vệ đền An Xá như vậy, nhưng ông không nhận thù lao. Ông Bình chia sẻ: Tôi xác định đây là việc làm tự nguyện, góp một phần công sức nhỏ bé của người con quê hương trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa do cha ông để lại. Điều mong mỏi lớn nhất của tôi là di tích đền An Xá tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư tôn tạo, tu bổ để ngày càng khang trang hơn. Có như vậy mới thực sự xứng đáng với giá trị văn hoá – lịch sử của di tích này.

Nguồn: https://baohungyen.vn

Tin liên quan