KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 12/03/2024 - Lượt xem: 3391
Những thách thức về vấn đề dân số

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), song tỉnh Hưng Yên đang vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng tăng, mất cân bằng tỉ số giới tính khi sinh, già hóa dân số...

Theo tổng hợp của Chi cục DS-KHHGĐ,  từ năm 2016 đến năm 2023, tỉ số giới tính khi sinh của tỉnh dao động từ 117 đến 121 bé trai/100 bé gái, trong đó năm 2016 tỉ số cao nhất là 121 bé trai/100 bé gái, năm 2023 tỉ số này là 120/100. Trung bình trong 8 năm,  tỉ số bé trai/bé gái của tỉnh Hưng Yên là 119,3/100, con số này của toàn quốc là 112,3/100. Như vậy, từ năm 2016 đến nay, tuy có giảm và khống chế được tốc độ tăng theo chỉ tiêu giao của Cục Dân số là dưới 0,3 điểm %, nhưng tỉ số mất cân bằng giới tính khi sinh của tỉnh không ổn định và vẫn nằm trong nhóm 10 tỉnh có tỉ số giới tính khi sinh cao nhất cả nước. Theo bảng tỉ số giới tính khi sinh năm 2023, ở lần sinh thứ nhất và thứ hai  đã có hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh, lần sinh thứ 3 trở lên mất cân bằng giới tính khi sinh rất cao. Cụ thể, năm 2023, tổng số trẻ sinh ra là 14.754 bé, tỉ số 120 bé trai/100 bé gái; trong đó, tỉ số bé trai/bé gái đối với số trẻ em sinh ra là con thứ 1 là 109/100, đối với trẻ là con thứ 2 là 114/100, số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên là 156/100. Mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở cả 10 huyện, thị xã, thành phố, tập trung cao hơn ở địa bàn có kinh tế phát triển, khu công nghiệp.
Một buổi truyền thông nâng cao kiến thức, kỹ năng, tư vấn công tác dân số cho cán bộ dân số
Một thách thức nữa của dân số Việt Nam là tốc độ già hóa dân số nhanh. Từ năm 2011, Việt Nam đã bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số khi tỉ lệ người trên 60 tuổi chiếm xấp xỉ 10%. Năm 2019, tỉ lệ này là 12%. Dự báo, đến năm 2038, tỉ lệ người trên 60 tuổi tăng lên trên 20%. Khi đó, Việt Nam chính thức bước sang giai đoạn dân số già. Ở tỉnh Hưng Yên, năm 2023, toàn tỉnh có 246.270 người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 18%, gần đạt mức 20% (toàn quốc là 12,8%). Trong khi đó, số người cao tuổi không có lương hưu chiếm khoảng 70%. Về chất lượng dân số, tuổi thọ trung bình của người dân Hưng Yên là 75 tuổi (trung bình cả nước là 73,5 tuổi), tuy nhiên, số năm sống khỏe mạnh thấp do có bệnh tật. Gánh nặng bệnh tật kép, thường mắc các bệnh mạn tính, chủ yếu là các bệnh mạn tính không lây nhiễm đòi hỏi điều trị và chăm sóc lâu dài. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tỉnh Hưng Yên có khoảng 35 nghìn người mắc bệnh huyết áp cao và khoảng 15 nghìn người mắc bệnh tiểu đường đang được quản lý, chủ yếu là người già. Việc tăng nhanh dân số già đồng nghĩa với suy giảm tăng trưởng lực lượng lao động, dẫn đến kìm hãm năng suất lao động. Mặt khác, đó cũng là thách thức trong việc bảo đảm thu nhập cho người cao tuổi và bất bình đẳng trong xã hội. Dân số già có xu hướng sử dụng nhiều dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe hơn, gây sức ép lớn với hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Chi phí trung bình để chăm sóc sức khỏe cho một người cao tuổi bằng 7-8 lần chi phí trung bình chăm sóc sức khỏe cho một người trẻ tuổi, vì vậy, với số lượng người già tăng lên, hệ thống lương hưu và an sinh xã hội sẽ phải đối mặt với một áp lực lớn, chi tiêu công tăng để hỗ trợ người già không có nguồn thu nhập và các chương trình hỗ trợ khác.
Ngoài ra, Hưng Yên là 1 trong 33 tỉnh, thành phố chưa đạt mức sinh thay thế (mức sinh thay thế trung bình cần là 2,1 con/1 phụ nữ), đối với Hưng Yên năm 2023 là 2,38 con/1 phụ nữ. Điều này đồng nghĩa với tỉ lệ sinh con thứ 3 tăng, chiếm 23,9%.
Theo đồng chí Phạm Văn Khởi, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ, để giải quyết những thách thức trong công tác DS-KHHGĐ hiện nay cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tạo sự thống nhất nhận thức của hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về tiếp tục chuyển trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển; tập trung giải quyết toàn diện các vấn đề về quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số, duy trì tỉ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 1%, giảm sinh để đưa về mức sinh thay thế (trung bình mỗi phụ nữ từ 15 đến 49 tuổi đẻ 2,1 con); khống chế, đưa tỉ số giới tính khi sinh tiếp cận mức cân bằng tự nhiên; tận dụng cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số. Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, tư vấn nhằm xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử trên cơ sở giới, thực hiện hiệu quả các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ, trẻ em gái trong gia đình và xã hội.
Cùng với đó, phải bảo đảm thu nhập cho người cao tuổi, khuyến khích tạo việc làm phù hợp để người cao tuổi vừa có thu nhập cải thiện đời sống, vừa được chăm sóc y tế khi bệnh tật, ốm đau, bảo đảm chất lượng sống. Cần xây dựng một hệ thống quỹ hưu trí vững mạnh, giúp người cao tuổi yên tâm với mức sống khi đến tuổi nghỉ hưu. Mạng lưới an sinh xã hội cần được thực hiện và hoàn thiện để giúp người cao tuổi tiếp cận với các dịch vụ xã hội và y tế thiết yếu. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ dân số các cấp; tăng nguồn lực cho công tác dân số…
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan