Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cùng với cả nước, quân và dân Hưng Yên không chỉ hăng hái đóng góp sức người, sức của cho chiến trường, mà còn triển khai chiến đấu tại địa phương nhằm chặt đứt đường chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ của địch cả đường bộ và đường thủy. Điển hình như: Trận đánh đồn Bần Yên Nhân (thị xã Mỹ Hào), trận đánh tiêu diệt bốt La Tiến (Phù Cừ); trận phá càn ở thôn Hải Yến (Tiên Lữ)...
Cuối tháng 12/1953, địch gấp rút tăng cường lực lượng hòng biến Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh, trong khi chủ lực của ta hoạt động mạnh trên chiến trường Thượng Lào, Tây Bắc khiến địch bị động, tìm cách rút lực lượng cơ động ở đồng bằng để đối phó với mặt trận chính. Trước tình hình trên, Liên khu ủy, Bộ Tư lệnh Liên khu 3 và khu Tả Ngạn họp bàn xác định phương hướng, chủ trương tiếp tục tiến công địch. Để hoàn thành nhiệm vụ trên, từ đầu năm 1954, Liên chi ủy và Ban Chỉ huy Tỉnh đội tập trung vào việc xây dựng, củng cố, mở rộng bộ đội địa phương và nâng cao chất lượng, dân quân du kích, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu mới. Phong trào “săn địch”, “tìm địch mà đánh” diễn ra ở khắp các địa phương, nhất là các huyện có tuyến đường 5, đường sắt chạy qua.
Bia căm thù nằm trong khuôn viên Di tích lịch sử Quốc gia Cây đa và Đền La Tiến – nơi ghi dấu tội ác của thực dân Pháp khi chúng đồn trú ở bốt La Tiến
Trước sức ép rất mạnh của ta, từ ngày 7 đến ngày 25/1/1954, địch mở cuộc hành quân Angiêri nhằm giải tỏa thị xã Hưng Yên và tuyến vận tải thủy trên sông Luộc. Bộ đội các huyện và du kích trong khu vực địch hành quân đã chủ động đánh càn. Theo nhiều tài liệu ghi lại, thời điểm đó, địch càn quét vào 35 thôn thì có 28 thôn nổ súng chống càn, còn các thôn khác chúng đều bị thụt vào hố chông, vướng mìn. Trận đánh lớn phá càn đêm ngày 11/1/1954 tại làng Hải Yến (Tiên Lữ), ta đã tiêu diệt gọn Tiểu đoàn Mường số 2 của Binh đoàn số 3, tiêu diệt và làm bị thương 250 tên, bắt 60 tên, thu nhiều vũ khí, làm thất bại hoàn toàn chiến dịch Angiêri của địch. Hay như trận đánh tiêu diệt bốt La Tiến, xã Nguyên Hòa (Phù Cừ) - nơi mà trong thời gian đóng quân ở đây, địch đã sát hại hơn 1 nghìn đồng bào, chiến sĩ của ta bằng nhiều hành động rất dã man. Đêm ngày 31/1/1954, bằng chiến thuật khôn khéo, bộ đội chủ lực, trực tiếp là Tiểu đoàn 664, Trung đoàn 42 cùng lực lượng vũ trang địa phương huyện Phù Cừ chỉ trong vòng 20 phút, đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ lực lượng địch đồn trú, thu một số lượng lớn vũ khí, xóa sổ một căn cứ gây tội ác khét tiếng của địch ở Đồng bằng Bắc Bộ. Chiến thắng La Tiến đã phá vỡ hoàn toàn thế kìm kẹp của địch ở khu vực trọng yếu phía Nam Hưng Yên, phía Tây Hải Dương, phía Bắc Thái Bình, đánh thông con đường thủy huyết mạch trên sông Luộc để lực lượng kháng chiến cơ động đánh địch; tạo điều kiện để Nhân dân địa phương tham gia tòng quân, dân công hỏa tuyến, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi cuối cùng.
Cũng trong thời điểm này, ở phía Bắc tỉnh, ta tập trung đẩy mạnh hoạt động đánh phá địch và đánh phá giao thông đường sắt, đường 5 với mật độ dày đặc và hiệu suất cao chưa từng có. Chỉ trong tháng 1/1954, bộ đội và du kích Văn Lâm đánh đổ và phá hủy 14 đoàn tàu hỏa quân sự của địch, một lần nữa đường 5 lại “nổi sấm”.
Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu tổ chức nhiều trận đánh hiệu quả để phối hợp với Điện Biên Phủ, trong đó có “Đợt Tổng công kích đường 5” - tuyến đường bộ huyết mạch để thực dân Pháp đưa người, phương tiện chiến tranh và lương thực vào chiến trường Tây Bắc. Đồn Bần Yên Nhân khi đó là một đồn binh án ngữ trên Quốc lộ 5, được địch phòng thủ khá mạnh. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, đồng chí Nguyễn Bình đã xây dựng cơ sở, nắm bắt tình hình, tuyên truyền cách mạng cho một số lính khố xanh và nắm bắt được nhiều hoạt động, cách bố phòng của địch ở trong đồn Bần Yên Nhân. Khi thấy đủ điều kiện và thời cơ tới, đồng chí đã báo cáo và được Xứ ủy Bắc Kỳ đồng ý tấn công đồn Bần. Đêm ngày 12/3/1945, thực hiện đúng kế hoạch đề ra, khi các lực lượng đã tập trung ở khu vực cách đồn Bần khoảng 200m, đồng chí Nguyễn Bình cùng các đồng chí Việt Minh khác trong quân phục sĩ quan Nhật tiến về phía cổng đồn. Đúng giờ đã định, trong đồn vang lên một tiếng pháo, cổng đồn mở toang, lực lượng của ta xông vào làm địch không kịp trở tay. Ta thu được rất nhiều súng, đạn... và nhanh chóng rút khỏi đồn an toàn. Sáng hôm sau, tin Việt Minh đánh đồn Bần Yên Nhân được truyền khắp trong Nhân dân với những lời khen, sự thán phục quân Việt Minh có tài “xuất quỷ nhập thần"… Đánh giá về trận đánh đồn đặc biệt này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói đây là “Một trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc bộ”.
Khi Điện Biên Phủ mở đợt công kích thứ hai (30/3/1954), Hưng Yên lại mở đợt hoạt động mới trên cả tuyến đường 5 và ở phía Nam của tỉnh. Ngày 22/4/1954, Trung đoàn 42 cùng 3 đại đội của Văn Lâm, Yên Mỹ, Phù Cừ đánh trận phục kích lớn tại chợ Đường Cái, tiêu diệt toàn bộ tiểu đoàn địch mới từ chiến trường Triều Tiên về, đang trên đường lên Hà Nội để tiếp viện cho Điện Biên Phủ, diệt tại trận 179 tên, làm bị thương 64 tên, bắt 108 tên, phá hủy nhiều vũ khí; giải thoát cho 104 người bị địch bắt đi làm phu quân sự. Đây là trận thắng lớn nhất trong đợt hoạt động phối hợp với Điện Biên Phủ trên đường 5.
Ngày 7/5/1954, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ nhằm khôi phục hòa bình ở Đông Dương. Những năm kháng chiến đầy oanh liệt ấy, trên địa bàn tỉnh, quân và dân Hưng Yên đã đánh địch 324 trận lớn, nhỏ; tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng, giam chân lực lượng cơ động lớn không cho địch tập trung ứng cứu Điện Biên Phủ; cung cấp nhiều nhân lực, tài lực, vật lực cho chiến trường… góp sức quan trọng cùng với quân và dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Tài liệu tham khảo:
+ Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hưng Yên tập 1 (1929 - 1954)
+ Hưng Yên lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 – 1975)
Nguồn: https://baohungyen.vn