KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024); KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2024); KỶ NIỆM 134 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 05/07/2024 - Lượt xem: 41
Niềm tin và kỳ vọng về chiến lược phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh

Với những chiến lược phát triển tổng thể về kinh tế - xã hội, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh kỳ vọng và vững tin vào những giải pháp thực hiện đồng bộ quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phấn đấu đến năm 2050, Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa, phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa; là nơi đáng sống của vùng Đồng bằng sông Hồng. 
Không gian xanh của đô thị thành phố Hưng Yên
Đồng chí Trịnh Văn Diễn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Huy động nguồn lực để hiện thực hóa quy hoạch tỉnh 
Đồng chí Trịnh Văn Diễn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
Để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, bảo đảm sự đồng bộ với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã tập trung cao độ cho công tác lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (QHT) với khung định hình rõ nét về không gian và các định hướng phát triển, thu hút đầu tư (THĐT) trên địa bàn tỉnh, từ đó tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong thúc đẩy THĐT. Một trong các nhóm giải pháp trọng tâm được tỉnh xác định nhằm hiện thực hoá QHT vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là “Đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài (FDI) vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên đầu tư theo định hướng chiến lược phát triển và quy hoạch của tỉnh; thu hút các dự án đầu tư lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư lớn, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu”. Để đạt kết quả cao trong huy động nguồn vốn đầu tư hiện thực QHT, hiện nay, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã bám sát QHT, gia tăng các giải pháp thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư. Trong đó, tập trung chỉ đạo hoàn thành các quy hoạch, kế hoạch, nhất là quy hoạch chung, quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu và kế hoạch sử dụng đất để sẵn sàng đón nhà đầu tư; bảo đảm việc thu hút và triển khai đầu tư trong thời gian tới không còn bị vướng mắc, ảnh hưởng bởi vấn đề mâu thuẫn, chồng lấn giữa các quy hoạch, chưa thống nhất với QHT... Tích cực bố trí nguồn ngân sách Nhà nước kết hợp huy động các nguồn vốn hợp pháp khác đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp đồng bộ về kết cấu hạ tầng theo hướng liên hoàn, kết nối, bao gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, điện lực, viễn thông... 
Phạm Đăng ghi
Đồng chí Cao Quang Hưng, Giám đốc Sở Xây dựng: Quy hoạch đô thị và nông thôn tỉnh Hưng Yên hướng tới phát triển hài hòa, gắn kết hiệu quả giữa không gian đô thị và nông thôn 
Đồng chí Cao Quang Hưng, Giám đốc Sở Xây dựng
Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quy hoạch đô thị và nông thôn của tỉnh Hưng Yên. Theo đó, định hướng phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Hưng Yên theo mô hình “mạng lưới”, đa cực tích hợp, với các đô thị trung tâm tỉnh và các đô thị hỗ trợ, phát triển, chia sẻ một số chức năng của vùng, kết nối hỗ trợ phát triển các đô thị trung tâm, hình thành các cấu trúc phát triển đô thị giai đoạn 2023-2030 cơ bản đạt tiêu chuẩn thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2037 (dấu mốc kỷ niệm 40 năm tái lập tỉnh), tỉnh Hưng Yên cơ bản đáp ứng tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2050 là thành phố trực thuộc Trung ương. 
Định hướng phát triển nông thôn của tỉnh phù hợp với các chính sách, mục tiêu nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đặc trưng của tỉnh. Phát triển các vùng dân cư nông thôn và các mô hình hỗ trợ sản xuất gắn với các trung tâm phát triển đô thị là các thị trấn, thị xã, thành phố hoặc các trung tâm chuyên ngành. Hệ thống điểm dân cư nông thôn tỉnh Hưng Yên phát triển gắn với các trung tâm xã, cụm xã, được phân bố gắn với hệ thống các đô thị, các khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ, thương mại, logistics, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trung tâm giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ hệ sinh thái công nghiệp, làng nghề. Các trung tâm cụm xã khu vực nông thôn tỉnh có tỉ lệ lao động phi nông nghiệp, mật độ dân số cao, có cấu trúc hướng đến hình thành các khu vực đô thị hóa, là tiền đề phát triển đô thị.
Để hiện thực hóa những định hướng về phát triển đô thị và nông thôn theo Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cần có những biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả, trong đó công tác quy hoạch phải đi trước một bước. Sở Xây dựng sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo và hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức lập quy hoạch chung cho các đô thị mới, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện cho các huyện. Đồng thời, tổ chức lập Đề án xây dựng tỉnh Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo đề cương đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt; rà soát, điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị của tỉnh và Chương trình phát triển đô thị của các địa phương, làm cơ sở để lập các đề án nâng loại đô thị và triển khai đầu tư xây dựng theo chương trình, đề án và quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm thực hiện tốt những định hướng tại quy hoạch tỉnh.
Vi Ngoan ghi
Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Văn Giang: Quy hoạch tỉnh tạo động lực để phát triển Văn Giang trở thành trung tâm kinh tế và đầu mối giao thông của vùng Thủ đô Hà Nội. 
Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Văn Giang
Theo Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Văn Giang được xác định là đô thị trung tâm vùng phía Bắc của tỉnh, phát triển theo hướng sinh thái, thông minh và hiện đại. Khai thác hiệu quả các đường vành đai 3,5 và Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối với khu vực phía Đông và phía Nam của Thủ đô Hà Nội, đóng vai trò thúc đẩy quá trình đô thị hóa khu vực phía Bắc của tỉnh. Ngoài ra, huyện Văn Giang nằm trong trục đường vành đai 4 gắn kết đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, kết nối huyện Văn Giang với khu vực huyện Thanh Trì, huyện Thường Tín của thành phố Hà Nội… Đây là động lực quan trọng để huyện phát triển trở thành trung tâm kinh tế và là đầu mối giao thông quan trọng của vùng Thủ đô Hà Nội theo quy hoạch.
Để phát triển đô thị Văn Giang theo quy hoạch, trong thời gian tới, huyện tập trung phát huy tối đa các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, kết hợp tranh thủ sự giúp đỡ của các sở, ban, ngành tỉnh để phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội.  Trong đó, tập trung thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư như: Dự án giao thông vận tải liên vùng, liên tỉnh, các tuyến đường tạo ra không gian phát triển mới: Đường vành đai 3,5; đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án cấp điện, cấp nước; xây dựng các dự án văn hóa – xã hội; các dự án phát triển nhà ở, đô thị… Thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại – dịch vụ có quy mô lớn cấp vùng, khu vực; duy trì và phát triển hiệu quả diện tích đất nông nghiệp tập trung gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, nông nghiệp công nghệ cao ở các xã: Xuân Quan, Phụng Công, Thắng Lợi và Mễ Sở... Đến nay, một số dự án đô thị trên địa bàn đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tạo diện mạo đô thị khang trang, đồng bộ và hiện đại về kiến trúc, cảnh quan như: Khu đô thị Ecopark với diện tích 499,07 héc-ta; Khu đô thị Dream City với diện tích 445,44 héc-ta; Khu đô thị Đại An với diện tích 193,96 héc-ta... thu hút đông đảo cư dân về sinh sống và du khách đến tham quan, vui chơi, mua sắm.
Hoa Phương ghi
Đồng chí Lê Xuân Khu, đảng viên 50 năm tuổi Đảng ở xã Tân Châu, huyện Khoái Châu: Sớm có kế hoạch, giải pháp thực hiện hành lang văn hóa - lịch sử - sinh thái sông Hồng 
Đồng chí Lê Xuân Khu, đảng viên 50 năm tuổi Đảng ở xã Tân Châu, huyện Khoái Châu
Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã mở ra hướng phát triển mới cho tỉnh Hưng Yên nói chung và huyện Khoái Châu nói riêng. Theo quy hoạch, phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên theo mô hình “mạng lưới”, đa cực tích hợp, dựa trên cấu trúc khung phát triển gồm: 2 vùng, 2 hành lang, 5 trục, 3 trung tâm, trong đó, hành lang văn hóa - lịch sử - sinh thái sông Hồng, phát triển du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái gắn với tuyến đường “Di sản” ven sông Hồng.  Với định hướng phát triển này, huyện Khoái Châu, nhất là vùng đất bãi sông Hồng, nơi tôi đang sinh sống, sau này sẽ được khai thác để phát triển về du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng với các dự án: Sân gôn, khách sạn, khu nghỉ dưỡng sinh thái… Tôi có thể tưởng tượng ra được sự phát triển của quê hương trong tương lai không xa khi những tiềm năng, thế mạnh của địa phương được đưa vào khai thác hợp lý, khoa học. Các di tích lịch sử - văn hóa được bảo tồn, phát huy giá trị; những mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng được hình thành; những khu vui chơi, giải trí năng động được xây dựng… Tôi mong muốn các cấp ủy đảng, chính quyền và các ngành chức năng sớm có những kế hoạch, giải pháp cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thành công quy hoạch tỉnh nhằm hiện thực hóa các mục tiêu như: Đến năm 2030, tỉnh Hưng Yên cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I, trong đó, huyện Khoái Châu đạt đô thị loại IV (thị xã Khoái Châu)… 
Mai Nhung ghi
Đồng chí Nguyễn Thị Huyền, Phó Bí thư đoàn xã Ngô Quyền (Tiên Lữ): Đẩy mạnh phát triển hạ tầng thông tin, truyền thông và chuyển đổi số 
Đồng chí Nguyễn Thị Huyền, Phó Bí thư đoàn xã Ngô Quyền (Tiên Lữ)
Tôi rất vui mừng khi Quy hoạch tỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xác định “đẩy mạnh, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực…” là một trong các khâu đột phá chiến lược. Để chuyển đổi số thành công, quy hoạch tỉnh định hướng phát triển hệ thống thông tin, truyền thông và hạ tầng số đồng bộ, hiện đại nhằm tăng cường khả năng kết nối thông suốt, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, phục vụ chuyển đổi số, kinh tế số của tỉnh. Hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung cấp tỉnh (LGSP), kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, cơ quan; nâng cao năng lực bảo đảm an toàn, an ninh mạng… Hiện nay, hạ tầng thông tin, truyền thông của tỉnh cơ bản bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các vấn đề về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin có lúc, có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu. 
Là cán bộ đoàn xã, lực lượng trẻ, nòng cốt trong tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao kỹ năng về chuyển đổi số, tôi mong muốn tỉnh và các cơ quan chức năng sớm ban hành các kế hoạch, giải pháp để cụ thể hóa, triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh nhằm phát huy vai trò của lực lượng đoàn viên, thanh niên trong phát triển hệ sinh thái số.
Minh Hồng ghi
Chị Nguyễn Thị Hường, người dân xã Đồng Thanh (Kim Động): Tiếp tục thúc đẩy phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung 
Chị Nguyễn Thị Hường, người dân xã Đồng Thanh (Kim Động)
Năm 2020, sau khi được địa phương tuyên truyền, khuyến khích tích tụ ruộng đất, thuê đất để sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, đồng thời, được tham gia các lớp tập huấn ứng dụng khoa học - kỹ thuật, gia đình tôi đã chủ động quy hoạch hơn 3 héc-ta diện tích trồng cam theo vùng tập trung. Đến nay, mô hình trồng cây ăn quả của gia đình tôi đã khẳng định được hướng phát triển bền vững, mỗi năm cho thu nhập trung bình hơn 300 triệu đồng/héc-ta. Hằng năm, sản lượng cam của gia đình tôi được các hợp tác xã, tổ hợp tác trong xã liên kết tiêu thụ.
Tôi tin tưởng và kỳ vọng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của tỉnh, từ đó, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, nâng cao hiệu quả kinh tế, từng bước thay đổi tư duy nhỏ lẻ sang phương thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Tôi mong muốn trong thời gian tới, các sở, ngành của tỉnh và chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong quá trình sản xuất; cải tạo và xây dựng hệ thống thuỷ lợi; nâng cấp và hoàn chỉnh hệ thống giao thông trục chính và nội đồng; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay; hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cam của địa phương…
Vân Anh ghi
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan