Hiện nay, nông dân các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành thu hoạch lúa xuân, đang tập trung sản xuất vụ mùa. Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của thời tiết bất thuận đầu vụ, sâu, bệnh phát sinh gây hại, song lúa xuân năm nay vẫn đạt năng suất khá. Theo đánh giá sơ bộ của ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh, năng suất lúa vụ xuân đạt khoảng 68 tạ/héc-ta, cao hơn 0,42 tạ/héc-ta so với vụ xuân năm 2022.
Mô hình trình diễn giống lúa mới tại xã Đa Lộc (Ân Thi)
Vụ xuân năm nay, nông dân gieo cấy trong điều kiện thời tiết có nhiều khó khăn, song việc gieo cấy cơ bản bảo đảm kế hoạch thời vụ, cơ cấu giống. Đối với việc cày ải, cày lật đất, ngay sau khi thu hoạch xong lúa vụ mùa năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tập trung cày ải, cày lật đất; do thời tiết thuận lợi nên diện tích cày ải, cày lật đất đạt khá cao, toàn tỉnh cày ải được gần 20 nghìn héc-ta, đạt 91% kế hoạch, qua đó tạo thuận lợi cho lúa xuân sinh trưởng, phát triển, hạn chế sâu bệnh hại ở vụ mùa lưu trú và gây hại lúa vụ xuân.
Chủ động khắc phục khó khăn về nguồn nước cho sản xuất vụ xuân, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện tốt kế hoạch nạo vét thủy lợi đông xuân và đắp đê Bắc Hưng Hải. Đồng thời, các đơn vị đã chủ động kiểm tra, tu sửa, bảo dưỡng, thay thế máy móc, thiết bị, tổ chức giải tỏa vi phạm công trình thủy lợi. Trong giai đoạn đổ ải, thời tiết hanh khô, ít mưa, mực nước sông Hồng thấp hơn so với thiết kế; một số tuyến sông bị ô nhiễm gây khó khăn cho lấy nước đổ ải. Vào vụ sản xuất, việc lấy nước đổ ải tuy gặp nhiều khó khăn, thời gian các đợt xả nước của hồ thủy điện ngắn, Sở đã chỉ đạo các đơn vị thủy nông bám sát lịch xả nước các hồ thuỷ điện để phân công nhân lực trực 24h/24h để thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tập trung lấy nước đổ ải phục vụ gieo cấy vụ xuân. Các đơn vị thủy nông huy động tối đa công suất của các trạm bơm tham gia lấy nước đổ ải, triển khai đồng bộ các giải pháp lấy nước nên đến ngày 9/2, toàn tỉnh cơ bản đổ ải xong 100% diện tích.
Nhằm hạn chế chuột cắn hại lúa và cây trồng khác, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các địa phương đã triển khai kế hoạch diệt chuột tập trung trên toàn tỉnh ngay từ đầu vụ (từ ngày 25/1 đến ngày 31/3) nên đã hạn chế được diện tích lúa bị chuột gây hại. Kết thúc diệt chuột, số lượng chuột đã diệt được ước tính trên 5,6 triệu con.
Với các giải pháp khắc phục khó khăn về thời tiết, nguồn nước, chủ động các loại vật tư như giống, phân bón đã tạo thuận lợi cho nông dân xuống đồng gieo cấy lúa xuân. Kết thúc thời vụ, toàn tỉnh gieo cấy được 25.407 héc-ta, đạt 101% kế hoạch; trong đó diện tích cấy 15.543 héc-ta, cấy bằng mạ khay, máy cấy 1.800 héc-ta, diện tích gieo thẳng 8.064 héc-ta. Vụ này, diện tích gieo cấy nhóm giống lúa chất lượng cao đạt 17.648 héc-ta, chiếm 69,5%, tăng 0,2% so với vụ xuân năm 2022, gồm các giống nếp, Đài thơm 8, Tiền Hải 1… Diện tích gieo cấy nhóm giống lúa có năng suất cao đạt 7.759 héc-ta, chiếm 30,5%, gồm các giống Thiên ưu 8, TBR225, VNR20... Để nông dân phòng trừ sâu bệnh hại lúa đạt hiệu quả, cán bộ bảo vệ thực vật, khuyến nông đã chủ động kiểm tra đồng ruộng, khuyến cáo nông dân các biện pháp phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc “4 đúng”, theo quy trình IPM. Do vậy, lúa xuân năm nay sinh trưởng và phát triển tốt, nhiễm nhẹ sâu bệnh hại.
Nhằm tạo điều kiện cho việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, vụ xuân năm nay, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh, các địa phương đã khuyến khích, hỗ trợ nông dân triển khai thực hiện 45 mô hình sản xuất lúa tập trung (từ 5 héc-ta trở lên/mô hình) với tổng diện tích thực hiện 930 héc-ta, chủ yếu gieo cấy các giống lúa chất lượng cao như: Nếp thơm Hưng Yên (420 héc-ta), Đài Thơm 8 (180 héc-ta)... với hình thức sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm. Các mô hình sản xuất tập trung đã tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng cơ giới hóa, tiết kiệm chi phí vật tư, nguyên liệu đầu vào, mang lại hiệu quả cao hơn sản xuất đại trà từ 1,2 - 1,5 lần (khoảng 7 - 10 triệu đồng/héc-ta). Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao năng lực, trình độ kỹ thuật trong gieo cấy, thâm canh và chăm sóc lúa vụ xuân cho hàng nghìn lượt nông dân tại các địa phương. Phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức nhiều mô hình trình diễn, chuyển giao phương tiện, kỹ thuật cấy bằng máy, mạ khay.
Năng suất lúa xuân đạt khoảng 68 tạ/héc-ta
Đồng chí Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Để vụ lúa xuân giành thắng lợi cả về năng suất và chất lượng lúa gạo, trước vụ sản xuất, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh cung ứng hàng trăm tấn thóc giống siêu nguyên chủng và nguyên chủng cho nông dân, đồng thời liên kết với các công ty sản xuất giống lúa cung ứng đến các đại lý trên địa bàn tỉnh. Thanh tra của sở phối hợp với các địa phương triển khai các đợt thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh giống lúa, vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, qua đó đã hạn chế sản phẩm chất lượng kém. Sau gieo cấy lúa vụ xuân, điều kiện thời tiết trong tháng 3, tháng 4 thuận lợi cho các loại sâu, bệnh hại phát sinh, phát triển, gây hại trên cây trồng, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành, địa phương; cùng với đó, cán bộ nông nghiệp, bảo vệ thực vật thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, dự tính dự báo chính xác và hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, có hiệu quả nên các đối tượng gây hại thấp hơn so với năm trước. Một số loại sâu, bệnh như: Đạo ôn lá, khô vằn, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh gây hại ở mức thấp hơn so với vụ xuân năm trước; cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt; thời điểm lúa làm đòng, trỗ bông thuận lợi.
Nguồn: https://baohungyen.vn