KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 27/10/2023 - Lượt xem: 370
Niềm vui trên những cánh đồng vụ đông sớm

Thời điểm này, nông dân tại một số địa phương trong tỉnh tất bật thu hoạch cây vụ đông sớm với niềm vui được mùa, được giá.

Sau hơn 1 tháng trồng, chăm sóc, 1,5 mẫu bí ngô bao tử của gia đình ông Hà Văn Khanh ở thôn Giang, xã Nhân La (Kim Động) đã cho thu hoạch với sản lượng 4 – 5 tạ quả/lứa (khoảng 3 ngày cây bí ngô cho thu hoạch 1 lứa). Ông Khanh chia sẻ: Vụ đông từ lâu đã trở thành vụ mang lại thu nhập chính cho gia đình tôi bởi thu nhập từ trồng cây bí ngô bao tử gấp nhiều lần cấy lúa, lại tiết kiệm chi phí sản xuất và công lao động. Do gia đình tôi có đầu mối tiêu thụ tại tỉnh Quảng Ninh nên hàng ngày tôi thu hoạch rồi gửi xe vận chuyển ra đó, dù vất vả nhưng bù lại giá cao gấp 1,5 - 2 lần so với bán tại ruộng. 
Thôn Giang, xã Nhân La là địa phương có truyền thống trồng cây vụ đông sớm của huyện Kim Động. Vụ đông năm 2023, diện tích trồng cây bí ngô bao tử toàn thôn đạt 70 mẫu. Đồng chí Trần Đình Toại, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Giang cho biết: Năm nay, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn dài ngày cuối tháng 9 nên nhiều diện tích trồng bí vụ đông bị ảnh hưởng, chết hoặc sinh trưởng kém khiến thời vụ thu hoạch muộn hơn so với vụ đông năm 2022 khoảng 1 tuần. Trung bình, mỗi sào bí ngô bao tử cho năng suất 5 –6 tấn quả, với giá bán trung bình 5.000 – 8.000 đồng/kg sẽ mang lại thu nhập 3 – 4 triệu đồng/sào. Ngoài bán quả bí bao tử, người trồng còn có thu nhập thêm từ bán nụ và ngọn bí với mức giá 5.000 – 10.000 đồng/bó. Trong thôn hiện nay có 3 cá nhân thu mua nông sản của người dân cung cấp cho các chợ đầu mối ở trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm thu hoạch đến đâu thương lái ra tận ruộng thu mua đến đó, vì vậy nông dân không phải lo đầu ra, cũng không phải mất công vận chuyển.
Nông dân xã Hồ Tùng Mậu (Ân Thi) thu hoạch bí ngô vụ đông
Ngoài cây bí, thời điểm này, nông dân nhiều địa phương khác trong tỉnh bắt đầu thu hoạch các cây vụ đông sớm như: Ngô, dưa chuột, rau màu các loại.
Những ngày này, trên các cánh đồng của các xã: Hưng Đạo, Nhật Tân, Thiện Phiến, Ngô Quyền… (Tiên Lữ), bà con nông dân đang hối hả chăm sóc, thu hoạch rau màu các loại. Đang thu hoạch ruộng rau cải của gia đình, chị Nguyễn Thị Chúc ở thôn Cao Đông, xã Nhật Tân chia sẻ: Năm nay, gia đình tôi trồng 3 sào cây vụ đông gồm ngô, tỏi, rau cải. Mặc dù đầu vụ thời tiết mưa nhiều nhưng do chăm sóc tích cực nên diện tích rau cải của gia đình tôi phát triển tốt. Thời điểm này, diện tích rau cải đang cho thu hoạch với giá bán tại ruộng từ 5.000 đến 6.000 đồng/bó, cao hơn 2.000 đồng/bó so với tháng trước. Với giá bán này, mỗi sào rau cho thu lãi trên 2 triệu đồng/vụ.
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tiên Lữ, những cây vụ đông sớm như: Bí ngô, bí xanh, dưa chuột, rau màu các loại là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, dễ trồng và chăm sóc, ít sâu bệnh. Để bảo đảm sản xuất cây vụ đông sớm thắng lợi, ngay từ khi có kế hoạch của tỉnh giao, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng và các địa phương triển khai việc hướng dẫn kỹ thuật giúp nông dân trồng cây rau màu vụ đông sớm trong khung thời vụ tốt nhất, thâm canh theo hướng sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm nay huyện phấn đấu gieo trồng khoảng 800 héc-ta cây vụ đông. Đến ngày 20/10, bà con nông dân đã trồng được khoảng 570 héc-ta; trong đó có khoảng 300 héc-ta cây vụ đông sớm.
Vụ đông năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 6.960 héc-ta cây rau màu các loại, trong đó phấn đấu diện tích gieo trồng cây vụ đông sớm đạt khoảng 60 – 70%. Nông dân chủ yếu trồng các loại cây như: Rau, màu các loại; bí các loại; ngô, lạc, đậu tương… Đây là những loại cây ưa ấm, phù hợp với thời tiết đầu vụ, thời gian sinh trưởng ngắn, nhanh cho thu hoạch. Do thu hoạch đầu vụ, cùng với thời điểm giao mùa nguồn cung rau, củ, quả chưa dồi dào… nên thị trường tiêu thụ thuận lợi và được giá. Hiệu quả kinh tế mà cây vụ đông sớm mang lại cao gấp 1,5 – 2 lần so với cây vụ đông chính vụ. 
Cây vụ đông sớm là một trong những thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Với trình độ thâm canh cao, cùng với việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất đã giúp nông dân khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ gieo trồng. Đây là những yếu tố giúp nâng cao năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Bên cạnh niềm vui thu hoạch, tiêu thụ cây vụ đông sớm, nông dân các địa phương đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng nhóm rau, củ ưa lạnh (cà chua, cải bắp, su hào, khoai tây…) để tăng giá trị trên một đơn vị diện tích. 
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan