Sáng 27/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ với chủ đề “Chính sách và hướng tiếp cận nhằm bảo đảm quan hệ thương mại mang lại lợi ích chung”. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam; Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper; Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu trực tuyến; đông đảo cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ (Ảnh: Trần Hải).
Hội nghị do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tổ chức với mục tiêu thắt chặt mối quan hệ thương mại và kinh tế song phương. Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai, là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Với Hoa Kỳ, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong mười đối tác thương mại lớn nhất. Kim ngạch hai chiều đạt kỷ lục 110,8 tỷ USD năm 2023 và tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 với kim ngạch hai chiều 10 tháng đầu năm đạt 110,9 tỷ USD. Việt Nam cũng là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Hoa Kỳ, trong khi các doanh nghiệp và nhà đầu tư Hoa Kỳ đã có những đóng góp lớn vào sự phát triển và chuyển đổi của nền kinh tế Việt Nam.
Hội nghị là dịp thảo luận kịp thời về các chính sách và phương hướng mà cả chính phủ và khu vực tư nhân cần thực hiện để bảo đảm quan hệ thương mại và đầu tư đôi bên cùng có lợi giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Hội nghị tập trung thảo luận vào nhu cầu ban hành quy định hợp lý, khai thác toàn bộ tiềm năng của nền kinh tế số, giải quyết các nhu cầu an ninh năng lượng và phát triển với các hành động thực tế, duy trì năng lực cạnh tranh thông qua tăng năng suất và giảm rủi ro, cũng như cũng cố khả năng huy động nguồn lực, sản xuất và chuỗi cung ứng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ. (Ảnh: Trần Hải)
Tại hội nghị, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, chia sẻ, qua 6 kỳ tổ chức hội nghị thường niên thành công, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ đã trở thành một sự kiện được mong đợi hàng năm của cộng đồng doanh nghiệp hai bên; khẳng định, trong thành công phát triển kinh tế của Việt Nam có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Hội nghị không chỉ là cơ hội để kết nối các doanh nghiệp hai nước, mà còn là diễn đàn để chúng ta cùng tìm ra những hướng đi mới, những cơ hội hợp tác tiềm năng và cách thức vượt qua các thách thức hiện nay, đặc biệt trong các lĩnh vực: thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương; khai phá tiềm năng của kinh tế số; đảm bảo an ninh năng lượng và duy trì khả năng cạnh tranh…
Chủ tịch AmCham Joseph Uddo trong thông điệp trực tuyến gửi Hội nghị nhấn mạnh, việc giải quyết các vấn đề quan trọng được nêu tại Hội nghị này sẽ cải thiện điều kiện kinh doanh, thúc đẩy khu vực tư nhân, đảm bảo phát triển kinh tế và xã hội, đồng thời đẩy mạnh thịnh vượng tại Việt Nam. Đây là cơ hội lớn nhằm thu hút hơn nữa các nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, hỗ trợ các nhà đầu tư khác. AmCham rất vinh dự được tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ, xây dựng, không chỉ đơn thuần đưa ra ý kiến, mà cùng nhau thực thi các giải pháp để giúp Việt Nam vươn lên đạt tầm cao mới.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken đánh giá, sự hợp tác giữa hai nước và các mối quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp đang sôi động, mạnh mẽ hơn bao giờ hết và mang lại lợi ích thực sự cho cả người dân Hoa Kỳ và Việt Nam. Đó là điều mà ông đã được chứng kiến trong ba chuyến thăm Việt Nam với vai trò Bộ trưởng Ngoại giao. Ông nêu rõ, Việt Nam đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng, trở thành đối tác quan trọng của Chính phủ Mỹ. Trong hơn một thập kỷ qua, kim ngạch thương mại hai nước tăng 4 lần; hai nước cũng nỗ lực đưa ra nhiều sáng kiến để cộng đồng được hưởng lợi. Sự hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước đang bền chặt hơn bao giờ hết, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự và có phát biểu quan trọng chia sẻ cùng cộng đồng doanh nghiệp; cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam hỗ trợ hợp tác cộng đồng doanh nghiệp hai nước đơm hoa kết trái…; nêu rõ, hai bên có sự hợp tác sôi động để cùng chia sẻ tầm nhìn, thịnh vượng; gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, cùng hợp tác để phát triển, cùng vượt qua mọi trở ngại. Hiện nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đang đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Do đó, hai bên cần chung tay hợp tác, xây dựng chuỗi cung ứng, phát triển công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI)… Hoa Kỳ vui mừng được đóng góp hỗ trợ Việt Nam để có chuỗi cung ứng ổn định…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ. (Ảnh: Trần Hải)
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ năm 1946 đã gửi thư cho Tổng thống Hoa Kỳ Harry S.Truman bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước ngay từ khi mới thành lập nước. Quan hệ hai nước có thăng trầm và đột phá. Việt Nam gác lại quá khứ, tôn trọng sự khác biệt, khai thác điểm đồng, hạn chế bất đồng, hướng tới tương lai.
Thủ tướng nêu rõ, tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; những vấn đề toàn cầu thì không thể một quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết được; không một quốc gia nào an toàn khi còn một quốc gia còn chiến tranh, xung đột, mất mát. Thủ tướng ví dụ xung đột ở Biển Đỏ đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng; đó là chưa kể các vấn đề toàn cầu khác như cạn kiệt tài nguyên, già hoá dân số, thiên tai, biến đổi khí hậu… Đặc biệt, kinh tế, thương mại những năm vừa qua diễn biến hết sức khó khăn, đều xuất phát từ ảnh hưởng tình hình chính trị, dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Do đó, Thủ tướng cho rằng, không thể có đất nước nước có thể yên ổn, trong đó kể cả Hoa Kỳ dù là cường quốc số 1 về kinh tế cũng bị ảnh hưởng. Đây là vấn đề toàn diện, toàn dân, do đó phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, đề cao chủ nghĩa đa phương, kêu gọi đoàn kết quốc tế. Các doanh nghiệp hai nước góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp hơn. Thủ tướng nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần coi trọng thời gian, trí tuệ, sự quyết đoán đúng lúc là 3 vấn đề mang tính quyết định đầu tư kinh doanh. Chúng ta không nên lãng phí thời cơ, thời điểm.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)
Về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, Thủ tướng nêu rõ, quan hệ này được khởi xướng từ năm 1946, nhưng do thăng trầm của lịch sử, hai bên đã bỏ lỡ cơ hội, nhưng chúng ta đã gác lại quá khứ, hướng đến tương lai. Thủ tướng cảm ơn các bạn Hoa Kỳ luôn mong muốn Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, mạnh; đánh giá hai bên đã tiến một bước tiến xa, trong đó có sự đóng góp của các doanh nghiệp Hoa Kỳ và Việt Nam. Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam đã và đang hoàn thiện CNXH và con đường đi lên CNXH. Hai nước có khác biệt về thể chế chính trị nhưng có điểm đồng luôn vun đắp tình hữu nghị, thúc đẩy sự phát triển hai nước. Việt Nam đang xây dựng nền dân chủ XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Xuyên suốt 3 trụ cột này, Việt Nam luôn con người là trung tâm, là chủ thể, đồng thời là mục tiêu và là động lực cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giàu mạnh và thịnh vượng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập, đó là: thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, ưu tiên quan hệ với các nước lớn, bạn bè truyền thống, các nước láng giềng; coi kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; Việt Nam nỗ lực bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, thực hiện chính sách quốc phòng “4 không”; xây dựng nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, “văn hoá còn thì dân tộc còn, văn hoá mất thì dân tộc mất”, “văn hoá soi đường cho quốc dân đi”; coi trọng vấn đề an sinh xã hội, có lưới an ninh bao trùm cho người nghèo, người yếu thế, người có công với đất nước, chính sách xã hội tiến bộ và công bằng, với mục tiêu cuối cùng là nhân dân được ấm no, hạnh phúc; mọi thắng lợi đều dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, không có mục đích nào hơn là mang lại lợi ích, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, do đó luôn xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, luôn tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam từ đất nước nghèo nàn, lạc hậu, đổ nát sau chiến tranh, đến nay đã vươn lên đứng thứ 34 trong các nền kinh tế trên thế giới; có Hiệp định FTA với trên 65 nền kinh tế trên thế giới; kim ngạch thương mại năm nay ước sẽ đạt gần 800 tỷ USD; hiện có hơn 400 tỷ USD đầu tư nước ngoài, năm nay cố gắng thu hút 40 tỷ USD, giải ngân vốn đầu tư FDI phấn đấu đạt hơn 25 tỷ USD, là sự nỗ lực lớn; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên… Đây là sự nỗ lực của Việt Nam, trong đó có sự giúp đỡ bạn bè quốc tế, trong đó có các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)
Thời gian tới, Việt Nam đột phá mạnh mẽ về thể chế, xây dựng bộ máy tinh gọn để giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp; ưu tiên cho tăng trưởng, vì tăng trưởng mang tính quyết định tăng năng suất lao động, thu nhập bình quân đầu người, phát triển đất nước, do đó làm mới lại các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, trong đó Thủ tướng bày tỏ vui mừng Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, từ đầu năm đến nay đạt 110 tỷ USD; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…
Tập trung vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để phát triển. Việt Nam đi thẳng vào những lĩnh vực công nghệ cao, do đó vì lợi ích hai bên, Thủ tướng mong Hoa Kỳ thể hiện sự thiện chí, xoá bỏ các hạn chế về công nghệ đối với Việt Nam. Chuyển đổi số là lựa chọn khách quan, ưu tiên trong phát triển hiện nay của Việt Nam, do đó rất cần sự hợp tác của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này. Cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, trong đó đột phá về thể chế, đột phá về hạ tầng trong đó có hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, hạ tầng số để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí logistics, tạo không gian phát triển mới, thuận lợi cho đi lại, tăng tính cạnh tranh của hàng hoá; đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao dựa trên nền tảng nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Có nguồn nhân lực chất lượng cao thì sẽ có tăng năng suất lao động; tập trung vào các dự án lớn mang tính “xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái” như hệ thống đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, tuyến đường sắt kết nối các nước trong khu vực, tái khởi động dự án điện hạt nhân, các cảng biển lớn, khai thác không gian vũ trụ, không gian biển…
Thủ tướng mong các doanh nghiệp Hoa Kỳ yên tâm đầu tư, hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển; cùng chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào. Thủ tướng mong phía Hoa Kỳ chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện thể chế, ưu đãi vốn vay, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị để Việt Nam thực hiện tốt “3 thông”: chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh. Thủ tướng nêu rõ, sự có mặt này sẽ có ý nghĩa hơn nếu biến thành các dự án, chương trình, sản phẩm cụ thể, "cân, đong, đo, đếm" được, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, thúc đẩy quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa Việt Nam - Hoa Kỳ.
Nguồn: https://nhandan.vn