Ngân sách xã, phường, thị trấn (gọi chung là ngân sách cấp xã) là một bộ phận trong hệ thống ngân sách nhà nước (NSNN). Bám sát nhiệm vụ được giao, các địa phương phối hợp với ngành Thuế khai thác tốt các nguồn thu vào NSNN. Qua đó, ngân sách cấp xã góp phần tăng cường nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Giao dịch thu phí, lệ phí tại bộ phận “một cửa” xã Việt Hưng (Văn Lâm)
Năm 2023, HĐND tỉnh giao dự toán thu NSNN cấp xã (thu phân cấp) là 1.730.180 triệu đồng. Thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nội địa năm nay, căn cứ vào phân cấp nguồn thu và dự toán được giao, cơ quan thuế kết hợp với UBND các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh khai thác các nguồn thu, phấn đấu thu đúng, thu đủ và kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và những khoản phải nộp khác vào NSNN. Ngay từ đầu năm, cơ quan thuế các huyện, thành phố đã tham vấn Hội đồng tư vấn thuế các xã, phường, thị trấn về các mức thu lệ phí môn bài với từng hộ kinh doanh, bảo đảm công khai, áp mức thu đúng thực tế. Công tác tuyên truyền cũng được triển khai dưới nhiều hình thức để các chính sách thuế đến được với từng đối tượng phải nộp thuế.
Theo Nghị quyết số 302/2022/NQ – HĐND ngày 8/12/2022 của HĐND tỉnh ban hành Quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỉ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023 - 2025, HĐND tỉnh phân cấp nguồn thu ngân sách cấp xã hưởng 100% các khoản thu như: Thuế tiêu thụ đặc biệt do cấp xã quản lý, trừ thuế tiêu thụ đặc biệt thu từ hàng hóa nhập khẩu (phần địa phương được hưởng theo phân cấp); lệ phí môn bài của các hộ kinh doanh cá thể; thuế sử dụng đất nông nghiệp; tiền đền bù thiệt hại đất do cấp xã quản lý, các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc xã xử lý; tiền từ bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước do cấp xã quản lý; thu thuế tài nguyên do cấp xã quản lý, không kể thuế tài nguyên từ hoạt động thăm, dò, khai thác dầu, khí; các khoản lệ phí do cơ quan, đơn vị cấp xã thực hiện thu theo quy định không kể lệ phí trước bạ; thu từ quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác theo quy định của pháp luật do cấp xã quản lý; các khoản huy động đóng góp của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; thu từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt, tịch thu theo quy định của pháp luật do cơ quan nhà nước cấp xã quyết định thực hiện xử phạt, tịch thu…Các khoản thu phân chia theo tỉ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách xã với ngân sách cấp trên gồm: Thuế giá trị gia tăng; thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế thu nhập cá nhân; tiền sử dụng đất; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; tiền thuê mặt đất, mặt nước; lệ phí trước bạ; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phần địa phương được hưởng theo phân cấp; thuế bảo vệ môi trường; thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước phần địa phương được hưởng theo phân cấp…
Qua tìm hiểu tại một số địa phương, được biết, trong số các khoản thu phân cấp ngân sách xã được hưởng 100% thì thu phí, lệ phí; thu từ quỹ đất công ích và hoa lợi công sản là những khoản thu có tính chất thường xuyên, ổn định. Việc xử lý đất dôi dư, xen kẹt cũng góp phần tăng thu ngân sách ở một số địa phương. Một số khoản thu mang tính chất thời điểm, kết quả thu có sự chênh lệch khá nhiều giữa các địa phương như: Thu từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt, tịch thu khác theo quy định của pháp luật do cấp xã thực hiện; thuế sử dụng đất nông nghiệp; thu tiền sử dụng đất, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản… Điều thuận lợi trong nhiệm vụ thu ngân sách cấp xã từ thu lệ phí là bộ phận “một cửa” tại các xã hoạt động có nền nếp. Hiện nay, UBND các xã, phường, thị trấn chú trọng cải cách thủ tục hành chính và phân công cán bộ trực giải quyết công việc theo đúng quy định. Do đó, khi thu hút được các tổ chức, cá nhân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” của xã sẽ góp phần tăng nguồn thu từ thu lệ phí chứng thực vào ngân sách. Theo số liệu từ Sở Tài chính, từ đầu năm đến hết tháng 8/2023, tổng thu ngân sách cấp xã được 1.657.216 triệu đồng, đạt 95,8% dự toán giao cả năm. Trong đó, một số khoản thu đạt kết quả khá là: Thu tiền sử dụng đất; thu tiền thuê mặt đất, mặt nước; thu hoa lợi công sản từ quỹ đất công ích…
Việc khai thác tốt các nguồn thu vào ngân sách cấp xã mang ý nghĩa góp phần hoàn thành dự toán thu NSNN và thực hiện nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Để khai thác tốt các khoản thu vào ngân sách cấp xã đòi hỏi có những giải pháp đồng bộ như: Cơ quan thuế kết hợp cùng chính quyền địa phương có biện pháp quản lý thu thuế phù hợp đối với một số lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh dễ xảy ra thất thu thuế như hoạt động kinh doanh vận tải, xăng dầu, xây dựng vãng lai... để hoàn thiện cơ chế quản lý đối tượng nộp thuế và công tác thu nộp thuế. Đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho đối tượng nộp thuế và người thi hành công vụ trong ngành thuế. Phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, địa phương rà soát lại các nguồn thu trên địa bàn, nhất là các khoản thu còn có khả năng thu, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đôn đốc thu nộp kịp thời vào NSNN. Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác thu ngân sách xã, xây dựng cơ sở dữ liệu đối với đối tượng nộp thuế trên địa bàn. Siết chặt công tác quản lý đất đai và khai thác hiệu quả các nguồn thu từ đất dôi dư, xen kẹt. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế, hạn chế thấp nhất tình trạng thất thu thuế.
Nguồn: https://baohungyen.vn